Quyết định 109/2005/QĐ-UBND về công tác quản lý các dự án đầu tư trong nước do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 109/2005/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/06/2005
Ngày có hiệu lực 20/06/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Thanh Hải
Lĩnh vực Đầu tư

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc

Số: 109/2005/QĐ-UBND

TP.Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 06 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ TRONG NƯỚC

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính Phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 2663/2005/KHĐT-TH ngày 18 tháng 05 năm 2005;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về công tác quản lý các dự án đầu tư trong nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Quyết định số 155/2002/QĐ-UB ngày 19 tháng 12 năm 2002 của Uỷ ban nhân dân thành phố về công tác quản lý các dự án đầu tư trong nước. Bãi bỏ các Công văn số 7173/UB-ĐT ngày 23 tháng 11 năm 2004, Công văn số 564/UB-ĐT ngày 26 tháng 01 năm 2005 và Công văn số 2037/UB-ĐT ngày 07 tháng 04 năm 2005 về Tổ chuyên gia xét thầu đối với các gói thầu sử dụng vốn ODA hoặc dự án trong nước có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên; sửa đổi mục 2 và mục 3, phần I, Chỉ thị số 29/2002/CT-UB ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Uỷ ban nhân dân thành phố về tăng cường quản lý Nhà nước về đấu thầu; bãi bỏ các quy định khác của Uỷ ban nhân dân thành phố trái với quyết định này.

Đối với các dự án đã có Quyết định đầu tư trước ngày ban hành Quyết định này, các sở - ngành thành phố, Uỷ ban nhân dân các quận - huyện, các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và tổng dự toán theo quy định tại Quyết định số 155/2002/QĐ-UB ngày 19 tháng 12 năm 2002 của Uỷ ban nhân dân thành phố về công tác quản lý các dự án đầu tư trong nước.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Giao thông – Công chính, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở - ngành thành phố, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận - huyện, Tổng Giám đốc và Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước thuộc thành phố quản lý, các Chủ đầu tư chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




 Lê Thanh Hải

 

 

QUY ĐỊNH

VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ TRONG NƯỚC
(Kèm theo quyết định số: 109/2005/qđ-ub ngày 20 tháng 06 năm 2005 của uỷ ban nhân dân thành phố)

Phần 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối hướng dẫn chính sách và hỗ trợ nhà đầu tư về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư trong nước.

Điều 2. Hàng quý, căn cứ vào định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội từng thời kỳ, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan có chức năng xúc tiến đầu tư, các sở-ngành, quận-huyện lập danh mục các dự án đầu tư trong nước tham mưu cho Uỷ ban Nhân dân thành phố thông qua và công bố kêu gọi đầu tư.

Điều 3. Phân loại dự án và quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng:

3.1. Các dự án nhóm A không phân biệt nguồn vốn, chủ đầu tư có trách nhiệm lập Báo cáo đầu tư xây dựng công trình gởi Bộ quản lý ngành xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư.

3.2. Các loại công trình không phải lập dự án mà chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình:

+ Công trình xây dựng cho mục đích tôn giáo

+ Công trình xây dựng mới trụ sở cơ quan có tổng mức đầu tư dưới 03 (ba) tỷ đồng

+ Công trình hạ tầng xã hội có tổng mức đầu tư dưới 7 (bảy) tỷ đồng sử dụng vốn ngân sách không nhằm mục đích kinh doanh, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng và đã có chủ trương đầu tư hoặc đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư.

 + Công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo sử dụng vốn ngân sách, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, qui hoạch xây dựng, đã có chủ trương đầu tư và đầu tư có hiệu quả rõ rệt, có tổng mức đầu tư dưới 5 (năm) tỷ đồng

+ Các công trình xây dựng khác không thuộc các trường hợp nêu trên có tổng mức đầu tư dưới 5 (năm) tỷ đồng, tuỳ từng trường hợp cụ thể do người quyết định đầu tư xem xét, quyết định việc lập dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình và làm rõ tính hiệu quả trước khi quyết định đầu tư.

3.3. Đối với dự án của doanh nghiệp sử dụng vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước thì Nhà nước chỉ quản lý về chủ trương và quy mô đầu tư. Doanh nghiệp có dự án tự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và quản lý dự án đúng theo các quy định của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3.4. Đối với các dự án sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau thì các bên góp vốn thoả thuận về phương thức quản lý theo quy định đối với nguồn vốn có tỉ lệ % lớn nhất trong tổng mức đầu tư.

[...]