Quyết định 16/2012/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phân bổ và bảo vệ nguồn nước dưới đất khu vực Nam Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 16/2012/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/07/2012
Ngày có hiệu lực 13/07/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Nhữ Văn Tâm
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2012/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 13 tháng 7 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÂN BỔ VÀ BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC DƯỚI ĐẤT KHU VỰC NAM THÁI NGUYÊN ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND, năm 2003;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước, 1998;

Căn cứ Nghị định số 179/1999/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/1999 Quy định việc thi hành Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ Quyết định số 81/2006/QĐ-TTg, ngày 14/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2312/QĐ-UBND ngày 18/9/2009 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt Đề cương lập dự án Quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn nước dưới đất khu vực Nam Thái Nguyên đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 261/TTr-STNMT ngày 12/6/2012 về việc phê duyệt Quy hoạch phân bổ và bảo vệ nguồn nước dưới đất khu vực Nam Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt “Quy hoạch phân bổ và bảo vệ nguồn nước dưới đất khu vực Nam Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” với các nội dung chính như sau:

I. Quan điểm

1. Quy hoạch phân bổ và bảo vệ nguồn nước dưới đất khu vực Nam Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đảm bảo gắn kết giữa quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành có liên quan đến khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Khai thác, sử dụng nước dưới đất phải đảm bảo hợp lý, không vượt quá ngưỡng giới hạn khai thác.

3. Khai thác, sử dụng nước dưới đất phải gắn với công tác bảo vệ nguồn nước.

4. Ưu tiên khai thác nguồn nước dưới đất để cấp nước cho các nhu cầu sinh hoạt, phát triển sản xuất các ngành, lĩnh vực sản xuất ít tiêu tốn nước có hiệu quả kinh tế cao; hạn chế khai thác nước dưới đất có chất lượng tốt để cấp nước cho các ngành, lĩnh vực có suất tiêu thụ nước lớn, nhất là ở những vùng, khu vực có thể khai thác, sử dụng nguồn nước mặt.

5. Mô hình cấp nước cho các khu công nghiệp và thị trấn, các điểm tái định cư, điểm tập trung đông dân cư thích hợp là hệ thống cấp nước tập trung, tiến tới loại bỏ dần khai thác đơn lẻ ở những vùng này.

6. Những vùng nông thôn xa trung tâm, dân cư thưa thớt, sống rải rác, nên duy trì khai thác giếng nông thôn đơn lẻ.

7. Việc khai thác sử dụng nước dưới đất phải được luận chứng chi tiết về kinh tế, kỹ thuật đi đôi với bảo vệ, bảo đảm sự phát triển bền vững môi trường.

II. Mục tiêu

II.1. Mục tiêu tổng quát

1. Đảm bảo khai thác hợp lý, bền vững và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn khu vực Nam Thái Nguyên.

2. Ngăn ngừa, hạn chế gia tăng ô nhiễm nguồn nước, khắc phục suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất, đảm bảo tốt chất lượng môi trường nước dưới đất trong quá trình phát triển công nghiệp hoá, đô thị hoá.

3. Tạo chuyển biến cơ bản trong ý thức khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước ngầm, kiểm soát ô nhiễm, xả thải vào nguồn nước của cộng đồng dân cư, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sản xuất đóng trên địa bàn Nam Thái Nguyên.

4. Giúp nâng cao hiệu quả việc quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên nước dưới đất phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực Nam Thái Nguyên.

II.2. Mục tiêu cụ thể

Mục tiêu cụ thể, chỉ tiêu tính toán khai thác tài nguyên nước dưới đất dựa vào Quyết định số 81/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020”, phân bổ và chia sẻ tài nguyên nước phải hài hòa, hợp lý giữa các ngành, các địa phương, ưu tiên sử dụng nước cho sinh hoạt, sử dụng nước mang lại giá trị kinh tế cao, bảo đảm dòng chảy môi trường.

Một số mục tiêu cụ thể như sau:

[...]