Quyết định 162/2005/QĐ-UBND về trình tự thủ tục và phân cấp thực hiện chính sách tài chính cho việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào các khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 162/2005/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/08/2005
Ngày có hiệu lực 05/09/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thiện Nhân
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
***********

Số : 162 /2005/QĐ-UBND

TP.Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 8 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ THỦ TỤC VÀ PHÂN CẤP THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH CHO VIỆC DI DỜI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG VÀO CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TẬP TRUNG VÀ CỤM CÔNG NGHIỆP.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật xây dựng năm 2003 ;
Căn cứ Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình ;
Căn cứ Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” ;
Căn cứ Quyết định số 74/2005/QĐ-TTg ngày 06 th¸ng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng đất, tiền bán nhà xưởng và các công trình khác khi tổ chức kinh tế phải di dời trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh theo Quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 22/2002/NQ-HĐ ngày 29 tháng 6 năm 2002 của Hội đồng nhân dân thành phố về đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm các Khu công nghiệp và vùng phụ cận;
Căn cứ Nghị quyết số 20/2004/NQ-HĐ ngày 10 tháng 12 năm 2004 của Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa VII;
Căn cứ Quyết định số 28/QĐ-UB ngày 03 tháng 01 năm 2002 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc thành lập Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường vào các Khu công nghiệp tập trung và vùng phụ cận;
Căn cứ Quyết định số 80/2002/QĐ-UB ngày 08 tháng 7 năm 2002 của Ủy ban nhân thành phố về việc phê duyệt đề án thực hiện chương trình di dời ô nhiễm vào các Khu công nghiệp và vùng phụ cận;
Căn cứ Quyết định số 99/2005/QĐ-UB ngày 13 tháng 6 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố “về việc ban hành một số chính sách tài chính cho việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào các khu công nghiệp tập trung và vùng phụ cận”;
Căn cứ Quyết định số 109/2005/QĐ-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định về công tác quản lý dự án trong nước ;
Xét đề nghị của Ban chỉ đạo công tác di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường thành phố theo Tờ trình số 903/TTr-BCĐ ngày 08 tháng 8 năm 2005;

Điều 1. Nay ban hành quy định trình tự thủ tục và phân cấp thực hiện chích sách tài chính cho việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào các khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp (đính kèm).

Điều 2. Quyết định này thay thế cho Quyết định số 08/2003/QĐ-UB ngày 10 tháng 01 năm 2003 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo công tác di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường thành phố, Giám đốc Sở Tài chính thành phố, Cục trưởng Cục Thuế thành phố, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển đô thị thành phố, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố, Giám đốc các Sở quản lý chuyên ngành, Tổng Giám đốc các Tổng Công ty, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện và Giám đốc các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường thành phố phải di dời theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận :
- Như điều 3 ;
- TT/TU, TT.HĐND/TP, TT.UBND/TP ;
- Văn phòng Thành ủy : CVP, PVP ;
- VPHĐ-UB : các PVP
- Các Tổ NCTH
- Lưu (CNN-T) D.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Thiện Nhân

 

QUY ĐỊNH

VỀ TRÌNH TỰ THỦ TỤC VÀ PHÂN CẤP THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH CHO VIỆC DI DỜI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG THÀNH PHỐ VÀO CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TẬP TRUNG VÀ CỤM CÔNG NGHIỆP
 (Kèm theo Quyết định số          /2005/QĐ-UBND ngày      tháng  8 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Điều 1. Trình tự, thủ tục thực hiện việc chuyển nhượng mặt bằng nhà xưởng hoặc chuyển mục đích sử dụng đất: (theo điều 3 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 99/2005/QĐ-UB): Được thực hiện theo Quyết định về ban hành bản “Quy định về quy trình, thủ tục thực hiện việc bán nhà, xưởng, trụ sở làm việc và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất thuộc sở hữu Nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh” do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.

Điều 2. Trình tự, thủ tục về việc sử dụng số tiền thu được từ việc chuyển nhượng mặt bằng nhà xưởng hoặc chuyển mục đích sử dụng đất hoặc tiền hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi mặt bằng nhà xưởng để sử dụng theo quy hoạch của thành phố : (theo điều 3 của Quy định ban hành kèm theo  Quyết định số 99/2005/QĐ-UB):

2.1. Đối với doanh nghiệp Nhà nước thuộc thành phố quản lý :

2.1.1. Việc cấp tiền tạm giữ cho DNNN đầu tư xây dựng cơ sở mới theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sẽ được thực hiện theo tiến độ đầu tư dự án, cụ thể là :

- Đợt 1 : Được ứng tối đa 30% giá trị hợp đồng thi công công trình, nhưng không quá 30% số tiền đã nộp vào tài khoản tạm giữ

- Đợt 2 : Khi có khối lượng công trình hoàn thành được nghiệm thu sẽ được ứng tiếp đến 65% giá trị hợp đồng thi công công trình, nhưng không quá 65% số tiền đã nộp vào tài khoản tạm giữ.

- Đợt 3 : Khi công trình đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng, doanh nghiệp sẽ được thanh toán phần giá trị còn lại (trên cơ sở quyết toán vốn đầu tư của doanh nghiệp), nhưng không quá tổng số tiền còn lại trong tài khoản tạm giữ.

2.1.2. Thủ tục cấp phát tiền tạm giữ gồm có :

- Quyết định duyệt danh sách di dời do gây ô nhiễm của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Văn bản của Ủy ban nhân dân thành phố cho phép đơn vị được  sử dụng số tiền bán mặt bằng nhà xưởng để đầu tư xây dựng cơ sở mới (trong đó ghi rõ nguồn vốn đầu tư được lấy từ tiền bán mặt bằng nhà xưởng).

- Quyết định duyệt dự án đầu tư.

- Quyết định duyệt thiết kế dự án.

- Quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu hoặc chỉ định thầu đối với các gói thầu phải đấu thầu hoặc được phép trực tiếp lựa chọn nhà thầu nhưng phải lập hồ sơ mời thầu.

- Hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư với bên nhận thầu thi công xây lắp.

- Biên bản nghiệm thu khối lượng xây lắp hoàn thành.

- Công văn gửi Sở Tài chính thành phố đề nghị thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành từ nguồn tiền đơn vị đã nộp vào tài khoản tạm giữ.

[...]