QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH
"QUY ĐỊNH TẠM THỜI HỖ TRỢ KINH PHÍ ĐẦU TƯ CHO CÁC DỰ ÁN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ
THÔNG TIN VÀO SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP CỦA CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THUỘC CÁC NGÀNH
CHỦ LỰC CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI"
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân;
- Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước;
- Căn cứ Nghị định số 119/NĐ-CP ngày 18/9/1999
của Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh
nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ;
- Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28/5/2003
của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ Công nghiệp;
- Căn cứ Quyết định số 37/1999/QĐ-UB ngày 18/05/1999
của UBND Thành phố về việc ban hành Quy chế tạm thời về quản lý và điều hành
chương trình công nghệ thông tin Thành phố Hà Nội;
- Căn cứ Chương trình ứng dụng và phát triển Công
nghệ thông tin số 04-Ctr/TU ngày 25/05/2001 của Thành uỷ Hà Nội; Kế hoạch thực
hiện Chương trình 04-Ctr/TU số 02/KH-UB ngày 04/01/2002 của UBND Thành phố Hà
Nội;
- Xét đề nghị của Liên ngành: Sở Công nghiệp,
Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sở Tài chính tại Tờ trình liên
ngành số: 981/TTr-LN ngày 14 tháng 11 năm 2003 về việc xin duyệt “Quy định tạm thời
về việc hỗ trợ kinh phí đầu tư cho các dự án ứng dụng Công nghệ thông tin vào
sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp nhà nước thuộc các ngành chủ lực của
Thành phố Hà Nội”,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Bản
“Quy định tạm thời về việc hỗ trợ kinh phí đầu tư cho các dự án ứng dụng Công
nghệ thông tin vào sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp nhà nước thuộc các
ngành chủ lực của Thành phố Hà Nội”.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau
15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành
phố, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Công nghiệp,
Tài chính, Giám đốc Ban quản lý dự án Công nghệ thông tin Thành phố và Thủ
trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ VIỆC HỖ TRỢ KINH
PHÍ ĐẦU TƯ CHO CÁC DỰ ÁN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀO SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
CỦA CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THUỘC CÁC NGÀNH CHỦ LỰC CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành theo Quyết định số 188/2003/QĐ-UB ngày 31 tháng 12 năm 2003 của UBND
Thành phố Hà Nội)
Chương I:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích:
Khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp nhà nước
do Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập ứng dụng Công nghệ
thông tin (CNTT) vào sản xuất nhằm nâng cao năng lực quản lý và sản xuất, tạo
điều kiện hội nhập, thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình ứng dụng và phát
triển CNTT của Thành phố.
Điều 2. Phạm vi đối tượng điều chỉnh:
Các dự án ứng dụng CNTT vào sản xuất của các doanh
nghiệp công nghiệp nhà nước do Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định
thành lập sản xuất ra những sản phẩm chủ lực, mũi nhọn của thành phố được cơ
quan có thẩm quyền phê duyệt (Các doanh nghiệp nằm trong diện tổ chức, sắp xếp
lại hoặc chuyền đổi sở hữu không thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ).
Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ:
Thành phố hỗ trợ cho các dự án đầu tư đã hoặc
đang triển khai nằm trong kế hoạch được UBND Thành phố phê duyệt hàng năm. Việc
hỗ trợ của Ngân sách Thành phố triển khai cùng với các nguồn đầu tư khác của
doanh nghiệp.
Điều 4. Nguồn kinh phí:
Kinh phí hỗ trợ cho các dự án ứng dụng CNTT vào sản
xuất của các doanh nghiệp công nghiệp được trích từ nguồn ngân sách Thành phố
giao cho Chương trình ứng dụng và phát triển CNTT của Thành phố theo kế hoạch
hàng năm.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Các nội dung của dự án được xem xét hỗ
trợ:
1. Chuẩn bị đầu tư.
2. Nghiên cứu: thiết kế/cải tạo thiết bị, thiết kế
sản phẩm, giải pháp công nghệ và sản xuất các sản phẩm có “nhúng” phần mềm điều
khiển.
3. Đầu tư mới hoặc nâng cấp các phần mềm chuyên dụng
phục vụ thiết kế /điều khiển. kiểm tra quá trình công nghệ.
4. Đầu tư mới hoặc nâng cấp các phần mềm quản lý
mang tính đặc thù như: Định mức vật tư kỹ thuật, giám sát - điều khiển.
5. Chi phí đào tạo hoặc chuyển giao công nghệ.
6. Đầu tư thiết bị đặc chủng phục vụ điều khiển/
kiểm tra - đo lường & phân tích.
7. Thương mại điện tử, WEBSITE doanh nghiệp.
Điều 6. Mức kinh phí hỗ trợ:
Thành phố hỗ trợ doanh nghiệp tối đa không quá 30%
tổng kinh phí đầu tư của hạng mục ứng dụng CNTT vào sản xuất công nghiệp trong
dự án được duyệt nhưng tối đa không quá 1.000.000 đồng (một tỷ đồng) cho một dự
án.
Điều 7. Điều kiện hỗ trợ:
- Dự án ứng dụng CNTT vào sản xuất của các doanh
nghiệp công nghiệp nhà nước do Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định thành
lập sản xuất ra những sản phẩm chủ lực, mũi nhọn của Thành phố.
- Dự án đầu tư phải được Hội đồng Tư vấn Khoa học
Công nghệ chuyên ngành cấp Thành phố đánh giá hiệu quả dự án.
- Dự án đầu tư phải nằm trong kế hoạch của Chương
trình CNTT hàng năm được UBND Thành phố giao.
- Dự án triển khai theo đúng quy định hiện hành của
Nhà nước về quản lý đầu tư.
- Dự án phải được UBND Thành phố phê duyệt mức hỗ
trợ.
Điều 8. Cấp phát và quyết toán kinh phí hỗ trợ:
1. Phân bổ kinh phí hỗ trợ:
Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch được UBND Thành phố
giao cho chương trình ứng dụng và phát triển CNTT và đề nghị hỗ trợ của Giám
đốc Sở Công nghiệp Hà Nội, Ban Quản lý Dự án CNTT Thành phố phối hợp với Sở Kế
hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính trình UBND Thành phố ra Quyết định phân bổ kinh
phí hỗ trợ đầu tư cho các dự án ứng dụng CNTT vào sản xuất Công nghiệp trong
Chương trình CNTT Thành phố vào quý I của năm kế hoạch (Chi tiết đến từng chủ
đầu tư).
2- Cấp phát kinh phí hỗ trợ:
2.1- Kinh phí hỗ trợ cho các dự án ứng dụng Công
nghệ thông tin vào sản xuất công nghiệp được cấp phát làm 02 đợt:
* Đợt 1: Tạm ứng 50% mức hỗ trợ trên cơ sở Quyết
định phân bổ kinh phí hỗ trợ của Uỷ ban nhân dân Thành phố; Biên bản nghiệm thu
khối lượng công việc hoàn thành (tối thiểu đạt tư 50% trở lên) được Ban Quản lý
dự án công nghệ thông tin và Sở Công nghiệp nghiệm thu xác nhận.
* Đợt 2: Thanh toán 50% còn lại trên cơ sở các hồ
sơ.
- Hồ sơ dự án được phê duyệt;
- Biên bản nghiệm thu đánh giá kết quả thực hiện
dự án của Hội đồng nghiệm thu kết thúc dự án;
- Biên bản thẩm tra quyết toán dự án và mức kinh
phí ngân sách hỗ trợ của Ban Quản lý dự án công nghệ thông tin Thành phố và Sở Công
nghiệp;
- Bản phê duyệt quyết toán hạng mục ứng dụng công
nghệ thông tin được cấp có thẩm quyền (bao gồm các nguồn: ngân sách hỗ trợ, huy
động từ nguồn khác).
2.2- Phương thức cấp phát:
Sở Tài chính cấp hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp
sau khi các dự án đầu tư ứng dụng CNTT có đầy đủ hồ sơ theo quy định tại điểm
2.1 của Điều này.
3- Quyết toán kinh phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp:
* Các doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí có trách
nhiệm lập quyết toán và gửi toàn bộ hồ sơ quyết toán kinh phí được hỗ trợ của hạng
mục ứng dụng CNTT vào sản xuất công nghiệp (bao gồm cả biên bản thẩm tra quyết
toán do Ban Quản lý dự án công nghệ thông tin Thành phố và Sở Công nghiệp thẩm
định. Bản phê duyệt quyết toán hạng mục ứng dụng CNTT của cấp có thẩm quyền)
cho Ban Quản lý Dự án CNTT Thành phố để tổng hợp quyết toán.
* Ban Quản lý Dự án CNTT Thành phố chịu trách nhiệm
tổng hợp quyết toán chung vào chương trình Công nghệ thông tin của Thành phố về
kinh phí hỗ trợ cho các dự án ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất công
nghiệp theo các quy định hiện hành.
Điều 9. Nghiệm thu kết thúc dự án:
Ban Quản lý Dự án CNTT Thành phố phối hợp với Sở
Công nghiệp thành phố lập Hội đồng nghiệm thu kết thúc dự án để đánh giá kết quả
thực hiện dự án theo các quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố.
Chương III:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm của Sở Công nghiệp:
- Hàng năm xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT vào sản
xuất công nghiệp.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý
Dự án CNTT Thành phố đánh giá hiệu quả dự án trên cơ sở tư vấn của Hội đồng khoa
học công nghệ chuyên ngành cấp Thành phố.
- Phối hợp với Ban Quản lý Dự án CNTT Thành phố chỉ
đạo, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai các dự án đầu tư nằm trong kế hoạch được
Thành phố phê duyệt.
Điều 11. Trách nhiệm của Ban Quản lý Dự án CNTT
Thành phố:
- Tổng hợp kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin
vào sản xuất công nghiệp trong chương trình CNTT của Thành phố hàng năm.
- Thẩm định các hạng mục hỗ trợ trong từng dự án
đầu tư trình UBND Thành phố Quyết định phê duyệt.
- Trên cơ sở thẩm định hiệu quả các dự án của Hội
đồng tư vấn Khoa học công nghệ chuyên ngành, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu
tư, Sở Tài chính trình UBND Thành phố phê duyệt mức hỗ trợ kinh phí cho từng dự
án.
- Chủ trì phối hợp với Sở Công nghiệp, Sở Tài chính
trong việc quản lý và tổ chức kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án theo định kỳ.
- Chủ trì phối hợp với Sở Công nghiệp nghiệm thu
kết thúc dự án.
Điều 12. Sở Tài chính có trách nhiệm:
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý
Dự án CNTT Thành phố lập kế hoạch phân bổ kinh phí hỗ trợ đầu tư cho các dự án.
- Bố trí, cân đối và cấp phát kinh phí theo kế hoạch
Thành phố đã phê duyệt.
- Phối hợp với Ban Quản lý Dự án CNTT Thành phố và
Sở Công nghiệp Thành phố hướng dẫn các chủ đầu tư lập dự toán và quyết toán tài
chính theo đúng quy định hiện hành.
Điều 13. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu
Tư:
Phối hợp với Sở Tài chính, Ban Quản lý Dự án CNTT
Thành phố trình UBND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư, kế hoạch phân bổ
kinh phí và mức hỗ trợ cho các dự án.
Điều 14. Trách nhiệm của các doanh nghiệp có dự
án được hỗ trợ:
- Có trách nhiệm sử dụng kinh phí ngân sách cấp cho
các dự án đúng mục đích, có hiệu quả.
- Hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ để xin được hỗ trợ
kinh phí theo tiến độ thực hiện các dự án.
- Chịu trách nhiệm quyết toán hạng mục ứng dụng CNTT
vào sản xuất theo đúng quy định của Nhà nước.
- Phải tuân thủ chế độ báo cáo tiến độ thực hiện,
báo cáo tài chính với các cơ quan quan lý cấp trên.
Điều 15. Các cơ quan có trách nhiệm quản lý
dự án đầu tư ứng dụng CNTT vào sản xuất công nghiệp căn cứ Quy định này để hướng
dẫn các doanh nghiệp có dự án đầu tư được hỗ trợ thực hiện.
Điều 16. Trong quá trình thực hiện, nếu có
vướng mắc, phản ánh kịp thời với các cơ quan quản lý cấp trên để xem xét, báo
cáo UBND Thành phố điều chỉnh cho phù hợp.
Điều 17. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Pháp luật
và Quy định này, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra, sẽ bị xử
lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính. Cá nhân có hành vi vi phạm nghiêm trọng sẽ
bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường
theo quy định của Pháp luật hiện hành.