Quyết định 1776/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 đến năm 2020

Số hiệu 1776/QĐ-UBND
Ngày ban hành 24/05/2012
Ngày có hiệu lực 24/05/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Hồ Đức Phớc
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1776/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 24 tháng 5 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2011 ĐẾN NĂM 2020”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 04/11/2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề giai đoạn 2011 - 2020;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 245/SCT-QLCN ngày 06/4/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 đến năm 2020” với những nội dung chính như sau:

1. Quan điểm phát triển

1.1 Quán triệt và vận dụng sáng tạo các đường lối, chủ trương phát triển kinh tế, xã hội của Nhà nước và của tỉnh, phát huy cao độ nội lực kết hợp với nguồn lực bên ngoài để đẩy nhanh phát triển công nghiệp toàn diện. Phát triển công nghiệp với tốc độ nhanh, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao góp phần thiết thực xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển vào năm 2020.

1.2. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của tỉnh theo hướng đến năm 2020 chủ yếu là công nghiệp và dịch vụ. Ưu tiên phát triển các ngành có lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh. Từng bước tăng dần các ngành công nghiệp cơ bản, ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ và chất xám cao.

1.3. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, sức cạnh tranh của sản phẩm đi đôi với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài nhằm phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế tri thức.

1.4. Xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, cụm công nghiệp hỗ trợ để phục vụ cho các dự án quy mô lớn của Nghệ An và các tỉnh lân cận nhằm tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa và giảm nhu cầu nhập khẩu.

1.5. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển công nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu chung

Ngành công nghiệp Nghệ An đến năm 2020 sẽ trở thành ngành kinh tế phát triển, tỷ trọng đóng góp ngày càng tăng trong cơ cấu GDP của tỉnh. Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trong GDP tăng từ 33,46% năm 2010 lên 39 - 40% năm 2015 và 43 - 44% vào năm 2020. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa có trình độ và chất lượng cao.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng công nghiệp theo giá cố định 1994 bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2015 là 17-18%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 16-17%/năm.

- Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2015 đạt 18.700 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 40.750 tỷ đồng.

3. Định hướng phát triển

3.1. Định hướng chung

- Tập trung mọi nguồn lực phát triển nhanh bền vững các mũi đột phá, sản phẩm trọng điểm (vật liệu xây dựng, thủy điện, chế biến đồ uống, khai thác chế biến khoáng sản,...), tạo tiền đề phát triển các ngành công nghiệp khác. Tăng cường khai thác lợi thế về nguồn lao động dồi dào, điều kiện đất đai và nguyên liệu tại chỗ, nhất là nguồn nguyên liệu nông, lâm, hải sản phục vụ công nghiệp chế biến. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp.

- Tập trung phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh về nguyên liệu tại chỗ như sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng; công nghiệp chế biến nông, lâm thủy hải sản; chế biến khoáng sản. Đồng thời tranh thủ mọi cơ hội thu hút đầu tư để phát triển một số ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao hơn như cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị điện, điện tử tin học.

- Tăng cường hợp tác, liên kết giữa các ngành, doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn và với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ để sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của công nghiệp. Hình thành sự phân công sản xuất, tham gia chế tạo trong chuỗi cung ứng sản phẩm của các dự án lớn trong vùng như tổ hợp lọc, hóa dầu Nghi Sơn; Khu kinh tế Vũng Áng.

- Về cơ cấu ngành: Giai đoạn 2011 - 2020 tập trung phát triển các ngành công nghiệp theo thứ tự ưu tiên sau: Công nghiệp cơ khí, điện tử; Công nghiệp chế biến nông, lâm sản - thực phẩm; Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; Công nghiệp hóa chất; Công nghiệp dệt may - da giầy; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước; Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản.

- Về mô hình công nghiệp: Lựa chọn phát triển một số doanh nghiệp lớn ở các ngành có tiềm năng lợi thế: cơ khí, điện tử; chế biến nông, lâm sản; sản xuất điện năng... Tập trung phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ưu tiên phát triển các doanh nghiệp gắn với ngành nghề nông thôn và làng nghề.

[...]