Quyết định 167/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Kế hoạch nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020

Số hiệu 167/QĐ-UBND
Ngày ban hành 08/02/2017
Ngày có hiệu lực 08/02/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Đặng Văn Minh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 167/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 08 tháng 02 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Kết luận số 06-KL/TW ngày 01/9/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư khóa IX về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Căn cứ Quyết định số 14/2008/QĐ-TTg ngày 22/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 402/QĐ-UBND ngày 18/12/2015 của UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 42/TTr-KHCN ngày 12/01/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, với nội dung chính như sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát đến năm 2020

Ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm, y - dược, bảo vệ môi trường nhằm phục vụ tốt nhu cầu cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tạo nền sản xuất xanh, sạch; bảo vệ sức khỏe người dân; khắc phục tình trạng ô nhiễm, bảo vệ tài nguyên, môi trường; tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người dân, đóng góp thiết thực vào thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tiếp nhận, làm chủ và chuyển giao ứng dụng có hiệu quả các thành tựu công nghệ sinh học mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

- Xây dựng từ 10 - 12 mô hình, dự án có nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học.

- Phấn đấu đến năm 2020, cung cấp cơ bản đủ giống cây, con chủ lực có năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh.

- Nghiên cứu, ươm tạo ra được 04 - 05 loại giống cây trồng, vật nuôi có năng năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh.

- Thành lập 02 - 03 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và dịch vụ ứng dụng công nghệ sinh học.

- Đào tạo, bồi dưỡng, thu hút từ 2 - 3 tiến sĩ, 10 - 15 thạc sĩ công nghệ sinh học về công tác tại các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

II. Các nhiệm vụ chủ yếu

1. Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp và phát triển nông thôn

a) Nội dung:

Tập trung nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao phục vụ tốt yêu cầu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản trên thị trường; tăng nhanh tỷ lệ sản phẩm nông lâm thủy sản qua chế biến để phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

- Về cây trồng: Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ gen, công nghệ vi nhân giống để tạo ra các loại giống cây trồng nông nghiệp có đặc tính ưu việt, sạch bệnh, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, có khả năng chống chịu với điều kiện biến đổi khí hậu và phù hợp thổ nhưỡng của tỉnh, nhất là các giống mới về lúa, mía, sắn, ngô, lạc, hành, tỏi, các loại hoa, rau, nấm và một số cây ăn quả, cây dược liệu mà tỉnh có khả năng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, phù hợp với nhu cầu thị trường, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; nhân nhanh các giống cây lâm nghiệp, cây bản địa có tốc độ sinh trưởng và khả năng chống chịu sâu bệnh cao, chất lượng gỗ tốt đáp ứng yêu cầu trồng, bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp.

- Về vật nuôi: Tập trung nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao ứng dụng các công nghệ về sinh sản, đặc biệt là công nghệ sản xuất, bảo quản tinh đông lạnh và phương pháp thụ tinh nhân tạo để lai tạo ra các giống gia cầm, gia súc (gà, lợn, bò,...) có năng suất, chất lượng tốt, sức chống chịu và kháng bệnh cao trước các điều kiện bất lợi của môi trường; đồng thời sử dụng rộng rãi công nghệ biogas, công nghệ đệm lót sinh học và các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi.

- Về thủy, hải sản: Nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, cung cấp giống thủy, hải sản có chất lượng cao, kháng bệnh tốt phục vụ nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực nghiệm các phương pháp sinh sản nhân tạo và đưa vào sản xuất đại trà khi có điều kiện đối với một số loại thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao phục vụ xuất khẩu; sử dụng rộng rãi các chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nuôi, chế biến thức ăn thủy sản, phòng trừ dịch bệnh, chế biến sản phẩm và bảo quản thủy, hải sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Về vi sinh vật: Nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vi sinh và sử dụng các chế phẩm công nghệ sinh học dùng trong bảo vệ cây trồng, vật nuôi, cải tạo đất, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản, chế biến và bảo quản nông lâm thủy sản thực phẩm, sản xuất thức ăn chăn nuôi, làm sạch nước sinh hoạt và xử lý các phụ phẩm, phế phẩm, chất thải từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và sinh hoạt nông thôn.

[...]