Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 164/QĐ-UBND năm 2023 về Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu 164/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/01/2023
Ngày có hiệu lực 27/01/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Lê Trung Chinh
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 164/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 27 tháng 01 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN 2022-2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Công chứng ngày 20/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;

Căn cứ Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng;

Căn cứ Quyết định số 299/QĐ-BTP ngày 05/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Công văn số 4768/STP-BTTP ngày 23/12/2022 về việc trình ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Hội Công chứng viên thành phố, UBND các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp (b/c);
- Thường trực HĐND thành phố (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBNDTP;
- Công an TP; TAND TP; Cục Thuế TP;
- Lưu: VT, NC, STP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Trung Chinh

 

ĐỀ ÁN

“TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN 2022-2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”
(Kèm theo Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 27 tháng 01 năm 2023 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN

Triển khai thi hành Luật Công chứng, bám sát chủ trương quy hoạch theo Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020”, đến ngày 31/12/2019 trên địa bàn thành phố có 19 tổ chức hành nghề công chứng (3 Phòng Công chứng và 16 Văn phòng công chứng), số lượng công chứng viên hành nghề tại địa phương là 50 người, còn 01 chỉ tiêu của huyện Hoàng Sa. Như vậy, việc cho phép thành lập các tổ chức hành nghề công chứng (sau đây gọi là TCHNCC) trên địa bàn thành phố thời gian qua đảm bảo đúng quy hoạch và tuân thủ quy định của pháp luật.

Công chứng là dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm, việc công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch liên quan chặt chẽ đến quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, trật tự an toàn xã hội. Thời gian qua, các TCHNCC được thành lập trong thời kỳ quy hoạch trên địa bàn thành phố đã hoạt động tương đối tốt, tuân thủ quy định pháp luật.

Ngày 15/6/2018, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch (sau đây gọi là Luật sửa đổi, bổ sung 11 Luật), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Điều 2 của Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng năm 2014, theo đó bãi bỏ các quy định có liên quan đến quy hoạch tổng thể phát triển TCHNCC. Đồng thời, ngày 26/8/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP ban hành danh mục các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, số thứ tự 12 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết số 63/NQ-CP liệt kê Quyết định số 2104/QĐ-TTg hết hiệu lực.

Đến nay, số TCHNCC trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là 34 tổ chức với 83 công chứng viên đang hành nghề (tăng 15 TCHNCC và 33 công chứng viên so với thời điểm còn quy hoạch). Hoạt động công chứng được xã hội hóa mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đóng góp vào sự phát triển của thành phố.

Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của nghề công chứng, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật của một số TCHNCC và công chứng viên; chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, còn có hiện tượng vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề; việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch trong hoạt động công chứng, chưa đáp ứng yêu cầu ngăn ngừa các hành vi lừa đảo, lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, gây mất trật tự an toàn xã hội; công tác quản lý nhà nước còn thiếu công cụ hỗ trợ cần thiết trong bối cảnh xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động công chứng; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên chưa phát huy được trách nhiệm tự quản.

Từ thực tiễn nêu trên, căn cứ quy định của Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật sửa đổi, bổ sung 11 Luật; Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng; Quyết định số 299/QĐ-BTP ngày 05/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ; Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 26/4/2021 của UBND thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng trên địa bàn thành phố, nhằm đảm bảo sự ổn định, bền vững của nghề công chứng, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về công chứng trong thời gian qua, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, do đó việc ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030 là thực sự cần thiết.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

[...]