Quyết định 18/2006/QĐ-UBND ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế Quảng Bình

Số hiệu 18/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 04/05/2006
Ngày có hiệu lực 14/05/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Phan Lâm Phương
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2006/QĐ-UBND

Đồng Hới, ngày 04 tháng 5 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ Y TẾ QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 171/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 11/2005/TTLT-BYT-BNV ngày 12 tháng 4 năm 2005 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân quản lý Nhà nước về Y tế ở địa phương;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 72/SYT ngày 20 tháng 01 năm 2006 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Công văn số 257/SNV-TC ngày 27 tháng 3 năm 2006,

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế Quảng Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 53/2002/QĐ-UB ngày 31 tháng 7 năm 2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh, các quy định trước đây trái với Quy định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Y tế; Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Y tế;
- Bộ Nội vụ;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ban TC Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các Phó CT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Đài PT - TH; Báo Quảng Bình;
- Lưu VT, NCVX tỉnh, SNV.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phan Lâm Phương

 

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ Y TẾ QUẢNG BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2006/QĐ-UBND ngày 04 tháng 5 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

Điều 1. Vị trí và chức năng

- Sở Y tế là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, gồm: y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, y dược học cổ truyền, thuốc phòng chữa bệnh cho người, mỹ phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; về các dịch vụ công thuộc ngành Y tế; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh và theo quy định của pháp luật;

- Sở Y tế chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế;

- Sở Y tế có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước tỉnh để hoạt động; có trụ sở tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các Quyết định, Chỉ thị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới thuộc phạm vi quản lý của tỉnh và phân cấp của Bộ Y tế; chịu trách nhiệm về nội dung các văn bản đã trình.

2. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm, các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực quản lý của Sở phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch phát triển ngành của Bộ Y tế.

3. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc phân công, phân cấp hoặc uỷ quyền quản lý về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân đối với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh và các đơn vị sự nghiệp y tế theo quy định của pháp luật.

4. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh quy hoạch mạng lưới khám, chữa bệnh, mạng lưới y tế dự phòng để Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển ngành Y tế.

5. Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án y tế đã được phê duyệt; công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

6. Về y tế dự phòng:

a) Trình Ủy ban nhân dân tỉnh quy chế, giải pháp huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để thực hiện công tác y tế dự phòng và phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;

b) Quyết định những biện pháp để điều tra, phát hiện và xử lý dịch, thực hiện báo cáo dịch theo quy định. Trường hợp phải huy động các nguồn lực để dập tắt dịch vượt thẩm quyền phải trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả của dịch bệnh, tai nạn thương tích và thiên tai thảm họa ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân xảy ra trên địa bàn tỉnh;

c) Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động về sức khỏe môi trường, sức khỏe trường học, sức khỏe lao động, vệ sinh nguồn nước ăn uống, quản lý bệnh nghề nghiệp và dinh dưỡng cộng đồng trên địa bàn tỉnh;

d) Làm thường trực về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS của Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm tỉnh.

[...]