THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
177/2004/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2004
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 177/2004/QĐ-TTG NGÀY 05 THÁNG 10
NĂM 2004 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP Ô TÔ VIỆT NAM
ĐẾN NĂM 2010, TẦM NHÌN ĐẾN 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ Công nghiệp tại các Công văn số 2042/CV-CLH ngày 26 tháng
4 năm 2004, số 2441/CV-CLH ngày 19 tháng 5 năm 2004 và số 3721/CV-CLH ngày 26
tháng 7 năm 2004, ý kiến của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ,
Thương mại, Giao thông vận tải, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Quỹ hỗ trợ phát triển tại cuộc họp
ngày 06 tháng 5 năm 2004 tại Văn phòng Chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm
nhìn đến 2020 với các nội dung chủ yếu sau :
1. Quan điểm
phát triển
a) Công nghiệp ô tô là ngành
công nghiệp rất quan trọng cần được ưu tiên phát triển để góp phần phục vụ có
hiệu quả quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng tiềm lực an ninh,
quốc phòng của đất nước.
b) Phát triển nhanh ngành công nghiệp
ô tô trên cơ sở thị trường và hội nhập với nền kinh tế thế giới; lựa chọn các
bước phát triển thích hợp, khuyến khích chuyên môn hoá - hợp tác hoá nhằm phát
huy lợi thế, tiềm năng của đất nước; đồng thời tích cực tham gia quá trình phân
công lao động và hợp tác quốc tế trong ngành công nghiệp ô tô.
c) Phát triển ngành công nghiệp
ô tô phải gắn kết với tổng thể phát triển công nghiệp chung cả nước và các Chiến
lược phát triển các ngành liên quan đã được phê duyệt, nhằm huy động và phát
huy tối đa các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, trong đó doanh nghiệp nhà
nước giữ vai trò then chốt.
d) Phát triển ngành công nghiệp
ô tô trên cơ sở tiếp thu công nghệ tiên tiến của thế giới, kết hợp với việc đẩy
mạnh hoạt động nghiên cứu - phát triển trong nước và tận dụng có hiệu quả cơ sở
vật chất, trang thiết bị hiện có, nhằm nhanh chóng đáp ứng nhu cầu trong nước về
các loại xe thông dụng với giá cả cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy các ngành
công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển nhằm đẩy nhanh quá trình sản xuất linh
kiện, phụ tùng trong nước.
đ) Phát triển ngành công nghiệp
ô tô phải phù hợp với chính sách tiêu dùng của đất nước và phải bảo đảm đồng bộ
với việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông; các yêu cầu về bảo vệ và cải
thiện môi trường.
2. Mục tiêu của
Quy hoạch
a) Mục tiêu tổng quát:
Xây dựng và phát triển ngành
công nghiệp ô tô Việt Nam để đến năm 2020 trở thành một ngành công nghiệp quan
trọng của đất nước, có khả năng đáp ứng ở mức cao nhất nhu cầu thị trường trong
nước và tham gia vào thị trường khu vực và thế giới.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Về các loại xe thông dụng (xe
tải, xe khách, xe con):
Đáp ứng khoảng 40 - 50% nhu cầu
thị trường trong nước về số lượng và đạt tỷ lệ sản xuất trong nước (hàm lượng
chế tạo trong nước) đến 40% vào năm 2005; đáp ứng trên 80% nhu cầu thị trường
trong nước về số lượng và đạt tỷ lệ sản xuất trong nước 60% vào năm 2010 (riêng
động cơ phấn đấu đạt tỷ lệ sản xuất trong nước 50%, hộp số đạt 90%).
- Về các loại xe chuyên dùng:
Đáp ứng 30% nhu cầu thị trường
trong nước về số lượng, đạt tỷ lệ sản xuất trong nước 40% vào năm 2005; tiến tới
đáp ứng 60% nhu cầu thị trường trong nước về số lượng, đạt tỷ lệ sản xuất trong
nước 60% vào năm 2010.
- Về các loại xe cao cấp:
Các loại xe du lịch cao cấp phấn
đấu đạt tỷ lệ sản xuất trong nước 20 - 25% vào năm 2005 và 40 - 45% vào năm
2010, đáp ứng phần lớn nhu cầu thị trường trong nước;
Các loại xe tải, xe khách cao cấp
đạt tỷ lệ sản xuất trong nước 20% vào năm 2005 và 35 - 40% vào năm 2010, đáp ứng
80% nhu cầu thị trường trong nước.
- Về động cơ, hộp số và phụ
tùng:
Lựa chọn để tập trung phát triển
một số loại động cơ, hộp số, bộ truyền động và phụ tùng với số lượng lớn phục vụ
lắp ráp ô tô trong nước và xuất khẩu.
-
Về định hướng sản lượng và cơ cấu sản phẩm :
-
Biểu
1: Dự kiến sản lượng ô tô các loại đến năm 2020
Đơn
vị: xe
TT
|
|
2005
|
2010
|
2020
|
1
|
Tổng số ô tô
|
120.000
|
239.000
|
398.000
|
2
|
Xe con đến 5 chỗ ngồi
|
32.000
|
60.000
|
116.000
|
3
|
Xe con từ 6 - 9 chỗ ngồi
|
3.000
|
10.000
|
28.000
|
4
|
Xe khách
|
15.000
|
36.000
|
79.900
|
|
+ 10 - 16 chỗ ngồi
|
9.000
|
21.000
|
44.000
|
|
+ 17 - 25 chỗ ngồi
|
2.000
|
5.000
|
11.200
|
|
+ 26 - 46 chỗ ngồi
|
2.400
|
6.000
|
15.180
|
|
+ > 46 chỗ ngồi
|
1.600
|
4.000
|
9.520
|
5
|
Xe tải
|
68.000
|
127.000
|
159.800
|
|
+ Đến 2 tấn
|
40.000*
|
57.000*
|
50.000
|
|
+ > 2 tấn - 7 tấn
|
14.000
|
35.000
|
53.700
|
|
+ > 7 tấn - 20 tấn
|
13.600
|
34.000
|
52.900
|
|
+ > 20 tấn
|
400
|
1.000
|
3.200
|
6
|
Xe chuyên dùng
|
2.000
|
6.000
|
14.400
|
* Kể cả thay thế 55.000 xe vận
chuyển nông thôn (xe công nông) trong thời gian từ nay đến hết 2007.
Trên cơ sở cân đối năng lực hiện
tại và nhu cầu dự báo, dự kiến sản lượng ô tô bổ sung đến 2010 như Biểu 2.
Biểu
2. Cân đối năng lực, nhu cầu và bổ sung sản lượng ô tô đến năm 2010
Đơn
vị: xe
STT
|
Loại
xe
|
Năng
lực hiện tại năm 2003
|
Sản
lượng yêu cầu năm 2010 (dự báo)
|
Sản
lượng cần bổ sung năm 2010
|
Ghi
chú
|
1
|
Xe con đến 5 chỗ ngồi
|
>100.000
|
60.000
|
|
Không cần ĐT thêm
|
2
|
Xe con từ 6 - 9 chỗ ngồi
|
4.000
(đến 2010)
|
10.000
|
6.000
|
Đầu tư thêm
|
3
|
Xe khách
|
8.000
|
36.000
|
28.000
|
|
|
+ 10 - 16 chỗ ngồi
|
|
21.000
|
21.000
|
ĐT thêm
|
|
+ 17 - 25 chỗ ngồi
|
|
5.000
|
5.000
|
ĐT thêm
|
|
+ 26 - 46 chỗ ngồi
|
7.000
(đến
2010)
|
6.000
|
|
Không cần ĐT thêm
|
|
+ > 46 chỗ ngồi
|
2.000
|
4.000
|
2.000
|
ĐT thêm
|
4
|
Xe tải
|
14.000
|
127.000
|
113.000
|
|
|
+ Đến 2 tấn
|
10.000
|
57.000
|
47.000
|
ĐT thêm
|
|
+ > 2 tấn - 7 tấn
|
4.000
|
35.000
|
31.000
|
ĐT thêm
|
|
+ > 7 tấn - 20 tấn
|
|
34.000
|
34.000
|
ĐT thêm
|
|
+ > 20 tấn
|
|
1.000
|
1.000
|
ĐT thêm
|
5
|
Xe chuyên dùng
|
300
|
6.000
|
6.000
|
ĐT thêm
|
- Về xuất khẩu:
Phấn đấu xuất khẩu ô tô và phụ tùng
đạt 5 - 10% giá trị tổng sản lượng của ngành vào năm 2010 và nâng dần giá trị
kim ngạch xuất khẩu trong giai đoạn tiếp theo.
3. Định hướng Quy hoạch đến năm
2010
a) Về các loại xe ô tô thông dụng:
bao gồm xe tải (chủ yếu là cỡ nhỏ và trung bình), xe chở khách, xe con 4 - 9 chỗ
ngồi.
- Xe khách:
Phục vụ vận tải hành khách công
cộng, bao gồm ô tô từ 10 chỗ ngồi trở lên. Dự kiến sản lượng:
+ Đến năm 2005: 15.000 xe, đáp ứng
trên 50% nhu cầu thị trường;
+ Đến năm 2010: 36.000 xe, đáp ứng
trên 80% nhu cầu thị trường.
Tỷ lệ sản xuất trong nước đạt
40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010. Riêng tỷ lệ sản xuất trong nước đối với động
cơ đạt 15 - 20% vào năm 2005 và 50% vào năm 2010.
- Xe tải:
Phục vụ vận tải hàng hoá, khai
thác mỏ, công nghiệp - xây dựng..., bao gồm chủ yếu là các loại xe tải cỡ nhỏ
và trung bình, một phần là xe tải lớn (trọng tải đến 20 tấn).
Dự kiến sản lượng ô tô tải:
+ Đến 2005: 68.000 xe, đáp ứng
trên 50% nhu cầu thị trường;
+ Đến 2010: 127.000 xe, đáp ứng
khoảng 80% nhu cầu thị trường.
Tỷ lệ sản xuất trong nước đạt
trên 40% vào 2005 và khoảng trên 60% vào năm 2010.
- Xe con 4 - 9 chỗ ngồi:
Là các loại xe có kết cấu tương
tự như xe do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sản xuất (minibus,
xe việt dã...) nhưng hình thức và tiện nghi đơn giản hơn, giá phù hợp với sức
mua trong nước.
Dự kiến sản lượng:
+ Đến năm 2005: 3.000 xe, đáp ứng
khoảng 10% nhu cầu thị trường;
+ Đến năm 2010: 10.000 xe, đáp ứng
khoảng 15% nhu cầu thị trường.
(Nếu tính cả sản lượng ô tô đến 9
chỗ ngồi do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, lắp ráp thì sẽ
đáp ứng phần lớn nhu cầu thị trường trong nước).
Tỷ lệ sản xuất trong nước của xe
con thông dụng đạt 30% vào năm 2005 và trên 50% đến năm 2010.
b) Đối với nhóm xe chuyên dùng:
Trên cơ sở khung gầm gắn động cơ
(ô tô chassis) nhập khẩu hoặc trong nước chế tạo, tổ chức sản xuất các loại xe
chuyên dùng, bao gồm: xe đông lạnh, xe cứu hoả, xe quét đường, xe hút bùn, xe
trộn bê tông, xe cẩu, xe sửa chữa điện, xe cấp cứu, xe khoan, xe đào,... phục vụ
nhu cầu trong nước.
Dự kiến sản lượng:
+ Đến năm 2005: 2.000 xe, đáp ứng
khoảng 30% nhu cầu thị trường;
+ Đến năm 2010: 6.000 xe, đáp ứng
trên 60% nhu cầu thị trường.
Tỷ lệ sản xuất trong nước của xe
ô tô chuyên dùng đạt 40% vào năm 2005; 60% vào năm 2010.
c) Đối với nhóm xe cao cấp:
Dự kiến sản lượng các loại xe
con (kể cả xe con từ 6 đến 9 chỗ ngồi của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài) như sau:
+ Đến năm 2005: 32.000 xe.
+ Đến năm 2010: 60.000 xe.
Tỷ lệ sản xuất trong nước phấn đấu
đạt 20 - 25% vào năm 2005 và 40 - 45% vào năm 2010.
d) Sản xuất động cơ ô tô, hộp số,
cụm truyền động:
- Động cơ ô tô (chủ yếu là các
loại động cơ diesel có công suất từ 80 - 400 mã lực):
Tổng sản lượng của các nhà máy sản
xuất động cơ khoảng 100.000 động cơ/năm vào năm 2010, khoảng 200.000 động
cơ/năm vào năm 2020, trong đó động cơ có công suất 100 - 300 mã lực chiếm 70%.
Phấn đấu đến năm 2005 đạt tỷ lệ sản xuất trong nước 15 - 20%; năm 2010 đạt 50%.
Khuyến khích khu vực đầu tư nước
ngoài sản xuất các loại động cơ cho các loại xe con.
- Hộp số:
Sản lượng đạt 100.000 bộ/năm vào
2010, khoảng 200.000 bộ/năm vào năm 2020, tỷ lệ sản xuất trong nước đạt 90% vào
năm 2010.
- Cụm truyền động:
Sản lượng đạt 100.000 bộ/năm vào
năm 2010, khoảng 200.000 bộ/năm vào năm 2020. Tỷ lệ sản xuất trong nước đạt 90%
vào năm 2010.
4. Định hướng đầu
tư và yêu cầu đối với các dự án đầu tư.
- Khuyến khích việc bố trí các dự
án sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng tại 3 vùng kinh tế trọng điểm và
các địa bàn lân cận nhằm tận dụng các lợi thế sẵn có, gồm:
+ Miền Bắc: các tỉnh, thành phố
trong và giáp ranh khu vực Tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng
Ninh.
+ Miền Trung: các tỉnh từ Thanh
Hoá đến Khánh Hoà.
+ Miền Nam: các tỉnh, thành phố
trong và giáp ranh khu vực Tứ giác tăng trưởng kinh tế thành phố Hồ Chí Minh -
Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai -Bình Dương; thành phố Cần Thơ (phục vụ khu vực đồng
bằng sông Cửu Long).
- Giao các doanh nghiệp nhà nước
: Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông
nghiệp, Tổng công ty Than Việt Nam, Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài
Gòn đảm nhiệm vai trò nòng cốt trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, xây dựng
và triển khai các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô và phụ tùng theo hướng:
+ Tổng công ty Công nghiệp ô tô
Việt Nam: tập trung sản xuất, lắp ráp xe khách, xe tải cỡ trung và nhỏ, xe con,
động cơ, hộp số, cụm truyền động.
+ Tổng công ty Máy động lực và
máy nông nghiệp: tập trung sản xuất, lắp ráp xe khách, xe tải trung và nhỏ, động
cơ, hộp số, cụm truyền động.
+ Tổng công ty Than Việt Nam: tập
trung sản xuất, lắp ráp xe tải hạng trung và nặng, xe chuyên dùng và các thiết
bị công tác kèm theo.
+ Tổng công ty Cơ khí giao thông
vận tải Sài Gòn: tập trung lắp ráp, sản xuất xe khách, xe chuyên dùng và một số
loại phụ tùng ô tô.
- Giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an
tham gia tổ chức sản xuất, lắp ráp xe có tính năng kỹ - chiến thuật đáp ứng yêu
cầu an ninh, quốc phòng.
- Đối với các doanh nghiệp nhà
nước đảm nhiệm vai trò nòng cốt nêu trên và các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp
ô tô thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an:
+ Các dự án đầu tư phải đáp ứng
các tiêu chuẩn theo "Tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô";
+ Dự án đầu tư mới phải đạt được
yêu cầu phân công chuyên môn hoá-hợp tác hoá cao, phù hợp định hướng phân công
sản xuất nêu ở khoản 4; có công nghệ tiên tiến, được chuyển giao từ các nhà sản
xuất ô tô lớn của thế giới; tỷ lệ sản xuất trong nước phải cao hơn mức định hướng
chung;
+ Dự án đầu tư phải được thẩm
tra, phê duyệt theo các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.
- Đối với các doanh nghiệp có vốn
nước ngoài: việc đầu tư phát triển sản xuất thực hiện theo Giấy phép đầu tư.
Khuyến khích việc đầu tư sản xuất động cơ, phụ tùng trên cơ sở chuyển giao công
nghệ tiên tiến từ các hãng nổi tiếng trên thế giới.
- Đối với các doanh nghiệp trong
nước khác:
+ Dự án phải phù hợp với Chiến
lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm
nhìn đến 2020;
+ Đáp ứng các tiêu chuẩn theo
"Tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô";
+ Khuyến khích các dự án có sản
phẩm xuất khẩu, dự án sản xuất động cơ ô tô, hộp số, cụm truyền động và dự án
có quy mô đầu tư lớn;
+ Đối với doanh nghiệp đã có quá
trình sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng, việc đầu tư mở rộng năng lực
sản xuất, lắp ráp phải gắn với nâng cấp công nghệ, hiện đại hoá trang thiết bị
để nâng cao tỷ lệ sản xuất trong nước theo định hướng nêu ở khoản 3;
+ Đối với các dự án đầu tư mới,
phải đồng thời đáp ứng đủ các điều kiện: có chuyển giao công nghệ sản xuất tiên
tiến từ các nhà sản xuất ô tô trên thế giới; có kế hoạch, lộ trình và biện pháp
cụ thể để thực hiện mục tiêu về tỷ lệ sản xuất trong nước (theo định hướng nêu ở
các điểm a, b, c, d khoản 3); có quy trình công nghệ sản xuất và giải pháp cụ
thể, khả thi để đảm bảo sản phẩm làm ra đạt các tiêu chuẩn do Nhà nước quy định
về kỹ thuật, chất lượng, an toàn, đăng kiểm, môi trường; tuân thủ đầy đủ các
quy định về bản quyền và sở hữu công nghiệp.
5. Định hướng về
nguồn vốn đầu tư
Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư
để thực hiện Quy hoạch như sau:
+ Giai đoạn 2001 - 2010: khoảng
16.000 - 18.000 tỷ đồng. Nguồn vốn bao gồm:
- Vốn tự huy động của các doanh
nghiệp;
- Vốn vay ngân hàng thương mại;
- Vốn đầu tư nước ngoài;
- Vốn tín dụng đầu tư phát triển
của Nhà nước (chỉ dành cho các dự án trọng điểm do Thủ tướng Chính phủ quyết định
và dự án thuộc đối tượng vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo
quy định hiện hành).
+ Giai đoạn 2010 - 2020: ước
tính khoảng 35.000 - 40.000 tỷ đồng. Nguồn vốn: chủ yếu là vốn tự huy động của
doanh nghiệp, vốn vay thương mại và vốn nước ngoài.
6. Những chính
sách và giải pháp hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam
a) Các chính sách về thuế đối với
ô tô và linh kiện, phụ tùng ô tô
Để khuyến khích phát triển công
nghiệp sản xuất ô tô và phụ tùng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, Nhà
nước có một số chính sách hỗ trợ như sau:
- Không tính
thuế nhập khẩu theo bộ linh kiện rời dạng CKD, IKD; tính thuế nhập khẩu theo biểu
thuế đối với linh kiện và phụ tùng nhập khẩu và theo hướng khuyến khích sản xuất
trong nước.
- Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp
đối với sản phẩm chế thử trong thời gian một năm kể từ khi sản phẩm được tiêu
thụ trên thị trường.
b) Các chính sách và giải pháp về
thị trường
- Bảo vệ thị trường:
+ Áp dụng các biện pháp hỗ trợ sản
xuất trong nước phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
+ Ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật
đối với ô tô, phụ tùng ô tô để ngăn chặn việc lưu thông những hàng hóa kém chất
lượng, không an toàn, gây ô nhiễm môi trường.
+ Xử lý nghiêm khắc hàng nhập lậu,
hàng gian lận thương mại được đưa vào thị trường Việt Nam.
- Mở rộng thị trường:
+ Đẩy mạnh đầu tư nâng cấp mạng
lưới giao thông đường bộ trong cả nước;
+ Khuyến khích các doanh nghiệp
sản xuất, lắp ráp xe ô tô sử dụng động cơ, phụ tùng ô tô chế tạo trong nước;
+ Tạo điều kiện cho các doanh
nghiệp trong hoạt động tiếp thị và xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường
trong nước và vươn ra thị trường nước ngoài.
c) Các chính sách và giải pháp về
đầu tư
- Khuyến khích sự hợp tác, phân
công sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp
có vốn đầu tư nước ngoài để tận dụng các công nghệ và thiết bị đã đầu tư, giảm
chi phí đầu tư mới và tránh đầu tư trùng lắp.
- Đầu tư mới từng bước nhưng tập
trung, có trọng điểm và đầu tư nhanh ở những khâu công nghệ cơ bản, quyết định
chất lượng sản phẩm, phù hợp với nhu cầu thị trường.
- Các dự án có vốn đầu tư nước
ngoài vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất động cơ, phụ tùng, linh kiện ô
tô, đặc biệt là các dự án đầu tư với quy mô công suất lớn, sản xuất sản phẩm chất
lượng cao phục vụ cho chương trình nâng cao tỷ lệ sản xuất trong nước và xuất
khẩu, được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi theo quy định của Luật Đầu tư nước
ngoài tại Việt Nam.
d) Chính sách và giải pháp về
khoa học công nghệ
- Khuyến khích chuyển giao công
nghệ, đầu tư công nghệ tiên tiến phục vụ chương trình sản xuất ô tô và phụ tùng
ô tô, đặc biệt là động cơ, hộp số, cụm truyền động.
- Nhà nước hỗ trợ kinh phí chuyển
giao công nghệ cho các dự án sản xuất động cơ, hộp số, cụm truyền động nếu công
nghệ được chuyển giao từ các hãng có danh tiếng trên thế giới.
- Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho đầu
tư hoạt động nghiên cứu - phát triển trong công nghiệp ô tô.
đ) Các chính sách và giải pháp về
nguồn nhân lực
Tăng cường đầu tư cho đào tạo và
đào tạo lại cán bộ quản lý, cán bộ thiết kế, công nhân lành nghề phục vụ công
nghiệp ô tô, kể cả cử đi học nước ngoài từ nguồn vốn ngân sách của Nhà nước.
e) Các chính sách và giải pháp về
huy động vốn
- Khuyến khích cổ phần hóa các
doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, phụ tùng ô tô, kể cả bán cổ phần cho người
nước ngoài để tạo vốn đầu tư mới và đa dạng hóa nguồn vốn.
- Khuyến khích mọi thành phần
kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô.
- Các doanh nghiệp được thành lập
theo pháp luật, có dự án đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nêu ở khoản 4 (phần "Đối
với các dự án trong nước khác") đều được phép đầu tư dự án trên nguyên tắc
tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư. Khi xây dựng dự án, chủ đầu tư căn cứ
các định hướng quy hoạch, định hướng đầu tư nêu trên (nhất là nhu cầu thị trường,
nhu cầu sản lượng bổ sung từng thời kỳ đối với mỗi loại xe, định hướng phân bố
lực lượng sản xuất...), khả năng cạnh tranh thực tế của doanh nghiệp để xác định
quy mô và địa điểm đầu tư thích hợp, đồng thời tự chịu trách nhiệm về quyết định
của mình.
g) Các chính sách và giải pháp về
quản lý ngành
- Chú trọng nghiên cứu, thực hiện
các giải pháp điều tiết cung cầu của thị trường ô tô Việt Nam nhằm đảm bảo tính
cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả chung cho toàn ngành.
- Xây dựng, hoàn thiện khung khổ
pháp lý nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp tự sắp xếp, tổ chức lại, hình
thành các doanh nghiệp lớn theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, các công ty vệ
tinh của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô; thực hiện
tốt việc chuyên môn hoá, hợp tác hoá.
Điều 2.
Tổ chức thực hiện
1. Bộ Công nghiệp:
- Xây dựng, ban hành ngay
"Tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô".
- Chỉ đạo thực hiện Chương trình
và các giải pháp phát triển sản xuất ô tô đến năm 2010.
- Chủ trì thẩm tra các dự án đầu
tư mới sản xuất, lắp ráp ô tô có sử dụng vốn nhà nước của 4 doanh nghiệp nhà nước
nòng cốt, trình Thủ tướng Chính phủ thông qua và cho phép thực hiện.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành liên quan thực hiện việc kiểm tra các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô và sản
xuất phụ tùng theo nội dung dự án đã xây dựng.
- Thông qua công tác kiểm tra
theo chức năng quản lý ngành, kiến nghị với Chính phủ các biện pháp điều chỉnh
cung cầu về thị trường ô tô trong quá trình thực hiện Quy hoạch; công bố cho
các doanh nghiệp biết và thực hiện.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ:
- Xây dựng, ban hành Quy định về
phương pháp tính tỷ lệ nội địa hoá ô tô làm cơ sở để xác định mức khuyến khích
hỗ trợ trong đầu tư đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất phụ
tùng ô tô.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành liên quan xây dựng, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng ô
tô và phụ tùng đối với các loại xe lưu hành trong nước; các quy định mang tính
chất rào cản kỹ thuật để ngăn chặn việc sản xuất, lắp ráp và lưu hành các loại
ô tô chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường.
- Hướng dẫn việc chuyển giao tiếp
nhận công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và phụ tùng nhằm đảm
bảo công nghệ được chuyển giao thực sự là công nghệ tiên tiến.
3. Bộ Tài chính:
- Ban hành ngay biểu thuế nhập
khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô để thay thế cho việc tính thuế theo bộ linh kiện
dạng CKD, IKD phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
- Nghiên cứu, trình Thủ tướng
Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích các dự án sản xuất, chế tạo động cơ ô
tô, hộp số, cụm truyền động.
- Nghiên cứu, trình Thủ tướng
Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ tài chính cho hoạt động nghiên cứu - phát
triển và đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp ô tô.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành quy định một số loại phí nhằm
hạn chế việc mua sắm và lưu hành ô tô du lịch cá nhân trong điều kiện hệ thống
hạ tầng giao thông đường bộ chưa đáp ứng kịp tốc độ gia tăng số lượng xe.
- Kiểm soát chặt chẽ việc thu
thuế đối với ô tô và linh kiện, phụ tùng nhập khẩu; phối hợp với Bộ Thương mại
đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại.
4. Bộ Giao thông vận tải:
Rà soát, hoàn thiện và ban hành
ngay các quy định mới về tiêu chuẩn, điều kiện kỹ thuật, an toàn đối với ô tô
xuất xưởng và nhập khẩu (quy định về đăng kiểm phương tiện cơ giới) theo hướng
nâng cao chất lượng và độ an toàn ô tô, thay cho các quy định hiện hành không
còn phù hợp.
5. Bộ Thương mại:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành liên quan nghiên cứu, áp dụng các biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả công
tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với sản phẩm ô
tô và phụ tùng để bảo vệ thị trường trong nước.
- Đề xuất các giải pháp tăng cường
hoạt động xúc tiến xuất khẩu, tạo điều kiện giúp ngành công nghiệp ô tô Việt
Nam tham gia vào thị trường khu vực và thế giới.
6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Tăng cường kêu gọi, thu hút đầu
tư nước ngoài vào phát triển công nghiệp ô tô theo Chiến lược và Quy hoạch được
duyệt, đặc biệt là vào lĩnh vực sản xuất phụ tùng, linh kiện. Kiểm tra và giúp
đỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, lắp ráp ô tô và phụ tùng
ô tô theo đúng giấy phép và các quy định của pháp luật hiện hành.
7. Bộ Công an:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao
thông vận tải và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên
cứu, quy định giới hạn số lượng ô tô đăng ký mới hàng năm trên từng địa bàn phù
hợp với Quy hoạch phát triển giao thông vận tải, Quy hoạch đô thị, tình hình cụ
thể của địa phương về hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ (cả động và tĩnh) và
nhu cầu thực tế bổ sung, đổi mới phương tiện vận tải.
8. Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương:
- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc
triển khai các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất phụ tùng ô tô trên địa
bàn tỉnh, thành phố mình (nếu có) và giám sát việc thực hiện dự án theo nội
dung đã xây dựng và đăng ký.
- Tham gia với các Bộ, ngành kiểm
tra, giám sát việc triển khai thực hiện Quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ, thống
nhất giữa Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô với Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội của địa phương và Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa
bàn.
- Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành chức
năng phối hợp rà soát công tác đăng ký kinh doanh đối với các doanh nghiệp đăng
ký ngành nghề kinh doanh sản xuất, lắp ráp ô tô, đảm bảo chặt chẽ, đúng pháp luật,
phù hợp quy hoạch và đáp ứng các quy định của "Tiêu chuẩn doanh nghiệp sản
xuất, lắp ráp ô tô". Chỉ đạo Sở Công nghiệp định kỳ báo cáo về Bộ Công
nghiệp tình hình hoạt động của các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô.
9. Hiệp hội các doanh nghiệp cơ
khí Việt Nam, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, Hiệp hội kỹ sư ô tô Việt
Nam:
- Nghiên cứu, đề xuất và tổ chức
việc phối hợp giữa các doanh nghiệp cơ khí tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô, sản
xuất phụ tùng nhằm nâng cao tính hợp tác - liên kết và tính chuyên môn hoá
trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô và phụ tùng.
- Nghiên cứu, đề xuất với các cơ
quan quản lý nhà nước các giải pháp, cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy
phát triển ngành công nghiệp ô tô theo đúng Chiến lược và Quy hoạch được duyệt.
10. Các doanh nghiệp đã được các
cấp có thẩm quyền cho phép sản xuất, lắp ráp ô tô; tổ chức sản xuất các loại xe
chuyên dùng trên cơ sở khung gầm gắn động cơ (ô tô chassis), được tiếp tục nhập
khẩu và áp dụng chính sách thuế theo quy định hiện hành cho đến thời điểm Biểu
thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô do Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực
thi hành. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2005, nếu các doanh nghiệp nêu trên đáp ứng đủ
các điều kiện quy định tại Quyết định này thì được tiếp tục sản xuất, lắp ráp ô
tô; tổ chức sản xuất ô tô chassis.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này.