Quyết định 17/2020/QĐ-UBND sửa đổi Quy chế Đối thoại trong giải quyết khiếu nại trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu kèm theo Quyết định 06/2015/QĐ-UBND

Số hiệu 17/2020/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/06/2020
Ngày có hiệu lực 28/06/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bạc Liêu
Người ký Dương Thành Trung
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2020/QĐ-UBND

 Bạc Liêu, ngày 18 tháng 6 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ ĐỐI THOẠI TRONG GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU, BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 06/2015/QĐ-UBND, NGÀY 25 THÁNG 3 NĂM 2015 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Khiếu nại ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại;

Căn cứ Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định về quy trình giải quyết khiếu nại hành chính;

Căn cứ Thông tư số 02/2016/TT-TTCP ngày 20 tháng 10 năm 2016 của Thanh tra Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định về quy trình giải quyết khiếu nại hành chính;

Xét đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại Tờ trình số 68/TTr-TTT ngày 25 tháng 5 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Đối thoại trong giải quyết khiếu nại trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, ban hành kèm theo Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, cụ thể như sau:

1. Điều 3 sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 3. Các trường hợp đối thoại

1. Trong quá trình giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, người giải quyết khiếu nại lần đầu tiến hành đối thoại nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau.

2. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại phải tiến hành đối thoại.

3. Trong quá trình giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, người giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai phải tiến hành đối thoại.”

2. Điều 4 sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 4. Trách nhiệm tổ chức, chủ trì đối thoại

1. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, trường hợp phải tổ chức đối thoại theo quy định tại Điều 3, Quy chế này, người giải quyết khiếu nại phải tổ chức và chủ trì buổi đối thoại.

2. Giao cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại thực hiện báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh, có văn bản đề xuất và chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện buổi đối thoại đầy đủ nội dung, theo trình tự, thủ tục Luật định.”

3. Điều 6 sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 6. Thành phần tham gia đối thoại, nội dung đối thoại

1. Thành phần tham gia đối thoại gồm: Người giải quyết khiếu nại, người khiếu nại hoặc người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.

2. Nội dung đối thoại: Người giải quyết khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, bổ sung thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình.”

4. Khoản 1 và Khoản 2 của Điều 7 sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 7. Chuẩn bị đối thoại

1. Người giải quyết khiếu nại, người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại trước khi tổ chức đối thoại phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, lập kế hoạch, xác định nội dung đối thoại, chương trình, thời gian và địa điểm tiến hành đối thoại.

2. Người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung đối thoại.

[...]