Quyết định 193/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 193/QĐ-TTg
Ngày ban hành 21/01/2013
Ngày có hiệu lực 21/01/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 193/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ NINH BÌNH ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Quy hoạch: Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Phạm vi, ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch:

a) Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch: Lấy thành phố Ninh Bình làm hạt nhân, mở rộng huyện Hoa Lư và sáp nhập một số đơn vị hành chính thuộc thị xã Tam Điệp và các huyện: Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn, Nho Quan. Tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.124 ha (bằng khoảng 15% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh Ninh Bình).

b) Ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch:

- Phía Bắc giáp huyện Gia Viễn;

- Phía Nam giáp thị xã Tam Điệp, huyện Yên Mô và huyện Yên Khánh;

- Phía Tây giáp huyện Nho Quan và thị xã Tam Điệp;

- Phía Đông giáp tỉnh Nam Định.

3. Quan điểm và mục tiêu:

a) Quan điểm:

- Rà soát, đánh giá việc thực hiện đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã Ninh Bình (nay là thành phố Ninh Bình) được phê duyệt năm 2003; đề xuất yêu cầu, nhiệm vụ trong quy hoạch phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị trong giai đoạn mới;

- Gắn kết đô thị Ninh Bình với các khu vực khác của tỉnh Ninh Bình, Thủ đô Hà Nội, các vùng kinh tế trong khu vực Bắc Bộ (vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng duyên hải Bắc Bộ) và cả nước, nhằm phát huy tối đa lợi thế về địa lý, điều kiện tự nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử và nguồn lực của đô thị Ninh Bình;

- Xây dựng đô thị Ninh Bình thành đô thị du lịch sinh thái, hiện đại, phát triển bền vững, có bản sắc riêng, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập quốc tế; làm cơ sở cho việc quản lý, thu hút đầu tư phát triển đô thị;

- Khai thác tiềm năng du lịch trên cơ sở giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử; tạo ra những sản phẩm du lịch có bản sắc, thương hiệu riêng;

- Tôn trọng và phát huy các giá trị truyền thống, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, lịch sử của địa phương.

b) Mục tiêu:

Nhằm tăng cường quản lý, thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng các yêu cầu hiện đại, phát triển bền vững; phấn đấu xây dựng và phát triển đô thị Ninh Bình trở thành đô thị loại II vào năm 2015 và trở thành đô thị loại I vào năm 2030 với vai trò là Trung tâm văn hóa, lịch sử, du lịch, quốc gia.

4. Tính chất:

- Là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử du lịch của tỉnh;

[...]