Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 19/2007/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006-2010

Số hiệu 19/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 23/08/2007
Ngày có hiệu lực 23/08/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Phan Lâm Phương
Lĩnh vực Đầu tư

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2007/QĐ-UBND

Đồng Hới, ngày 23 tháng 08 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ KINH DOANH TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2006-2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29/11/2005;

Căn cứ Quyết định số 109/2007/QĐ-TTg ngày 17/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư Quốc gia;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số: 677/KHĐT-XTĐT ngày 26/7/2007,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt và ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006-2010.

Điều 2. Giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Lưu VT, KTTH, CVNN.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phan Lâm Phương

 

CHƯƠNG TRÌNH

CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ, KINH DOANH TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2006-2010.
(Ban hành kèm theo Quyết định số19/2007/QĐ-UBND ngày 23 tháng 08 năm 2007 của UBND tỉnh Quảng Bình)

Môi trường đầu tư, kinh doanh (MTĐTKD) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. MTĐTKD hấp dẫn sẽ thu hút làn sóng đầu tư từ bên ngoài, khai thác tối đa các nguồn lực của tỉnh, thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp trên địa bàn, nâng cao trình độ công nghệ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

MTĐTKD được hiểu là toàn bộ các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, pháp luật, điều kiện kinh doanh, điều kiện sống và cơ bản là các điều kiện hạ tầng cơ sở thiết yếu (bao gồm: vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, khí hậu thời tiết, hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực, an ninh, giá cả, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin, chính sách đầu tư, chính sách phát triển doanh nghiệp, thủ tục đầu tư, hiệu lực của nền hành chính công, sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước đến thực hiện thủ tục đầu tư, kinh doanh, tinh thần phục vụ, thái độ của công chức, viên chức trong thực hiện các công vụ...) mà nhà đầu tư trong và ngoài nước cần và tìm hiểu để quyết định có hay không đầu tư, kinh doanh vào địa phương.

Trong bối cảnh nước ta chính thức là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), cùng với một số hạn chế của tỉnh như: xa các trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của cả nước, nguồn lực cho đầu tư phát triển còn khó khăn, cơ sở hạ tầng còn kém... thì việc cải thiện MTĐTKD được đặt ra cấp thiết và quyết liệt hơn bao giờ hết. Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XIV, UBND tỉnh xây dựng Chương trình hành động Cải thiện MTĐTKD trên địa bàn như sau:

PHẦN THỨ NHẤT

ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ, KINH DOANH THỜI KỲ 2001-2006

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung thực hiện một số nội dung liên quan đến cải thiện MTĐTKD. Vì vậy, đã tạo điều kiện thu hút nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Thời kỳ 2001- 2006 kinh tế phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 2001-2005 đạt 8,8%; năm 2006 đạt 11,3%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đã được xây dựng, phát triển; lĩnh vực văn hoá, xã hội có nhiều đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện... Cụ thể trên một số lĩnh vực sau:

1. Về công tác xúc tiến đầu tư

Đã tổ chức các cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, tiềm năng và thế mạnh của Quảng Bình đã được chú trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tạo nên những tác động tích cực trong nhận thức, thúc đẩy việc cải thiện MTĐTKD. Vì vậy, các dự án đầu tư vào Quảng Bình ngày càng tăng về số lượng và đa dạng hơn về lĩnh vực đầu tư. Từ số lượng rất ít, cho đến nay rất nhiều nhà đầu tư với gần 40 dự án đã và đang được đầu tư vào Quảng Bình trên nhiều lĩnh vực: khai thác khoáng sản (đá vôi, vàng, cát...), dịch vụ du lịch (khách sạn, các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sân golf...), phát triển năng lượng (nhiệt điện, thuỷ điện...), xây dựng đô thị, công nghiệp đóng tàu, cảng biển, công nghiệp thực phẩm, chế biến nông-lâm-hải sản, sản xuất hàng dân dụng... Trong 5 năm (2001- 2006), toàn tỉnh đã thu hút 34 dự án. Trong đó 3 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 28,3 triệu USD; 31 dự án trong nước, trong đó 22 dự án đã đầu tư với tổng vốn đầu tư là 5.140 tỷ VNĐ; 9 dự án đang và sẽ đầu tư, tổng vốn đầu tư khoảng 1.600 tỷ VNĐ.

Nhìn chung các dự án đã thực hiện đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đóng góp cho ngân sách và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương; góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

2. Về cải cách thủ tục hành chính

Công tác cải cách hành chính đã được quan tâm chỉ đạo ở các cấp, các ngành như thực hiện cơ chế "một cửa" trên các lĩnh vực giới thiệu địa điểm, giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đánh giá tác động môi trường, cấp Chứng chỉ quy hoạch, Giấy phép xây dựng, thẩm định dự án đầu tư và đăng ký kinh doanh... Tỉnh đã cố gắng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong hoạt động cũng như trong công tác chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thẩm định và phê duyệt dự án.

[...]