Quyết định 185/1999/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đối với vùng phân lũ, chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 185/1999/QĐ-TTg
Ngày ban hành 13/09/1999
Ngày có hiệu lực 28/09/1999
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Công Tạn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 185/1999/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 185/1999/QĐ-TTG NGÀY 13 THÁNG 9 NĂM 1999 VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐỐI VỚI VÙNG PHÂN LŨ, CHẬM LŨ THUỘC HỆ THỐNG SÔNG HỒNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Căn cứ Pháp lệnh về đê điều ngày 09 tháng 11 năm 1989 và Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão ngày 08 tháng 3 năm 1993;
Căn cứ Nghị định số 62/1999/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ ban hành Quy chế về phân lũ, chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng để bảo vệ an toàn Thủ đô Hà Nội;
Theo đề nghị của Bộ trưởng các Bộ : Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương và Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc vùng phân lũ, chậm lũ,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Khi thực hiện nhiệm vụ phân lũ và chậm lũ theo kế hoạch của Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc vùng phân lũ, chậm lũ và các Bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tập trung huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ nhân dân di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn, tổ chức bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và của Nhà nước, bảo đảm an ninh trật tự trong khu vực; giải quyết ngay việc cứu trợ, cứu đói và nước sinh hoạt cho nhân dân, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân trong thời gian phân lũ và chậm lũ, khôi phục và phát triển sản xuất sau thời gian phân lũ và chậm lũ.

Điều 2.

1. Hỗ trợ kinh phí di chuyển, mua sắm lều, bạt, thuốc men, các đồ dùng thiết yếu và lương thực :

a) Hỗ trợ kinh phí di chuyển người, gia súc và vật dụng cần thiết từ 50.000 - 100.000 đồng/hộ.

b) Hỗ trợ lều, bạt để dựng nơi ở tạm từ 100.000 - 150.000 đồng/hộ.

c) Hỗ trợ kinh phí giải quyết nước sinh hoạt từ 20.000 - 25.000 đồng/hộ; thuốc phòng, chữa dịch bệnh cho người với mức từ 15.000 - 20.000 đồng/hộ.

d) Hỗ trợ lương thực : Căn cứ vào mức độ thiệt hại do phân lũ, chậm lũ để quyết định hỗ trợ lương thực cho những hộ khó khăn về lương thực với mức từ 10 - 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian từ 1 tháng đến 4 tháng; trường hợp các hộ nghèo, không còn lương thực và nếu bị thiệt hại nặng kéo dài thì có thể hỗ trợ lương thực đến 12 tháng.

2. Hỗ trợ kinh phí cho người bị thương, mai táng phí cho người bị chết, hỗ trợ tiền cho hộ có nhà bị hư hỏng, bị đổ, sập, trôi :

a) Hỗ trợ với mức 200.000 - 400.000 đồng/người cho người bị thương.

b) Hỗ trợ 1.000.000 đồng tiền mai táng phí cho một người bị chết.

c) Hỗ trợ từ 500.000 - 1.000.000 đồng/hộ cho những hộ có nhà bị hư hỏng phải sửa chữa; từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng/hộ cho những hộ có nhà bị đổ, sập, trôi.

3. Hỗ trợ kinh phí, thuốc men chi cho việc làm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Trường hợp nếu bị thương, ốm đau, dịch bệnh phải điều trị tại các cơ sở y tế của Nhà nước thì được xét miễn, giảm viện phí.

Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ hướng dẫn của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành có liên quan và mức độ thiệt hại cụ thể của từng hộ gia đình để quyết định mức hỗ trợ và thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ cho phù hợp.

Điều 3. Hỗ trợ để khôi phục và phát triển sản xuất

1. Thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp bị ngập lũ như sau :

a) Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp một năm đối với cây trồng hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản và 2 năm đối với cây lâu năm.

b) Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với cây lâu năm phải trồng lại trong thời kỳ xây dựng cơ bản và 2 năm tiếp theo kể từ khi bắt đầu thu hoạch.

2. Đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các hộ kinh doanh nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ nếu thực sự có khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được xem xét miễn, giảm các loại thuế và các khoản thu nộp khác như hướng dẫn của các chính sách thuế đối với các vùng bị thiên tai.

3. Đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị xói lở, bị trôi dạt... tạo thành ao, hồ, gò... thì được xác định lại hạng đất để tính thuế sử dụng đất nông nghiệp cho phù hợp và do Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

4. Các hộ gia đình vay vốn từ Chương trình quốc gia giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo... mà bị thiệt hại nặng do phân lũ, chậm lũ thì được áp dụng cơ chế giãn nợ, khoanh nợ và xử lý rủi ro và cho vay tiếp theo chính sách hiện hành.

Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc khoanh nợ cũ, cho vay mới để nhân dân khôi phục và phát triển sản xuất; nghiên cứu cơ chế cho vay vốn ưu đãi để xây nhà tránh lũ cho nhân dân vùng phân lũ, chậm lũ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 4. Miễn nộp học phí trong thời gian 1 năm học đối với học sinh, sinh viên có gia đình thuộc vùng phân lũ, chậm lũ theo Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu và sử dụng học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và được xét trợ cấp xã hội theo Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập, đồng thời được xét miễn giảm các khoản đóng góp cho nhà trường trong năm học.

Điều 5. Nguồn tài chính để thực hiện chính sách hỗ trợ bao gồm : Ngân sách Nhà nước; kinh phí thu được trong công tác huy động hỗ trợ từ các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các cơ quan đoàn thể ở Trung ương và địa phương; viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (nếu có).

[...]