Quyết định 1726/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt “Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế” do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1726/QĐ-TTg
Ngày ban hành 05/09/2016
Ngày có hiệu lực 05/09/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1726/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 09 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO KHẢ NĂNG TIẾP CẬN DỊCH VỤ NGÂN HÀNG CHO NỀN KINH TẾ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2011 và Quyết định số 808/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2012 về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020;

Xét đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Tờ trình số 112/TTr-NHNN ngày 25 tháng 7 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế” với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU

Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cơ bản phù hợp với nhu cầu, có chất lượng, có mức chi phí hợp lý đối với đại bộ phận dân cư ở độ tuổi trưởng thành và doanh nghiệp, nhất là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dựa trên hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, lành mạnh, có trách nhiệm và phát triển bền vững.

Đến năm 2020, phấn đấu đạt các chỉ tiêu chủ yếu sau:

- 70% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán tại hệ thống ngân hàng;

- Ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại trên 100.000 dân số trưởng thành;

- 30.000 máy ATM (khoảng 40 máy ATM trên 100.000 dân số trưởng thành);

- 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS (khoảng 400 máy POS trên 100.000 dân số trưởng thành);

- Tỷ lệ chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại tại địa bàn nông thôn đạt khoảng 15%;

- Khoảng 35 - 40% số người trưởng thành ở nông thôn có tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng;

- Khoảng 50 - 60% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động vay vốn của các tổ chức tín dụng;

- Tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại.

II. NGUYÊN TẮC VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO KHẢ NĂNG TIẾP CẬN DỊCH VỤ NGÂN HÀNG CHO NỀN KINH TẾ

1. Nguyên tắc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng:

a) Mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế được gắn liền với với quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, tôn trọng nguyên tắc thị trường, bình đẳng, thuận lợi, tạo cơ hội cho cả phía tổ chức cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ;

b) Nhà nước tạo lập khung khổ hành lang pháp lý thông thoáng nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng thiết kế và phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng, nhất là sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng, từ đó tạo điều kiện người dân và doanh nghiệp, nhất là các đối tượng chính sách tiếp cận dịch vụ ngân hàng một cách bền vững;

c) Khuyến khích sự tham gia của nhiều loại hình tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ ngân hàng cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

d) Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa và phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ tiếp cận, đáp ứng nhu cầu của người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thu nhập thấp;

đ) Mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng đi đôi với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng trong mối quan hệ hài hòa với lợi ích và sự phát triển bền vững của hệ thống các tổ chức tín dụng; nâng cao kiến thức tài chính cho người dân;

[...]