ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
180/2004/QĐ-UB
|
Hà
Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2004
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA UBND THÀNH PHỐ “VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN VÀ BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TỔ
CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN HẠ TẦNG TẢ NGẠN”
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ luật Tổ chức HĐND và
UBND ;
Căn cứ Nghị định số 52/2004/NĐ-CP ngày 08/7/1999, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP
ngày 05/5/2000 và Nghị định số 07/2003 ngày 30/01/2003 của Chính Phủ về Quy chế
quản lý đầu tư và xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 15/TT-BXD ngày 19/11/2000 của Bộ Xây dựng hướng dẫn các hình
thức quản lý thực hiện dự án đầu tư và xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 63/2004/QĐ-UB ngày 28/4/2004 của UBND Thành phố về việc
thành lập Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hà Nội và Giám đốc Ban quản lý dự
án hạ tầng Tả Ngạn,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1:
Phê chuẩn và ban hành kèm theo Quyết định này Điều lệ Tổ
chức và hoạt động của Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn, gồm V chương và 15 điều.
Điều 2:
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều
3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Giám đốc
Sở Nội vụ Hà Nội, Giám đốc Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn, Thủ trưởng các
các Sở, Ban, Ngành có liên quan thi hành Quyết định này./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
K/T. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đỗ Hoàng Ân
|
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN HẠ TẦNG TẢ NGẠN
(Ban
hành kèm theo quyết định số 180/2004/QĐ-UB ngày 06 tháng 12 năm 2004 của
UBND Thành phố Hà Nội)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1:
Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn được thành lập
theo Quyết định số 63/2004/QĐ - UB ngày 28/4/2004 của UBND Thành phố Hà Nội, là
cơ quan trực thuộc UBND TP Hà nội, thực hiện chức năng nhiệm vụ của chủ đầu tư
về quản lý dự án về đầu tư và xây dựng hạ tầng đô thị theo đúng quy hoạch, kế
hoạch và pháp luật.
- Tên giao dịch của Ban là: Ban
Quản lý dự án hạ tầng Tả ngạn.
Điều 2:
Ban quản lý Dự án hạ tầng Tả ngạn có chức năng giúp
UBND Thành phố tổ chức thực hiện việc quản lý các dự án về đầu tư và xây dựng để
phát triển hạ tầng đô thị Tả ngạn Sông Hồng do UBND Thành phố, phối hợp với các
cơ quan thuộc UBND TP và UBND các quận, huyện, phường, xã quản lý các hoạt
động khác có liên quan để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Điều 3:
Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn có tư cách pháp nhân,
có con dấu riêng, được mở tài khoản tại kho bạc Nhà nước và ngân hàng để hoạt động
theo quy định, được tham gia vào các quan hệ pháp luật trong phạm vi quyền hạn
được giao, Ban quản lý hạ tầng Tả ngạn có biên chế do UBND Thành phố Hà nội
giao, kinh phí hoạt động của Ban được thực hiện theo Nghị định số
52/1999/NĐ-CP, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP và Nghị định số 07/2003/NĐ-CP và các
quy định khác của pháp luật và thành phố Hà Nội.
Trụ sở được đặt tại: 115 đường
Lê Duẩn, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điều 4:
Thời gian hoạt động của Ban quản lý dự án hạ tầng Tả ngạn
phụ thuộc vào tiến độ thực hiện các dự án Đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng tả ngạn
sông Hồng và các dự án khác do cấp có thẩm quyền giao. Việc chấm dứt hoạt động
của Ban quản lý dự án hạ tầng Tả ngạn do UBND thành phố Hà Nội quyết định.
Chương 2:
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ
TRÁCH NHIỆM
Điều 5:
Chủ động phối hợp với các Sở, Ban, Ngành Thành phố và uỷ
quyền trực tiếp báo cáo với các Bộ, Ngành Trung ương để lập và trình duyệt các
dự án đầu tư và xây dựng dự án do UBND Thành phố giao.
Điều 6:
Chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về quản lý, tổ chức
triển khai thực hiện các dự án được giao theo trình tự quy định của Nhà nước và
Thành phố, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố về tiến độ thực hiện các dự án, nhu
cầu vốn cho dự án; báo cáo các phát sinh (nếu có) với UBND Thành phố xem xét chỉ
đạo, giải quyết.
Điều 7:
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chủ đầu tư về quản
lý thực hiện dự án từ khi lập, phê duyệt đến khi bàn giao đưa công trình vào
khai thác sử dụng. Được nhận vốn trực tiếp từ cơ quan có thẩm quyền cấp vốn hoặc
huy động vốn từ các nguồn trong nước và nước ngoài theo qui định của pháp luật
để tổ chức thực hiện dự án cầu Nhật Tân và đường 5 kéo dài và các dự án khác được
UBND Thành phố giao.
Chương 3:
CƠ CẤU TỔ CHỨC, BỘ MÁY,
HOẠT ĐỘNG
Điều 8:
Cơ cấu tổ chức, bộ máy, gồm có:
1- Giám đốc, các Phó Giám đốc
- Giám đốc Ban quản lý dự án hạ
tầng Tả Ngạn do chủ tịch UBND Thành phố bổ nhiệm theo tiêu chuẩn chuyên môn,
nghiệp vụ của Nhà nước và Thành phố và theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ
Thành phố.
- Phó Giám đốc Ban quản lý dự án
do UBND Thành phố bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Ban quản lý dự án và Giám
đốc Sở Nội vụ Thành phố.
2. Các phòng chuyên môn: Cho
phép Ban quản lý dự án hạ tầng Tả ngạn căn cứ vào tình hình cụ thể của từng
giai đoạn dự án để thành lập các phòng, Ban, bộ phận nghiệp vụ cho thích hợp nhằm
hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Trước mắt được tổ chức thành
03 phòng:
- Phòng Hành chính tổng hợp
- Phòng tài chính kế toán
- Phòng quản lý thực hiện dự án
Các phòng chuyên môn chịu sự quản
lý trực tiếp của Giám đốc Ban và các Phó Giám đốc Ban theo phân công phụ trách,
đồng thời được sự hướng dẫn hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ từ các Sở, Ban,
Ngành liên quan của Thành phố.
Trong mỗi phòng chức năng chuyên
môn có trưởng phòng, các phó phòng và các tổ chuyên viên chuyên trách.
* Chức năng, nhiệm vụ của các
phòng:
a). Phòng
Hành chính tổng hợp chịu trách nhiệm về các công tác chính sau:
+ Công tác tổ chức lao động, tiền
lương:
- Tuyển chọn, đào tạo, bố trí sử
dụng cán bộ.
- Quản lý cán bộ (hồ sơ, theo
dõi, nhận xét).
- Giải quyết các chế độ, chính
sách đối với người lao động (chế độ tiền lương, phụ cấp, hưu chí…).
- Tổ chức biên chế của Ban.
- Công tác bảo mật.
+ Công tác quản trị hành chính:
- Công tác quản trị: quản lý tài
sản của Ban, công tác bảo vệ, an ninh trật tự, văn thư đóng dấu, in ấn, phôtô
và lưu trữ tài liệu…
- Công tác mua sắm: mua sắm tài
sản, các hợp đồng điện, nước sinh hoạt, điện thoại…
- Dự trù, mua sắm, quản lý và
cung cấp VPP hàng tháng.
- Lễ tân, phục vụ hội nghị, hội họp.
- Làm thủ tục, điều hành xe ôtô
phục vụ các đoàn công tác.
+ Thường trực trong công tác thi
đua, khen thưởng, kỷ luật.
+ Thường trực trong công tác
thanh tra nội bộ của Ban, phối hợp với các phòng tổ chức thanh tra, kiểm tra
thường xuyên, đột xuất theo quy định.
+ Thường trực công tác nghĩa vụ
quân sự.
+ Có trách nhiệm quan hệ với địa
phương nơi đóng trụ sở của Ban và các Phân ban
+ Công tác thống kê, tổng hợp,
tin học hoá công tác quản lý dự án và báo cáo định kỳ, đột xuất cho các cấp.
b)- Phòng tài chính kế
toán: chịu trách nhiệm về các công tác chính sau:
+ Công tác quản lý tài chính,
công tác kế toán của Ban.
+ Kiểm tra các dự toán chi phí
trong quá trình thực hiện dự án trước khi trình lãnh đạo Ban phê duyệt.
+ Phòng TCKT có trách nhiệm xem
xét kỹ các thủ tục tài chính để giải ngân nhanh nhất theo đúng quy định. Thực
hiện các thủ tục thanh toán, cấp phát vốn cho các đơn vị có liên quan (nhà thầu,
tư vấn, ban GPMB…) theo chỉ đạo, phê duyệt của lãnh đạo ban
+ Cân đối nguồn vốn để lập kế hoạch
chi tiêu hàng năm cho Ban, quản lý chi tiêu cho các hoạt động của Ban.
+ Triển khai nguồn vốn các dự án
sau khi có thông báo vốn về các cơ quan cấp phát (Kho bạc Nhà nước TW, Quỹ hỗ
trợ phát triển…).
+ Đảm bảo nguồn vốn cho các dự
án Ban quản lý hàng năm: từ khâu lập, trình duyệt kế hoạch năm, tham mưu điều
hoà, điều chuyển kế hoạch…cho tới khi có thông báo vốn về cơ quan cấp phát.
+ Chủ trì thực hiện công tác quyết
toán các dự án, lập các báo cáo quyết toán, các báo cáo tài chính.
+ Chủ trì làm việc với các đơn vị
kiểm toán (kiểm toán độc lập, kiểm toán nhà nước), các đoàn kiểm tra tài chính.
+ Theo dõi, quản lý toàn bộ các
hợp đồng kinh tế ký kết với các đơn vị kiểm toán độc lập; từ khâu đấu thầu để lựa
chọn đơn vị kiểm toán, chuẩn bị nội dung hợp đồng, theo dõi thực hiện hợp đồng,
rà soát xác nhận giá trị thanh toán định kỳ, thanh toán cuối cùng cho đơn vị kiểm
toán, thanh lý các hợp đồng khi kết thúc.
+ Quản lý về tài chính các tài sản
của Ban, các tài sản thu hồi từ dự án, các tài sản đầu tư từ dự án cho các đơn
vị khác (vào sổ theo dõi tài sản, đánh giá giá trị tài sản, hạch toán tăng giảm
nguồn vốn).
c). Phòng quản lý thực hiện
dự án: chịu trách nhiệm về công tác chính sau:
+ Chuẩn bị cho toàn bộ các dự án
từ khâu tìm kiếm dự án, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu
khả thi.
+ Phối hợp với phòng Hành chính
tổng hợp trong công tác đấu thầu.
+ Chịu trách nhiệm toàn bộ công
tác đấu thầu (gồm các dự án vốn trong nước và các dự án vốn nước ngoài – ODA) từ
khâu lập kế hoạch đầu thầu, hồ sơ mời thầu, công bố kết quả đấu thầu. Trong
công tác đấu thầu phải lưu ý đảm bảo nguyên tác thống nhất giữa hồ sơ mời thầu,
phương pháp đánh giá thầu và kết quả đấu thầu trình duyệt.
+ Chịu trách nhiệm về các thủ tục
hợp đồng xây lắp, tư vấn, thiết bị bao gồm: chuẩn bị hợp đồng, thương thảo và
điều chỉnh hợp đồng.
+ Theo dõi các hợp đồng kinh tế
ký với các nhà thầu, tư vấn, các đơn vị cung ứng thiết bị ở các khâu: Theo dõi
thực hiện hợp đồng (về trình tự, thủ tục, sự tuân thủ của nhà thầu đối với nội
dung của hợp đồng đã ký kết), rà soát xác nhận giá trị thanh toán định kỳ chủ yếu
là đơn giá, thanh toán cuối cùng cho nhà thầu, thanh lý các hợp đồng khi kết
thúc. Chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ, giá
thành, môi trường an toàn và các quy định khác trong hợp đồng cụ thể:
- Tổ chức xem xét, trình duyệt
thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, các đề cương KSTK; xử lý các vấn đề
phát sinh, phát triển về kỹ thuật và khối lượng.
- Tiến hành kiểm tra giám sát
quá trình xây dựng, chủ trì nghiệm thu thanh toán cho nhà thầu về khối lượng
cũng như đơn giá, giá thành xây lắp.
- Bình luận xử lý các khối lượng
phát sinh, bổ sung của hợp đồng (nếu có) Trực tiếp quản lý các kỹ sư đối tác,
phối hợp chặt chẽ với tư vấn giám sát và nhà thầu để chỉ đạo thi công đúng tiến
độ.
Chịu trách nhiệm toàn bộ công
tác GPMB, các hợp đồng trong công tác GPMB của dự án, tham mưu đề xuất biện
pháp xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện công tác GPMB.
Điều 9:
Ban quản lý dự án Hạ tầng Tả ngạn hoạt động theo chế độ
Thủ trưởng. Giám đốc là người lãnh đạo cao nhất và điều hành các hoạt động của
Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả ngạn, chịu trách nhiệm trực tiếp trước UBND Thành
Phố và Pháp luật.
Giám đốc Ban có trách nhiệm phân
công nhiệm vụ cho các Phó Giám đốc Ban, các phó Giám đốc Ban có quyền quyết định
các phần việc do mình phụ trách và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Ban và pháp
luật về quyết định của mình. Đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp hoặc liên
quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau thì được đưa ra trao đổi để thống nhất trong
tập thể lãnh đạo của Ban. Trong trường hợp có ý kiến khác nhau thì Giám đốc Ban
là người có quyết định cuối cùng.
Điều 10:
Giám đốc Ban ban hành quy chế làm việc nội bộ của Ban
phù hợp với pháp luật hiện hành, thực hiện các chế độ thông tin về quản lý và
chỉ đạo bằng giao ban, hội nghị định kì và chuyên đề đột xuất. Chủ trì các hội
nghị do Giám đốc Ban hoặc Phó Giám đốc được Giám đốc Ban uỷ quyền.
Chương 4:
QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 11:
Ban Quản lý hạ tầng Tả ngạn chịu sự quản lý toàn diện,
trực tiếp của UBND thành phố Hà Nội đồng thời được sự chỉ đạo, hướng dẫn về
chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Hà Nội và
các Bộ, Ngành Trung ương. Ban quản lý hạ tầng Tả ngạn có trách nhiệm báo cáo định
kì về kết quả hoạt động theo chế độ quy định và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu
với UBND Thành phố và các Bộ Ngành Trung ương có liên quan.
Điều 12:
Mối quan hệ giữa Ban quản lý hạ tầng Tả ngạn với các
Sở, Ban, Ngành của thành phố là quan hệ trao đổi thông tin, hướng dẫn chuyên
môn nghiệp và phối hợp hoạt động giữa các cơ quan trực thuộc UBND Thành phố
theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm do UBND Thành phố quy định.
Ban Quản lý dự án hạ tầng
Tả Ngạn có trách nhiệm cung cấp thông tin và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan
chuyên môn thuộc UBND Thành phố để giải quyết các vấn đề có liên quan đến công
việc. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố có trách nhiệm hướng dẫn về
chuyên môn, nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ và giúp đỡ Ban quản lý Hạ tầng Tả
ngạn hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Kiểm tra các hoạt động của Ban
quản lý Hạ tầng Tả ngạn thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
Khi có ý kiến không thống nhất
trong việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Ban quản lý dự án hạ tầng Tả
ngạn có quyền kiến nghị UBND Thành phố xem xét, quyết định.
Điều 13:
Mối quan hệ giữa Ban quản lý hạ tầng Tả ngạn với UBND Quận,
Huyện, Phường, Xã và Thị trấn trong phạm vi mốc giới của dự án là quan hệ giữa
cơ quan trực thuộc UBND Thành phố Hà Nội với cơ quan hành chính nhà nước địa
phương.
Trong các lĩnh vực thuộc thẩm
quyền của Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn được quy định trong quy chế này, Ban
quản lý Hạ tầng Tả ngạn có trách nhiệm thông báo và phối hợp với UBND các quận
huyện, phường, xã trên địa bàn trong các lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch đầu tư,
xây dựng cơ sở hạ tầng… liên quan đến đời sống của nhân dân địa phương.
UBND các quận, huyện, phường, xã
trên địa bàn thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước địa phương có
trách nhiệm phối hợp và hỗ trợ Ban Quản lý dự án hạ tâng Tả Ngạn động viên nguồn
lực tại chỗ tham gia đầu tư và xây dựng dự án, thực hiện chủ trương kế hoạch
GPMB, di dời, tái định cư theo quy hoạch và theo chế độ, chính sách hiện hành,
tổ chức lực lượng kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm liên quan đến quản
lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14:
Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký
Điều 15:
Trong quá trình thực hiện, khi cần thiết phải sửa đổi, bổ
sung, thay thế Qui chế, UBND Thành phố sẽ điều chỉnh cho thích hợp.