UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1904/QĐ-UBND
|
Yên Bái, ngày
09 tháng 12 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM CÂN KIỂM TRA TẢI
TRỌNG XE LƯU ĐỘNG TỈNH YÊN BÁI
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
Căn cứ Thông tư số 10/2012/TT-BGTVT ngày 12/4/2012
của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của Trạm kiểm tra tải
trọng xe;
Căn cứ Quyết định số 2919/QĐ-BGTVT ngày
24/9/2013 của Bộ Giao thông vận tải quy định quản lý hoạt động của Trạm kiểm
tra tải trọng xe lưu động;
Căn cứ Quyết định số 1884/QĐ-UBND ngày
04/12/2013 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc thành lập Trạm cân
kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh Yên Bái;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải
tại Tờ trình số 1324/TTr-SGTVT ngày 12/11/2013,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm
theo Quyết định này “Quy chế quản lý hoạt động của Trạm cân kiểm tra tải trọng
xe lưu động tỉnh Yên Bái”.
Điều 2. Quyết định này
có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Giao thông vận tải;
- Bộ Công an;
- TT.Tỉnh uỷ;
- TT.HĐND tỉnh;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Như Điều 3 QĐ;
- Chánh, Phó VP.UBND tỉnh (NC);
- Cổng TTĐT tỉnh Yên Bái;
- Phòng TH-CB;
- Lưu: VT, NC, XD.
|
CHỦ TỊCH
Phạm Duy Cường
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM CÂN KIỂM TRA TẢI TRỌNG XE LƯU ĐỘNG
TỈNH YÊN BÁI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1904/QĐ-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2013 của
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh,
đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định việc quản lý và tổ chức
hoạt động của Trạm cân kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh Yên Bái.
2. Các quy định trong Quy chế này áp dụng đối với
cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý hoạt động của Trạm cân
kiểm tra tải trọng xe lưu động trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Điều 2. Nguyên tắc quản lý
hoạt động
1. Trạm cân kiểm tra tải trọng xe thực hiện việc
lưu động kiểm tra tải trọng xe trên các quốc lộ và hệ thống đường bộ địa phương
trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
2. Trạm cân kiểm tra tải trọng xe lưu động thực
hiện việc quản lý và tổ chức hoạt động trên địa bàn Yên Bái thông qua kế hoạch
liên ngành hàng năm.
3. Trạm cân kiểm tra tải trọng xe lưu động được
quản lý và sử dụng phục vụ công tác theo đúng các quy định quản lý tài sản
công, các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục đường bộ Việt Nam về chế
độ đăng ký, đăng kiểm, thống kê, kiểm kê, vận hành bảo trì và báo cáo hoạt động
thường xuyên của Trạm.
4.Việc sử dụng bộ cân tải trọng xe lưu động phải
đúng mục đích, đạt hiệu quả trong công tác kiểm tra, xử lý xe vi phạm nhằm góp
phần thiết thực vào công tác bảo vệ công trình giao thông, bảo đảm trật tự an
toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC HOẠT
ĐỘNG
Điều 3. Lực lượng thực hiện
nhiệm vụ tại Trạm cân kiểm tra tải trọng xe lưu động
1. Cơ cấu tổ chức:
a. Trạm trưởng: Lãnh đạo Thanh tra Sở Giao thông
vận tải.
b. Phó Trạm trưởng: Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao
thông - Công an tỉnh.
c. Mỗi ca trực tại Trạm cân có Trưởng ca, Phó
trưởng ca do Lãnh đạo Trạm cân thống nhất cử theo từng đợt của Kế hoạch.
2. Thành phần trực tiếp: Là thành phần tham gia
kiểm tra tại mỗi ca trực, gồm lực lượng cán bộ Thanh tra giao thông - Sở Giao
thông vận tải, cán bộ chiến sĩ Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh, cán bộ chiến
sĩ Kiểm soát quân sự - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh.
3. Thành phần gián tiếp:
a. Giám sát Trạm cân: Cán bộ Văn phòng Ban An
toàn giao thông tỉnh.
b. Lực lượng hỗ trợ: cán bộ chiến sĩ CSGT, cán bộ
Phòng Hạ tầng và Kinh tế cấp huyện, cán bộ thuộc đơn vị Quản lý đường bộ tại địa
bàn kiểm tra.
4. Lực lượng tham gia trực tiếp và gián tiếp có
thể thay đổi theo Kế hoạch công tác năm và từng đợt hoạt động của Trạm (riêng
cán bộ được giao trực tiếp quản lý thiết bị, máy móc và vận hành Trạm cân hạn
chế thay đổi).
5. Lãnh đạo Trạm cân có trách nhiệm quản lý toàn
diện hoạt động của Trạm cân trong suốt thời gian thực hiện kế hoạch; đôn đốc,
quản lý nhân viên chấp hành nghiêm chỉnh các quy định trong công tác nghiệp vụ.
Trạm trưởng lập sổ kiểm tra, nhật ký thống kê, bàn giao ca trực hàng ngày để
theo dõi quản lý và tổng hợp báo cáo cấp trên theo quy định.
Điều 4. Ban hành Kế hoạch kiểm
tra tải trọng xe
Hàng năm, căn cứ tình hình trật tự an toàn giao
thông, tình hình hoạt động của xe quá tải, quá khổ từng địa bàn trong tỉnh và chỉ
đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Lãnh đạo hai ngành Giao thông vận tải - Công an tỉnh
thống nhất ban hành kế hoạch liên ngành.
Điều 5. Tiêu chuẩn, trang bị,
chế độ của lực lượng tham gia tại Trạm cân
1. Lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm cân được
tuyển chọn theo tiêu chuẩn quy định hiện hành; đảm bảo có phẩm chất đạo đức tốt,
đủ năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
2. Phương tiện, trang bị của lực lượng tham gia
phối hợp công tác tại Trạm cân do ngành quản lý giao cho từng cá nhân sử dụng
và bảo quản theo đúng quy định của chuyên ngành.
3. Lương và các khoản phụ cấp theo quy định của
Nhà nước đối với các thành viên thuộc lực lượng phối hợp hoạt động tại Trạm cân
do cơ quan quản lý chi trả. Phụ cấp làm việc tại Trạm và các quyền lợi khác (nếu
có) được hưởng theo quy định của Trạm cân.
4. Các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ trực tiếp
tại Trạm cân được tổ chức tập huấn nghiệp vụ, bao gồm quy trình xử lý vi phạm,
vận hành bảo dưỡng thường xuyên bộ cân tải trọng xe lưu động và được Sở Giao
thông vận tải cấp giấy chứng nhận tập huấn theo quy định.
Điều 6. Hoạt động Trạm cân
kiểm tra tải trọng xe
1. Nhiệm vụ của lực lượng Thanh tra giao thông -
Sở Giao thông vận tải tham gia hoạt động tại Trạm cân:
- Tổ chức vận chuyển, lắp đặt, kiểm tra thiết bị
và chuẩn bị mọi điều kiện bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành Trạm cân.
- Phối hợp cùng Cảnh sát giao thông dẫn xe vào vị
trí cân kiểm tra;
- Cân xe, xác định vi phạm, dẫn xe vi phạm
vào bãi hạ tải, kiểm tra, giám sát hạ tải và cân kiểm tra lại sau khi phương tiện
đã hạ đủ tải, lập biên bản vi phạm, ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện
vi phạm và xử phạt theo thẩm quyền.
- Tất các các trường hợp sau khi cân kiểm tra xe
xác định vi phạm chở hàng quá tải trọng đều tiến hành lập biên bản vi phạm; yêu
cầu lái xe, chủ xe hoặc chủ hàng phải tự hạ tải theo quy định và phải chịu mọi
chi phí và bảo quản hàng hóa trong quá trình hạ tải. Sau khi đã thực hiện việc
hạ tải, tổ chức cân lại đảm bảo quy định mới giải quyết cho xe tiếp tục lưu
hành.
2. Nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông -
Công an tỉnh tham gia hoạt động tại Trạm cân:
- Bố trí cán bộ chiến sĩ dừng xe, tiến hành kiểm
tra, kiểm soát theo đúng quy định tại Thông tư số 66/2012/TT-BCA ngày
30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quy trình tuần tra kiểm soát và
xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
- Phối hợp với lực lượng Thanh tra Sở Giao thông
vận tải dẫn xe vào vị trí cân kiểm tra và vị trí hạ tải hàng hóa.
- Lập biên bản về hành vi không chấp hành chống
lại người thi hành công vụ và các vi phạm pháp luật khác về quy định trật tự an
toàn giao thông.
3. Nhiệm vụ của lực lượng Kiểm soát quân sự - Bộ
Chỉ huy quân sự tỉnh tham gia hoạt động tại Trạm cân:
- Cùng cán bộ chiến sĩ Cảnh sát giao thông dừng
xe, tiến hành kiểm tra, kiểm soát xác định các phương tiện thuộc các lực lượng
Quân đội hoạt động kinh tế theo đúng quy định.
- Phối hợp với lực lượng Thanh tra Sở Giao thông
vận tải dẫn xe vi phạm vào vị trí cân kiểm tra và vị trí hạ tải hàng hóa.
- Lập biên bản về hành vi không chấp hành chống
lại người thi hành công vụ và các vi phạm pháp luật khác về quy định trật tự an
toàn giao thông.
4. Các lực lượng hỗ trợ: Có trách nhiệm thực hiện
nhiệm vụ do Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng hoặc Trưởng ca trực (Tổ trưởng) phân
công theo chức năng.
5. Thời gian hoạt động: Trạm cân hoạt động 24/24
giờ tất cả các ngày, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ trong suốt quá trình thực hiện
kế hoạch.
6. Vị trí đặt Trạm cân kiểm tra tải trọng xe
a. Lựa chọn địa điểm hợp lý trên những đoạn đường
có đủ diện tích để đặt Trạm cân và hạ tải hàng hóa mà không làm cản trở, ách tắc
giao thông; bệ đặt cân điện tử phải đảm bảo theo quy định của nhà sản xuất hoặc
theo quy định tại QCVN 66:2013/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Trạm cân kiểm
tra tải trọng xe.
b. Không cân xe, hạ tải trên mặt đường đối với
những đường hẹp chỉ đủ 02 làn xe chạy, đường cao tốc, đường có mật độ phương tiện
lưu thông cao dễ gây ùn tắc giao thông và nguy cơ mất an toàn giao thông.
c. Tạm thời xác định 03 vị trí đặt Trạm cân kiểm
soát tải trọng xe:
- Quốc lộ 70 đặt 02 điểm: Km 31+800 (thị trấn
huyện Yên Bình); Km 98 (Khánh Hoà - Lục Yên).
- Quốc lộ 32 đặt 01 điểm tại Km 192+900 ( Sơn Thịnh
- Văn Chấn).
Vị trí đặt Trạm cân trên hệ thống đường địa
phương giao cho Lãnh đạo hai ngành Giao thông vận tải,-Công an tỉnh quyết định.
7. Các lực lượng tham gia phối hợp thực hiện nhiệm
vụ tại Trạm cân phải tuân thủ sự phân công, điều hành trực tiếp của Lãnh đạo Trạm
cân. Quá trình giải quyết và xử lý công việc nếu có ý kiến khác nhau giữa các
thành viên, người được giao phụ trách thực hiện kế hoạch ( Lãnh đạo Trạm cân)
là người quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; trường
hợp vượt quá thẩm quyền phải kịp thời báo cáo cấp trên để giải quyết.
Điều 7. Chế độ thông tin,
báo cáo
1. Trạm cân phải trực tiếp cập nhật kết quả thực
hiện, gửi thông tin và số liệu xử lý vi phạm vào Cổng thông tin điện tử của hệ
thống, kết nối Internet truyền về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; đồng
thòi gửi báo cáo cho cơ quan quản lý theo quy định. Nghiêm cấm mọi hành vi can
thiệp vào việc xử lý vi phạm hoặc báo cáo sai số liệu, kết quả kiểm tra tải trọng
xe.
2. Các nhân viên Trạm cân kiểm tra tải trọng xe
phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn, không được tự ý trao đổi, cung cấp
thông tin cho báo chí dưới bất cứ hình thức nào.
Điều 8. Nguồn kinh phí hoạt
động
1. Kinh phí hoạt động của Trạm cân kiểm tra tải
trọng xe được đảm bảo từ Quỹ bảo trì đường bộ địa phương, nguồn kinh phí an
toàn giao thông địa phương và các nguồn kinh phí khác theo quy định.
2. Các khoản chi cho hoạt động của Trạm bao gồm:
nhiên liệu của phương tiện, vật tư, vật liệu, thiết bị, văn phòng phẩm, điện
chiếu sáng, thông tin liên lạc, bảo trì, tập huấn, hội họp, kiểm tra, thuê bãi
đặt trạm, kiểm định, kiểm chuẩn thiết bị, chế độ phụ cấp và các chi phí khác (nếu
có).
3. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm hàng năm
căn cứ Kế hoạch liên ngành kiểm tra tải trọng xe lập dự toán chi phí, trình Hội
đồng quỹ bảo trì đường bộ địa phương quyết định phân bổ kinh phí hoạt động; Nguồn
hỗ trợ kinh phí từ Ban An toàn giao thông tỉnh trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
quyết định trong nguồn kinh phí hoạt động hàng năm của Ban; Nguồn kinh phí hỗ
trợ của Tổng cục đường bộ Việt Nam do Tổng cục đường bộ quyết định.
4. Ngoài việc thực hiện Kế hoạch liên ngành, đơn
vị được giao quản lý Trạm cân có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, theo dõi, bảo
dưỡng trang thiết bị; xây dựng nhà bảo quản và thực hiện các hoạt động khác
liên quan đến quản lý Trạm cân, lập dự toán chi phí trình Lãnh đạo Sở Giao
thông vận tải phê duyệt chi trong nguồn vốn bảo trì đường bộ địa phương.
Điều 9. Quản lý và sử dụng
trang thiết bị phương tiện
1. Lãnh đạo Trạm cân có nhiệm vụ phân công cán bộ
thường xuyên quản lý, sử dụng và bảo trì Bộ cân lưu động theo đúng hướng dẫn của
nhà sản xuất và quy trình, tiêu chuấn quy định hiện hành.
2. Duy trì trạng thái hoạt động của Bộ cân lưu động
bình thường giữa hai kỳ kiểm định, kiểm chuẩn theo quy định; kiểm tra tình trạng
kỹ thuật trước khi đưa bộ cân lưu động vào hoạt động.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm của Sở
Giao thông vận tải
1. Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh xây dựng Kế
hoạch phối hợp liên ngành kiểm tra tải trọng xe; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện
Kế hoạch.
2. Chỉ đạo đơn vị Quản lý xây dựng đường bộ cử
cán bộ tham gia hoạt động tại Trạm cân khi có Kế hoạch.
3. Trình Hội đồng quỹ bảo trì đường bộ địa
phương tỉnh Yên Bái duyệt cấp kinh phí đảm bảo cho hoạt động của Trạm cân kiểm
tra tải trọng xe.
4. Chỉ đạo tổng hợp báo cáo tình hình, kết quả
công tác kiểm tra tải trọng xe trên địa bàn gửi về Bộ Giao thông vận tải theo mẫu
quy định.
5. Tổ chức sơ kết chuyên đề rút kinh nghiệm
trong quản lý và phối hợp điều hành; kiến nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh có
biện pháp khắc phục những điểm bất hợp lý và hoàn thiện bổ sung quy chế quản lý
hoạt động của Trạm cân.
Điều 11. Trách nhiệm của
Công an tỉnh
1. Bố trí đủ cán bộ chiến sĩ tham gia thực hiện
nhiệm vụ kiểm tra tại Trạm cân theo Kế hoạch.
2. Chủ trì triển khai công tác phối hợp đảm bảo
an ninh trật tự tại Trạm cân và các tuyến có đặt Trạm cân. Chủ động phương án
phòng ngừa các hành vi chống đối; ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm.
3. Phối hợp chặt chẽ với ngành Giao thông vận tải
trong việc xây dựng kế hoạch kiểm soát tải trọng xe; kiểm tra, đôn đốc việc triển
khai hoạt động của Trạm cân theo đúng quy định.
Điều 12. Trách nhiệm của Bộ
Chỉ huy quân sự tỉnh
1. Bố trí đủ cán bộ chiến sĩ tham gia thực hiện
nhiệm vụ kiểm tra tại Trạm cân kiểm tra tải trọng xe lưu động theo Kế hoạch
liên ngành.
2. Phối hợp chặt chẽ với ngành Giao thông vận tải
trong việc xây dựng kế hoạch kiểm soát tải trọng xe.
Điều 13. Trách nhiệm của
Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh
1. Bố trí đủ cán bộ tham gia tại Trạm cân lưu động.
Giám sát việc thực hiện kiểm soát tải trọng xe của Trạm cân. Nắm bắt thông tin
kiến nghị và đề xuất các giải pháp để các ngành xem xét thực hiện.
2. Trình Ban An toàn giao thông tỉnh hỗ trợ kinh
phí cho lực lượng liên ngành thực hiện nhiệm vụ tại Trạm cân.
3. Phối hợp tổ chức tuyên truyền chuyên đề và lồng
ghép trong công tác bảo đảm an toàn giao thông phù hợp với kế hoạch tuyên truyền
hàng năm của Ban An toàn giao thông tỉnh.
Điều 14. Trách nhiệm các lực
lượng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm cân
1. Các lực lượng phối hợp tham gia tại Trạm cân
căn cứ vào chức năng, quyền hạn của mình và nhiệm vụ được Lãnh đạo Trạm cân
phân công để thực hiện tốt các công việc phối hợp.
2. Duy trì thường xuyên chế độ báo cáo thống kê
số liệu kiểm tra xử lý vi phạm vào cổng thông tin điện tử của hệ thống kết nối
Internet truyền về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đồng thời cập nhật số
liệu, đánh giá tình hình, báo cáo kết quả hoạt động hàng ngày về Cơ quan quản
lý trực tiếp theo mẫu quy định./.