THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
1831/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2010
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ ỨNG DỤNG VÀ CHUYỂN GIAO TIẾN BỘ
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NÔNG THÔN VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09 tháng 6 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định
chi tiết một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt “Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ
phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi” giai đoạn 2011 -
2015 (sau đây gọi tắt là Chương trình) với các nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU CỦA
CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu chung
- Chuyển giao, ứng dụng công nghệ
và tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao
năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của một số hàng hóa và nông sản
trên thị trường trong nước và ngoài nước, phát triển thị trường khoa học và
công nghệ ở nông thôn, góp phần xóa đói nghèo, tạo việc làm nâng cao thu nhập,
cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư ở nông thôn bằng các giải pháp khoa học
và công nghệ.
- Liên kết và phối hợp với các
Chương trình mục tiêu Quốc gia, các chương trình kinh tế - xã hội khác lựa chọn
và triển khai ứng dụng các công nghệ phù hợp để đúc rút kinh nghiệm, tạo căn cứ
thực tiễn cho việc phổ cập các giải pháp công nghệ tiến bộ như một biện pháp để
nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn lực của Nhà nước nói riêng và nguồn lực của
xã hội nói chung.
- Đào tạo, bồi dưỡng cho nông dân
và cán bộ cơ sở nâng cao năng lực, nhằm giúp các địa phương chủ động tìm kiếm,
lựa chọn và triển khai các dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến thích hợp với yêu
cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
2. Mục tiêu cụ thể
- Chuyển giao và ứng dụng ít nhất
900 công nghệ tiên tiến và tiến bộ kỹ thuật mới vào các khâu: sản xuất nông
nghiệp công nghệ cao; nâng cao hiệu quả sản xuất các nông sản và các mặt hàng phải
nhập khẩu; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp; nuôi trồng thủy sản gắn
với chế biến, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn; phát triển công nghệ
sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng khí sinh học (biogas); ứng
dụng công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp, nông thôn và miền núi, hải đảo.
- Tổ chức đào tạo bồi dưỡng để nâng
cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án cho ít nhất 1.000 lượt cán bộ
quản lý ở địa phương. Đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho ít nhất 1.800 cán bộ kỹ
thuật địa phương và 40.000 nông dân để có một mạng lưới cộng tác viên trực tiếp
ở địa phương, những người thường xuyên bám sát địa bàn giúp nông dân tiếp tục
triển khai dự án khi cán bộ chuyển giao công nghệ đã rút khỏi địa bàn.
- Hỗ trợ hình thành ít nhất 60
doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến ở khu vực nông thôn
và miền núi, trong đó có ít nhất 25 doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ
cao.
- Xây dựng và triển khai các chuyên
đề giới thiệu và phổ biến kiến thức khoa học, tập huấn kỹ thuật trên các phương
tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và các địa phương trong cả nước.
II. NỘI DUNG CỦA
CHƯƠNG TRÌNH
1. Các dự án ứng dụng và chuyển
giao khoa học và công nghệ
Các dự án ứng dụng và chuyển giao
khoa học và công nghệ được hình thành theo các nhóm gắn với các mục tiêu và nội
dung cụ thể sau đây:
- Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo
bảo đảm an ninh lương thực và chất lượng gạo xuất khẩu.
- Phát triển sản xuất các loại nông
sản nhiệt đới, dược liệu có lợi thế so sánh cao (cà phê, điều, tiêu, chè, cao
su, cây dược liệu, quả nhiệt đới,…) theo hướng nông nghiệp an toàn.
- Nâng cao hiệu quả sản xuất các mặt
hàng phải nhập khẩu (hàng thay thế nhập khẩu) như: bông, cây dầu thực vật, cây
làm nguyên liệu giấy, nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu để sản xuất
nhiên liệu sinh học.
- Ứng dụng thiết bị và công nghệ
tiên tiến, công nghệ sinh học vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản trong
các ngành sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và các ngành sử dụng nguyên liệu
tại chỗ để có giá thành hạ, chất lượng cao.
- Ứng dụng công nghệ cao trong nông
nghiệp để sản xuất các loại nông sản quý, các loại đặc sản, rau, hoa, nấm ở quy
mô công nghiệp.
- Phát triển nuôi thủy sản gắn với
chế biến hiện đại, các hình thức nuôi công nghiệp, nuôi sinh thái gắn với bảo vệ
môi trường, bảo vệ nguồn lợi.
- Phát triển chăn nuôi theo hướng
công nghiệp, quy mô trang trại phù hợp, khép kín từ sản xuất đến chế biến và thị
trường tiêu thụ.
- Phát triển ngành nghề nông thôn sử
dụng máy công cụ cải tiến, cơ khí hóa các khâu sản xuất, nâng cao chất lượng
lao động.
- Phát triển công nghệ sử dụng năng
lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện nhỏ, năng lượng khí sinh học (biogas)
phục vụ sản xuất và đời sống ở nông thôn.
- Sử dụng tổng hợp tài nguyên nước
để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nước sinh hoạt và cải thiện
môi trường, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; các công nghệ tiên tiến về tưới
tiêu, tiết kiệm nước cho vùng gò đồi, vùng khô hạn.
- Xử lý môi trường nông thôn.
- Công nghệ thông tin phục vụ công
nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao dân trí nông nghiệp, nông thôn.
2. Đào tạo, tập huấn nghiệp vụ
- Đào tạo, tập huấn ngắn hạn theo
hai hình thức:
Đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực
quản lý và tổ chức triển khai các dự án cho đội ngũ cán bộ quản lý khoa học và
công nghệ địa phương, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và cán bộ thuộc
các cơ quan khoa học, những người trực tiếp tham gia chuyển giao công nghệ;
Đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho
địa phương, tập huấn kỹ thuật cho nông dân để tạo mạng lưới cán bộ kỹ thuật và
cộng tác viên trực tiếp ở địa phương tiếp tục nhân rộng và phổ cập các kết quả
của Chương trình khi cán bộ chuyển giao công nghệ rút khỏi địa bàn.
3. Các hoạt động thông tin, tuyên
truyền
Hoạt động thông tin, tuyên truyền của
Chương trình bao gồm các nội dung chính sau:
- Xây dựng và triển khai các chuyên
đề giới thiệu về hoạt động của Chương trình và phổ biến kiến thức khoa học, tập
huấn kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa
phương. Mở rộng các hình thức đưa tin, viết bài trên các báo viết, tạp chí
chuyên ngành.
- Xuất bản các ấn phẩm về tổng kết
kinh nghiệm, những bài học từ việc ứng dụng, chuyển giao, phổ biến, triển khai,
nhân rộng kết quả và các vấn đề khác của Chương trình.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu công nghệ,
cơ sở dữ liệu chuyên gia phục vụ phổ biến khoa học, chuyển giao công nghệ vào địa
bàn nông thôn và miền núi.
Điều 2. Kinh
phí thực hiện Chương trình
1. Kinh phí để thực hiện Chương trình
dự kiến là 1.200 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ
Trung ương là 500 tỷ đồng, từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ địa
phương là 100 tỷ đồng, còn lại là kinh phí đối ứng từ các nguồn hợp pháp khác.
2. Hằng năm Bộ Khoa học và Công nghệ,
Bộ Tài chính thống nhất cân đối kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học và
công nghệ Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình do Trung ương
trực tiếp quản lý và hỗ trợ các địa phương thực hiện các dự án được ủy quyền quản
lý.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương cân đối kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học và
công nghệ của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cùng với kinh phí hỗ
trợ từ ngân sách Trung ương để thực hiện các dự án.
Điều 3. Tổ
chức thực hiện Chương trình
1. Thời gian thực hiện Chương
trình: từ 2011 đến 2015.
2. Kế hoạch tổ chức thực hiện
Chương trình
- Năm 2011 - 2013: triển khai đồng
bộ các nội dung của Chương trình.
- Năm 2013: sơ kết tình hình và kết
quả thực hiện, rút kinh nghiệm việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình,
đồng thời tiến hành điều chỉnh một số nội dung, nhiệm vụ trong kế hoạch tổng thể
của Chương trình cho phù hợp với thực tế.
- Năm 2014 - 2015: tiếp tục triển
khai các nội dung của Chương trình theo kế hoạch tổng thể đã điều chỉnh.
- Năm 2015: tổng kết kết quả thực
hiện Chương trình.
3. Cơ quan tổ chức thực hiện Chương
trình:
a) Cơ quan chủ trì: Bộ Khoa học và
Công nghệ.
b) Cơ quan phối hợp: Bộ Tài chính,
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Hội Nông dân
Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 4. Trách
nhiệm của các cơ quan có liên quan
1. Bộ Khoa học và Công nghệ:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ
quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh cơ chế quản lý Chương trình.
b) Tổ chức triển
khai thực hiện Chương trình; đôn đốc, kiểm tra, đánh giá và định kỳ hằng năm
báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện Chương trình.
c) Thành lập Ban Chỉ đạo Chương
trình và Văn phòng giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình. Ban Chỉ đạo Chương trình
do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Trưởng ban, một Thứ trưởng Bộ Khoa học
và Công nghệ làm Phó Trưởng ban thường trực và thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện
lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc
và một số Bộ, ngành có liên quan.
2. Bộ Tài chính
chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh
cơ chế quản lý tài chính của Chương trình.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương tổ chức và huy động các nguồn lực, lồng ghép nội dung
của các dự án thuộc Chương trình, đặc biệt là các dự án được ủy quyền với các dự
án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình phát triển kinh tế
- xã hội khác để chỉ đạo triển khai thực hiện trên địa bàn.
Điều 5. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 6. Các
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy Ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b).
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Thiện Nhân
|