ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 376/QĐ-UBND
|
Trà Vinh, ngày 20
tháng 3 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ PHÒNG, CHỐNG
BẠO LỰC GIA ĐÌNH ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 06/02/2014 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống
bạo lực gia đình đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1572/QĐ-TTg ngày 05/9/2014 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền về xây dựng gia đình và phòng,
chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng đến năm 2020”;
Căn cứ Quyết định số 1168/QĐ-UBND ngày 17/6/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc
ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm
2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh;
Căn cứ Quyết định số 2010/QĐ-UBND
ngày 28/10/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch Xây dựng gia
đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh Trà Vinh;
Căn cứ Hướng dẫn số 2301/HD-BVHTTDL ngày 14/7/2014
của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về triển khai Chương trình hành
động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch tại Tờ trình số 305/SVHTTDL-NSVHGĐ ngày 03/7/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình
hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn
tỉnh Trà Vinh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, cơ quan ngang Sở
thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh có liên quan; Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Kim Ngọc Thái
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH ĐẾN NĂM 2020
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 376/QĐ-UBND Ngày 20/3/2015 của Ủy ban nhân
dân tỉnh)
I. MỤC TIÊU:
1. Mục tiêu
chung:
Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận
thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và
toàn xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; từng bước ngăn chặn
và giảm số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu cụ
thể:
- Phấn đấu đến
năm 2015 đạt trên 85% và đến năm 2020 đạt trên 95% số hộ gia đình trên
địa bàn tỉnh được tiếp cận thông tin về phòng, chống bạo lực gia
đình.
- Phấn đấu đến
năm 2015 đạt trên 50% và đến năm 2020 đạt trên 90% số cán bộ tham gia phòng,
chống bạo lực gia đình các cấp được tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực gia đình.
- Phấn đấu đến
năm 2015 đạt trên 60% và đến năm 2020 đạt trên 90% số cán bộ lãnh đạo chính
quyền, đoàn thể cấp xã, phường, thị trấn được tập huấn
nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực gia đình.
- Phấn đấu đến
năm 2015 đạt trên 40% và đến năm 2020 đạt 100% cơ quan cấp
tỉnh có liên quan đến hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình có báo cáo viên cấp
tỉnh về phòng, chống bạo lực gia đình.
- Đến năm 2015 đạt trên 70% và đến năm
2020 đạt trên 95% số nạn nhân bị bạo lực
gia đình được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa bạo lực gia đình, tư
vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân.
- Đến năm 2015 đạt trên 90% và đến năm
2020 đạt trên 95% số người có hành vi bạo lực gia đình được
tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi.
- Đến năm 2015 đạt trên 60% và đến năm
2020 đạt trên 90% số xã, phường, thị trấn
nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.
II. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:
1. Lãnh đạo, chỉ
đạo, tổ chức và quản lý:
- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công
tác phòng, chống bạo lực gia đình. Đưa mục tiêu về phòng, chống bạo lực gia
đình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của
địa phương.
- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, củng cố hệ thống tổ chức bộ máy, nâng cao
năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia
đình các cấp.
- Phối hợp liên
ngành phù hợp trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Đánh giá các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; nghiên cứu
chuyển các mô hình hoạt động có hiệu quả thành nhiệm vụ thường xuyên. Biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng,
chống bạo lực gia đình.
- Xây dựng và đưa vào sử dụng cơ sở dữ
liệu về gia đình và phòng, chống bạo
lực gia đình.
- Tổ chức kiểm
tra, đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về
phòng, chống bạo lực gia đình; xử lý kịp thời các hành vi bạo lực gia đình theo quy định của pháp
luật.
2. Tuyên truyền, giáo dục,
vận động nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình:
- Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức
tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình. Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động trực
tiếp tại gia đình, cộng đồng về phòng, chống bạo lực gia
đình; xây dựng chương trình, chuyên trang, chuyên mục,
phóng sự, tiểu phẩm, kịch bản sân khấu về phòng, chống bạo lực gia đình.
- Nội dung tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính
sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực
gia đình, bình đẳng giới, quyền và nghĩa vụ của các thành viên gia đình; truyền
thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam; kiên quyết đấu tranh với các
hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật trong hôn nhân gia đình và các nội
dung khác có liên quan. Chú trọng nội dung truyền thông giáo dục,
vận động về đạo đức, lối sống văn hóa trong gia đình, trách nhiệm của các thành viên gia đình trong thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình.
3. Phòng ngừa
bạo lực gia đình, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình:
- Hình thành mạng lưới công tác viên, tình nguyện viên
tham gia phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở, cộng đồng; phát triển
hộp thư, số điện thoại, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng để tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình.
- Cung cấp dịch vụ
tư vấn, trợ giúp pháp lý chăm sóc sức
khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình. Trạm y tế xã, phường,
thị trấn thực hiện việc chăm sóc y tế ban đầu, tư vấn về sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình; tùy
theo khả năng, điều kiện thực tế, bố trí
nơi tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình trong thời gian không quá 01 ngày theo yêu cầu của nạn nhân
bạo lực gia đình.
- Nhân rộng các mô
hình đạt hiệu quả trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng. Nghiên
cứu, xây dựng các mô hình dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực
gia đình, người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình; mô hình phòng, chống khủng hoảng tâm thần cho người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình.
- Đẩy mạnh hoạt động
đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho
người là nạn nhân bạo lực gia đình, người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình
chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định.
4. Can thiệp, xử lý vi phạm:
- Can thiệp, xử lý kịp thời các vụ bạo
lực gia đình.
- Tổ chức góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư đối với người gây bạo lực gia đình; áp dụng
biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị
trấn đối với người gây bạo lực gia đình.
- Thực hiện thí điểm Tòa án xét xử lưu động các vụ án về bạo lực gia đình tại địa
bàn xảy ra vụ việc.
5. Công tác xã hội hóa:
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa phòng, chống bạo lực
gia đình. Khuyến khích và tạo điều kiện để các
tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cộng đồng, gia đình, người dân tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình; cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN:
Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch gồm ngân sách Trung
ương, địa phương được phân bổ hàng năm và các nguồn tài trợ, viện trợ, nguồn
huy động hợp pháp khác theo quy định.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch:
- Chủ trì, phối hợp
với các Sở,
ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố tổ chức triển khai thực hiện toàn diện Kế
hoạch này trên địa bàn tỉnh, gắn với các chương trình, kế
hoạch khác có liên quan.
- Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả
Quyết định số 1168/QĐ-UBND ngày 17/6/2013 của Ủy
ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện
Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; Quyết định số 2010/QĐ-UBND ngày 28/10/2013 của Ủy
ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch Xây dựng gia đình thời kỳ công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
- Bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực
cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cấp. Xây dựng quy chế
phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Hình thành
mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia phòng, chống bạo lực gia
đình. Xây dựng và sử dụng có hiệu quả cơ sở
dữ liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
- Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, hỗ trợ
nạn nhân bạo lực gia đình; nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình
ở cộng đồng đạt hiệu quả.
- Thực hiện lồng ghép các nội dung công
tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình với thực hiện phong trào “Toàn
dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
- Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra,
tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch này; định kỳ hàng
năm báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 25/12; tổ chức sơ
kết tình hình thực hiện Kế hoạch này vào cuối năm 2015 và tổng kết vào cuối năm
2020.
2. Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tỉnh có liên quan hướng
dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc thực hiện
chăm sóc y tế, tư vấn về sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia
đình; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho nhân viên y tế của các trạm y tế
xã, phường, thị trấn về chuyên môn chăm sóc y tế ban đầu, tư vấn về sức khỏe
cho nạn nhân bạo lực gia đình; thực hiện thống kê, báo cáo các
trường hợp bệnh nhân là nạn nhân bạo lực gia đình.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tỉnh có liên quan lồng ghép các mục tiêu của Kế hoạch này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
4. Sở Tài chính: Chủ
trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ
khả năng ngân sách Nhà nước hàng năm, cân đối, đề xuất bố trí ngân sách địa
phương, trình phân bổ ngân sách Trung ương được giao để thực hiện Kế hoạch này;
hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra tài chính theo quy định.
5. Sở Thông tin và Truyền
thông:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
hướng dẫn, định hướng các cơ quan thông tin
đại chúng đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền,
phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp
luật của Đảng và Nhà nước nhằm nâng
cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về phòng, chống bạo lực
gia đình.
- Căn cứ hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông,
chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các Sở, ngành tỉnh có liên quan
triển khai thực hiện Quyết định số 1572/QĐ-TTg ngày 05/9/2014 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền về xây dựng gia đình và phòng, chống
bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng đến năm 2020” trên
địa bàn tỉnh gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
6. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch và các Sở, ngành tỉnh có liên quan tổ chức nâng cao năng lực về phòng, chống bạo lực gia
đình cho đội ngũ cán bộ của ngành lao động - thương binh và xã hội; tổ chức đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho nạn
nhân bạo lực gia đình, đối tượng có nguy cơ cao
gây bạo lực gia đình; lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào nội dung tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới,
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ
em, Luật Người cao tuổi; hướng dẫn
các Trung tâm Bảo trợ xã hội thực hiện việc chăm sóc, tư vấn tâm lý, bố trí nơi
tạm lánh và hỗ trợ các điều kiện cần
thiết cho nạn nhân bạo lực gia đình.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Sở, ngành tỉnh
có liên quan triển khai lồng ghép kiến thức
phòng, chống bạo lực gia đình vào
chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với các cấp học,
bậc học.
8. Công an tỉnh: Căn cứ
hướng dẫn của Bộ Công an, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện quy
trình phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về
phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục
tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm; chỉ đạo hệ thống dọc phối hợp, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước
về gia đình các cấp thực hiện nhiệm vụ thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình.
9. Sở Tư pháp: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Sở, ngành tỉnh có liên quan chỉ đạo
thực hiện tốt hoạt động trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình.
10. Đài Phát thanh và Truyền
hình Trà Vinh, Báo Trà Vinh: Xây dựng các chuyên trang,
chuyên mục và nâng cao chất lượng tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình.
Biểu dương tập thể, cá nhân có sáng kiến, đóng góp tích cực trong công tác phòng,
chống bạo lực gia đình; lên án những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về
phòng, chống bạo lực gia đình.
11. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố:
- Căn cứ Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng
và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình của địa phương; lồng
ghép các mục tiêu của Kế hoạch này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của
địa phương.
- Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục
thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình bằng nhiều hình
thức, lồng ghép trong nội dung sinh hoạt của xã, phường, thị trấn, cụm dân cư;
phát triển địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, hộp thư tiếp nhận thông tin về bạo lực
gia đình, đường dây nóng báo tin về bạo lực gia đình…
- Tạo điều kiện và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, phường,
thị trấn (gọi tắt là cấp xã) tạo điều kiện cho cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện
có hiệu quả việc chăm sóc y tế và tư vấn sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia
đình; cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện có hiệu quả việc chăm sóc, tư vấn tâm lý,
bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ các điều kiện cần thiết cho nạn nhân bạo lực gia
đình.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Mặt trận
Tổ quốc và các tổ chức thành viên hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các tổ
chức hòa giải ở cơ sở thực hiện có hiệu quả việc hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp
giữa các thành viên trong gia đình.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an xã khi phát
hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị
cơ quan có thẩm quyền xử lý; thu thập thông tin, thực hiện báo cáo thống kê về
bạo lực gia đình theo quy định.
- Kiểm tra, đánh giá, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả
thực hiện Kế hoạch này tại địa phương về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước
ngày 20/12 để tổng hợp báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân
tỉnh.
12. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân
dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo hệ thống dọc, tạo điều kiện
cho cơ quan quản lý nhà nước về gia đình các cấp thực hiện nhiệm vụ thống kê về
phòng, chống bạo lực gia đình.
13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động, Hội Người
cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tỉnh: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của
mình, chủ động tham gia thực hiện Kế hoạch này; đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trong tổ chức
mình; vận động, giáo dục hội viên thực hiện chính sách, pháp luật về phòng,
chống bạo lực gia đình, tích cực tham gia phòng, chống bạo lực gia đình ở địa
phương; nghiên cứu xây dựng nhiều mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, hỗ trợ
nạn nhân bạo lực gia đình ở cộng đồng./.