BỘ CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1822/QĐ-BCT
|
Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH THEO PHƯƠNG THỨC ĐA CẤP
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số
98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 40/2018/NĐ-CP
ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động kinh doanh
theo phương thức đa cấp;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cạnh
tranh và Bảo vệ người tiêu dùng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án nâng cao
hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức
đa cấp.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ Công Thương, Chánh Thanh tra
Bộ Công Thương, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục trưởng
Cục Quản lý thị trường và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều
3;
- Lãnh đạo Bộ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc
TW;
- Các Sở Công Thương;
- Lưu: VT, CT.
|
BỘ TRƯỞNG
Trần Tuấn Anh
|
ĐỀ ÁN
NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG
THEO PHƯƠNG THỨC ĐA CẤP
(Ban hành kèm theo Quyết định số:
1322/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 25 tháng 5 năm 2018)
I. SỰ CẦN THIẾT CỦA
ĐỀ ÁN
Bán hàng đa cấp là một phương thức
bán lẻ hàng hóa. Trong đó, thay vì bán tại các kênh bán lẻ truyền thống như chợ,
cửa hàng, siêu thị…, doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ bán trực
tiếp hàng hóa cho người tiêu dùng thông qua một mạng lưới những người bán hàng,
hay còn gọi là “nhà phân phối”. Người bán hàng sẽ được công ty trả hoa hồng, tiền
thưởng và các lợi ích kinh tế khác dựa trên doanh số bán hàng của mình và của mạng
lưới bán hàng do mình xây dựng.
Đặc thù của mô hình bán hàng đa cấp
là việc tiếp thị hàng hóa được thực hiện trực tiếp qua phương thức truyền miệng,
do đó khó kiểm soát được quá trình thông tin từ người này sang người khác.
Chính vì vậy, khi vào Việt Nam, hoạt động bán hàng đa cấp đã bị một số đối tượng
lợi dụng để biến thành công cụ lừa đảo. Từ đó, công tác quản lý đối với hoạt động
này trong thời gian vừa qua gặp rất nhiều khó khăn.
Ngay sau khi hoạt động bán hàng đa cấp
xuất hiện tại Việt Nam, pháp luật đã có quy định đầu tiên điều chỉnh tại Luật Cạnh
tranh năm 2004 và sau đó là Nghị định số 110/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quản
lý hoạt động bán hàng đa cấp. Trong thời gian qua, do các biểu hiện biến tướng
xuất hiện ngày càng phức tạp và tinh vi, Nhà nước đã liên tục ban hành các văn
bản quy phạm pháp luật mới để điều chỉnh theo hướng quản lý chặt chẽ, hạn chế
các nguy cơ và tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế xã hội của hoạt động bán
hàng đa cấp. Gần đây nhất, Quốc hội đã bổ sung tội danh mới để xử lý tội phạm
trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vào Bộ luật hình sự năm 2015
(sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Chính phủ đã ban hành Nghị
định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp
(Nghị định số 40/2018/NĐ-CP) thay thế Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt
động bán hàng đa cấp.
Trong những năm gần đây, hệ thống cơ
quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã đồng loạt vào cuộc để chấn
chỉnh, ngăn chặn và giải quyết các biểu hiện biến tướng của hoạt động bán hàng
đa cấp. Đến nay, về cơ bản hoạt động bán hàng đa cấp bất
chính đã giảm đáng kể, hàng loạt doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính đã bị xử
lý và chấm dứt hoạt động, nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động bán hàng đa cấp để
lừa đảo, trục lợi bất chính đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, với đặc thù dễ bị lợi dụng
trong khi nhận thức của nhiều người dân còn nhiều hạn chế như hiện nay, nguy cơ
tiềm ẩn về việc lợi dụng hoạt động bán hàng đa cấp hay rộng hơn là phương thức kinh doanh đa cấp để trục lợi bất hợp pháp vẫn luôn hiện hữu. Chính vì vậy, để triển
khai một cách hiệu quả, đồng bộ công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động
kinh doanh theo phương thức đa cấp, cần phải có một kế hoạch chung để thực hiện
thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm
trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp trên phạm vi cả nước, Bộ Công Thương xây dựng và ban hành Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý
hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải
pháp cụ thể để các cơ quan từ Trung ương đến địa phương thống nhất triển khai
thực hiện trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành.
II. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ
ÁN
1. Mục tiêu chung
Đề án được ban hành với mục tiêu triển
khai thống nhất, đồng bộ công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh
theo phương thức đa cấp từ Trung ương đến địa phương, qua đó nâng cao hiệu quả
quản lý nhà nước, đảm bảo môi trường hoạt động cho các doanh nghiệp kinh doanh
đa cấp chân chính, đồng thời ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biểu hiện tiêu cực,
các thiệt hại về vật chất và tinh thần của người dân trước các hoạt động kinh
doanh bất chính dựa trên phương thức bán hàng đa cấp.
2. Mục tiêu cụ thể
Đề án đặt ra các mục tiêu cụ thể như
sau:
- Từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp
lý quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, đảm bảo theo sát với
thực tiễn diễn biến của hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng về
hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và pháp luật quản lý hoạt động
kinh doanh theo phương thức đa cấp;
- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước
đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;
- Đảm bảo tính nhất quán trong hoạt động
thực thi pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp từ Trung ương đến địa phương;
- Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật
của doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp, xử lý nghiêm minh các hành vi
vi phạm pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp;
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông
tin nhằm hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh
theo phương thức đa cấp.
III. NHIỆM VỤ VÀ
GIẢI PHÁP
1. Công tác hoàn thiện khuôn khổ
pháp lý về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp
1.1. Nhiệm vụ
Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật
về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp cũng như chế tài xử lý vi phạm
trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm đảm bảo tính đồng bộ,
thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính khả thi của các
quy định được ban hành.
1.2. Giải pháp
- Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ
sung một số điều của các Nghị định quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt
động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm đảm bảo sự phù hợp, thống nhất
với quy định của Luật Cạnh tranh, Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động
kinh doanh theo phương thức đa cấp và pháp luật về xử lý
vi phạm hành chính, hạn chế tối thiểu khoảng trống pháp lý về chế tài xử lý vi
phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Thời gian thực hiện:
năm 2018.
- Xây dựng Thông tư quy định chi
tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động
kinh doanh theo phương thức đa cấp để đảm bảo tính khả thi của các quy định
tại Nghị định số 40/2018/ND-CP, Thời gian thực hiện: 2018.
- Thường xuyên rà soát, đánh giá,
phát hiện, tổng hợp những chồng chéo, bất cập của các quy định pháp luật về quản
lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ
sung, hoàn thiện. Thời gian thực hiện: Hàng năm.
1.3. Phân công thực hiện
Cơ quan chủ trì: Cục Cạnh tranh và Bảo
vệ người tiêu dùng, Vụ Pháp chế, Cục Quản lý thị trường (ở Trung ương), Sở Công
Thương (ở địa phương).
Cơ quan/Đơn vị phối hợp: Thanh tra Bộ Công Thương, các cơ quan ban ngành địa phương, Hiệp hội
bán hàng đa cấp.
2. Công tác tuyên truyền phổ biến
pháp luật kinh doanh theo phương thức đa cấp
2.1. Nhiệm vụ
- Hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp,
tổ chức liên quan đến lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp nắm bắt và tuân
thủ đúng các quy định của pháp luật;
- Nâng cao nhận thức của người dân về
hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp, tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia
vào các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính.
2.2. Giải pháp
a) Giải pháp hướng đến các doanh nghiệp, tổ chức liên quan đến hoạt động kinh doanh
theo phương thức đa cấp
- Phổ biến kịp thời các quy định mới
của các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa
cấp thông qua các biện pháp: xây dựng và đăng tải các bài viết giới thiệu pháp
luật trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương
(www.moit.gov.vn), Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu
dùng (www.vcca.gov.vn) và các Sở Công Thương; cung cấp
thông tin cho các đơn vị báo chí, truyền thông về các quy định pháp luật mới về
quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; tổ chức hội nghị giới thiệu,
phổ biến pháp luật;
- Phổ biến pháp luật thông qua hoạt động
thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm;
- Hướng dẫn, phổ biến pháp luật trong
quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính;
- Nâng cấp, cập nhật thông tin và vận
hành trang thông tin điện tử về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức
đa cấp (www.vcca.aov.vn) cho phù hợp
với các văn bản quy phạm pháp luật mới về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương
thức đa cấp;
- Tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp
lý về pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp theo đề xuất
của doanh nghiệp, hiệp hội bán hàng đa cấp và các tổ chức liên quan.
b) Giải pháp hướng đến cộng đồng
- Cung cấp thông tin đồng thời giải
thích, hướng dẫn để các đơn vị báo chí, truyền thông hiểu đúng và truyền tải đúng thông tin về pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh theo
phương thức đa cấp cũng như công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương
thức đa cấp;
- Trực tiếp tham gia các hoạt động tọa
đàm của các cơ quan báo chí, truyền thông nhằm phổ biến kiến thức, pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức
đa cấp rộng rãi đến người dân;
- Tổ chức các hội thảo, hội nghị
tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp cho người
dân tại các địa phương;
- Xây dựng Bộ tài liệu hỏi đáp (Q&A) về pháp luật trong lĩnh vực
kinh doanh theo phương thức đa cấp và đăng tải lên trang thông tin điện tử về
quản lý kinh doanh theo phương thức đa cấp;
- Tổ chức cuộc thi thiết kế hoặc phát
hành các video tuyên truyền về bán hàng đa cấp bất chính và đăng tải trên các
kênh thông tin điện tử, mạng xã hội các phương tiện truyền thông;
- Cập nhật và chia sẻ thường xuyên
các thông tin tuyên truyền và hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên
các phương tiện truyền thông.
2.3. Phân công thực hiện
Cơ quan chủ trì: Cục Cạnh tranh và Bảo
vệ người tiêu dùng (ở Trung ương), Sở Công Thương (ở địa
phương);
Cơ quan phối hợp: Vụ Pháp chế, Văn
phòng Bộ, Cục Quản lý thị trường, Tạp Chí Công Thương, Báo Công Thương, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung
ương; Hiệp hội bán hàng đa cấp; các cơ quan, đơn vị liên quan tại địa phương.
Thời gian thực hiện: Năm 2018-2020.
3. Nâng cao năng lực quản lý nhà
nước đối với hoạt động
kinh doanh theo phương thức đa cấp
3.1. Nhiệm vụ
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực
các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo
phương thức đa cấp ở Trung ương và địa phương.
- Đảm bảo hiểu và
áp dụng đúng, thống nhất các quy định pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh
theo phương thức đa cấp.
3.2. Giải pháp
- Tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi
dưỡng, tập huấn kiến thức, pháp luật, kỹ năng, trình độ
cho cán bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh
theo phương thức đa cấp ở địa phương;
- Cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo,
học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức
đa cấp khi có điều kiện;
- Thường xuyên phối hợp, trao đổi
thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương để kịp
thời nắm bắt, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác quản lý hoạt
động kinh doanh theo phương thức đa cấp;
- Xây dựng, phổ biến các tài liệu tập huấn về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động
kinh doanh theo phương thức đa cấp.
3.3. Phân công thực hiện
Cơ quan chủ trì: Cục Cạnh tranh và Bảo
vệ người tiêu dùng (ở Trung ương), Sở Công Thương (ở địa phương);
Cơ quan phối hợp: Vụ Pháp chế, Thanh
tra Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Công Thương Trung ương; các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tại địa phương.
Thời gian thực hiện: Hàng năm.
4. Công
tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương
thức đa cấp
4.1. Nhiệm vụ
- Ngăn ngừa tối đa, đồng thời phát hiện
và xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh
doanh theo phương thức đa cấp;
- Nâng cao vai trò giám sát của cơ
quan quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại địa phương;
- Nâng cao hiệu quả phối hợp trong
công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động
kinh doanh theo phương thức đa cấp;
4.2. Giải pháp
- Thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm
tra theo kế hoạch (nếu có) và thanh tra, kiểm tra đột xuất khi cần thiết đối với
các doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh theo
phương thức đa cấp;
- Theo dõi, giám sát việc đáp ứng điều kiện mới tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP của các doanh nghiệp đã được
cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại Nghị định
42/2014/NĐ-CP và Thông tư 24/2014/TT-BCT trong và sau thời
gian chuyển tiếp 09 tháng kể từ thời điểm Nghị định 40/2018/NĐ-CP có hiệu lực;
có biện pháp xử lý kịp thời đối với các doanh nghiệp chưa đáp ứng điều kiện mới
nhưng vẫn hoạt động bán hàng đa cấp sau thời gian chuyển đổi.
- Theo dõi, giám sát việc bổ sung hồ
sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương theo Nghị định
40/2018/NĐ-CP của các doanh nghiệp đã được cấp xác nhận tiếp nhận thông báo hoạt
động bán hàng đa cấp tại địa phương theo quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP
và Thông tư 24/2014/TT-BCT trong và sau thời gian chuyển tiếp 12 tháng kể từ thời
điểm Nghị định 40/2018/NĐ-CP có hiệu lực; có biện pháp xử lý kịp thời đối với
các doanh nghiệp chưa bổ sung hồ sơ theo quy định nhưng vẫn hoạt động bán hàng
đa cấp trên địa bàn sau thời gian chuyển đổi.
- Xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp
giữa các cơ quan liên quan tại địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra,
giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại địa bàn;
- Phát hiện, xử lý kịp thời hoạt động
hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận
đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trên từng địa bàn;
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá nguồn gốc
xuất xứ, chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo phương
thức đa cấp;
- Tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm
soát thị trường, các hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tổ chức tại
địa phương nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi
phạm của doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp tại địa phương;
- Phát hiện và chuyển hồ sơ xử lý
hình sự đối với hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng
nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng nội dung giấy chứng nhận
tại điều 217a Luật số 12/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ Luật hình sự số
100/2015/QH13.
4.3. Phân công thực hiện
Cơ quan chủ trì: Cục Cạnh tranh và Bảo
vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường (ở Trung ương); Sở Công Thương (ở địa
phương).
Cơ quan phối hợp: Vụ Pháp chế, Thanh
tra Bộ Công Thương, Cơ quan Công an và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tại
địa phương.
Thời gian thực hiện: Hàng năm
5. Ứng
dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa
cấp
5.1. Nhiệm vụ
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông
tin, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong công tác quản lý nhà nước đối với
hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
5.2. Giải pháp
- Xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ
sở hạ tầng phục vụ cho việc vận hành trang thông tin điện tử về quản lý hoạt động
bán hàng đa cấp.
- Cung cấp tài khoản của trang thông tin
điện tử về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp cho Sở Công Thương phục vụ việc
trao đổi thông tin và phối hợp thực thi pháp luật về quản
lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông
tin trong việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính trong hoạt động
kinh doanh theo phương thức đa cấp.
5.3. Phân công thực hiện
Cơ quan chủ trì: Cục Cạnh tranh và Bảo
vệ người tiêu dùng (ở Trung ương), Sở Công Thương (ở địa phương);
Cơ quan phối hợp: Cục Thương mại điện
tử và Kinh tế số, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ Công Thương; các cơ quan quản lý
nhà nước liên quan tại địa phương.
Thời gian thực hiện: Năm 2018-2020.
IV. KINH PHÍ
1. Căn cứ nhiệm vụ tại Đề án này, các
đơn vị liên quan dự toán thực hiện nhiệm vụ được giao, tổng hợp vào dự toán chi
ngân sách nhà nước hàng năm, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án do
ngân sách nhà nước bảo đảm và nguồn kinh phí huy động tài trợ khác (nếu có).
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người
tiêu dùng:
- Chủ trì và phối hợp với các đơn vị
được phân công để triển khai thực hiện Đề án.
- Theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn
vị triển khai thực hiện Đề án này, tổng hợp tình hình báo
cáo Lãnh đạo Bộ.
2. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành của địa phương
tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện
Đề án tại địa phương.
3. Cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực
lượng quản lý thị trường tại các địa phương tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử
lý vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo đa cấp theo thẩm quyền.
4. Sở Công Thương các địa phương thực
hiện báo cáo về tình hình triển khai Đề án về Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người
tiêu dùng (định kỳ 06 tháng/lần vào trước ngày 28 của tháng 01 và tháng 7 hàng
năm) để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ Công Thương./.