Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Quyết định 164/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015

Số hiệu 164/QĐ-UBND
Ngày ban hành 03/02/2012
Ngày có hiệu lực 03/02/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Văn Hiếu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 164/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 03 tháng 02 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2011-2015

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;

Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 259/TTr-SVHTTDL ngày 23 tháng 11 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển:

Phát triển du lịch nhằm thúc đẩy cơ cấu kinh tế của tỉnh Bến Tre, gia tăng GDP, đẩy mạnh dịch vụ trong đó có du lịch, phấn đấu để du lịch trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh.

2. Mục tiêu:

Tập trung huy động mọi nguồn lực phát triển ngành du lịch dựa trên các loại hình du lịch chính: Du lịch sinh thái sông nước miệt vườn; du lịch tham quan nghiên cứu văn hoá và các di tích văn hoá - lịch sử; du lịch vui chơi - giải trí, thương mại, công vụ. Phấn đấu tăng doanh thu du lịch bình quân trên 20%/năm, tăng lượng khách đến Bến Tre 12%/năm.

3. Các chỉ tiêu cụ thể:

+ Doanh thu du lịch: Phấn đấu tổng doanh thu du lịch đến năm 2015 đạt 676 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 22,5%/năm.

+ Khách du lịch: Đến năm 2015 đạt 951.000 lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân 12%/năm. Trong đó khách quốc tế: 433.000 lượt, chiếm tỷ lệ 45,53%.

+ Cơ sở lưu trú, ăn uống du lịch: Phát triển đến năm 2015 đạt 47 cơ sở lưu trú với 1.140 phòng; 75 cơ sở ăn uống với 18.000 chỗ ngồi.

+ Nguồn nhân lực: Phấn đấu đến năm 2015 có 4.730 lao động trong lĩnh vực du lịch, có 70% được đào tạo nghiệp vụ. Trình độ cao đẳng trở lên 710 người, trung cấp 1.182 người, sơ cấp 1.419 người.

4. Nhiệm vụ trọng tâm:

Đẩy mạnh xã hội hoá phát triển du lịch, tập trung huy động mọi nguồn lực nhất là về vốn của các thành phần kinh tế và trong dân. Xây dựng các sản phẩm du lịch theo 3 loại hình du lịch. Đầu tư phát triển các điểm du lịch, dịch vụ du lịch trên tuyến ven sông Tiền làm điểm đón khách chủ yếu, để phát triển mạnh tuyến nội tỉnh và liên tỉnh. Thúc đẩy các nhà đầu tư triển khai và đưa vào sử dụng các dự án xây dựng cơ sở kinh doanh du lịch. Tập trung đầu tư nâng cao chất lượng các dịch vụ, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên kinh doanh du lịch; tổ chức tốt dịch vụ vận chuyển khách và các dịch vụ khác.

5. Định hướng phát triển chủ yếu:

5.1. Khách du lịch:

- Tập trung khai thác thị trường khách từ các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á; tiếp đến thị trường các nước Tây Âu, Bắc Mỹ. Phấn đấu đến năm 2015 đón 433.000 lượt khách quốc tế.

- Phát huy thị trường khách nội địa truyền thống của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là thị trường Thành phố Hồ Chí Minh; phát triển thị trường khách các tỉnh Trung Bộ, Bắc Bộ. Hướng đến loại khách trình độ văn hoá cao, có thu nhập cao, thời gian lưu trú dài ngày. Phấn đấu đến năm 2015 đón 518.000 lượt.

5.2. Doanh thu du lịch: Tăng cường tiếp thị quảng bá chào bán các chương trình tour cho du khách, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá dịch vụ, giá cả hợp lý, phát triển điểm du lịch; các dịch vụ du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, tổ chức các sự kiện để tạo sản phẩm độc đáo có tính cạnh tranh cao, kích thích nhu cầu chi tiêu của du khách, kéo dài thời gian lưu trú du khách.

5.3. Doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh du lịch: Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư thành lập doanh nghiệp kinh doanh du lịch, thu hút các tập đoàn, các doanh nghiệp quy mô lớn, có nhiều kinh nghiệm kinh doanh du lịch trong và ngoài nước, tham gia đầu tư kinh doanh du lịch tại tỉnh. Đồng thời, thúc đẩy phát triển cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng tại địa phương, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình kinh doanh du lịch nâng cấp mở rộng quy mô, phát triển ngành nghề nâng lên thành lập doanh nghiệp có đầy đủ chức năng và hoạt động chuyên nghiệp hơn.

5.4. Phát triển hạ tầng du lịch:

- Đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội (giao thông, điện, nước sạch, viễn thông,…) đến các vùng quy hoạch phát triển du lịch, nâng cấp các tuyến đường, tỉnh lộ 883, 884, 885, 886, quốc lộ 57 và các tuyến phục vụ khai thác du lịch.

[...]