Quyết định 16/2002/QĐ-BGD&ĐT sửa đổi Quy chế tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hệ chính quy do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành

Số hiệu 16/2002/QĐ-BGD&ĐT
Ngày ban hành 05/04/2002
Ngày có hiệu lực 05/04/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Minh Hiển
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16/2002/QĐ-BGD&ĐT

Hà Nội, ngày 05 tháng 4 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 16/2002/QĐ-BGD&ĐT NGÀY 05 THÁNG 4 NĂM 2002 VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUY CHẾ TUYỂN SINH VÀO CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP HỆ CHÍNH QUY
(Ban hành theo Quyết định số 05/1999/QĐ-BGD&ĐT ngày 23/02/1999, đã được sửa đổi bổ sung theo Quyết định số 20/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 8/6/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30/3/1994 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Đại học;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Sửa đổi và bổ sung một số Điều của Quy chế Tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hệ chính quy ban hành theo Quyết định số 05/1999 QĐ-BGD&ĐT ngày 23/2/1999, đã được sửa đổi bổ sung theo Quyết định số 20/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 8/6/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1) Khoản 1 Điều 1 sửa đổi như sau:

1. Hằng năm, các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung học chuyên nghiệp (THCN) có chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức một kỳ thi tuyển sinh vào hệ chính quy. Một số trường ĐH, các trường CĐ trung ương đóng trên địa bàn TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các trường cao đẳng sư phạm (CĐSP), nơi có trường ĐH sư phạm hoặc trường ĐH có khoa sư phạm, không tổ chức riêng kỳ thi tuyển sinh mà lấy kết quả thi tuyển sinh đại học của thí sinh cùng khối thi trong vùng tuyển của trường để xét tuyển.

Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu trong công tác tuyển sinh: ra đề thi (nếu không sử dụng chung đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo), tổ chức kỳ thi, chấm thi và chấm lại, xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển theo đúng qui định của Quy chế Tuyển sinh.

Những trường sử dụng chung đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn thành lập Ban Đề thi để chịu trách nhiệm nhận đề thi từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chức sao in đề thi, đóng gói, bảo quản, phân phối và sử dụng đề thi theo đúng quy định của Quy chế Tuyển sinh.

2) Điều 8, bổ sung thêm Khoản 3 như sau:

3. Đăng ký xét tuyển (ĐKXT)

a) Thí sinh có nguyện vọng học tại trường ĐH, CĐ mà trường đó không tổ chức thi tuyển sinh nói tại Khoản 1 Điều 1 Quy chế Tuyển sinh hoặc không trúng tuyển vào trường ĐH đã dự thi thì sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi tuyển sinh ngay năm đó do trường ĐH tổ chức thi cấp để nộp hồ sơ ĐKXT vào các trường khác cùng khối thi, trong vùng tuyển quy định.

b) Thí sinh chỉ có nguyện vọng học tại trường CĐ không tổ chức thi tuyển sinh nói tại Khoản 1 Điều 1 của Quy chế Tuyển sinh, phải nộp hồ sơ ĐKDT và dự thi tại một trường ĐH cùng khối thi với đề thi chung nhưng bỏ bớt một số phần cho phù hợp trình độ cao đẳng. Những thí sinh này không được xét tuyển vào ĐH nhưng được quyền sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi tuyển sinh năm đó do trường tổ chức thi cấp để nộp hồ sơ ĐKXT vào các trường CĐ cùng khối thi, trong vùng tuyển.

c) Thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mà thí sinh đã dự thi không cần nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí xét tuyển. Thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mà thí sinh không dự thi chỉ cần nộp hồ sơ ĐKXT. Thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường không tổ chức thi tuyển sinh thì nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí xét tuyển cho trường theo đúng thời hạn quy định.

Việc nộp hồ sơ ĐKXT có thể thực hiện theo hai phương thức sau đây:

- Thí sinh trực tiếp đến trường nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí xét tuyển.

- Thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí xét tuyển cho trường qua đường Bưu điện (thời gian nộp hồ sơ tính theo dấu bưu điện).

Hồ sơ ĐKXT gồm có:

- Bản phôtôcopy Giấy chứng nhận kết quả thi tuyển sinh do trường tổ chức thi cấp (theo mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

- Bản phôtôcopy thẻ dự thi có dán ảnh.

- Đơn đăng ký xét tuyển (theo mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

- Một phong bì đã dán đủ tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc để trường gửi giấy báo kết quả xét tuyển.

Trong trường hợp thí sinh đồng thời nộp nhiều hồ sơ ĐKDT vào cùng một ngành, một khối của một trường thì chỉ một hồ sơ có giá trị sử dụng trong việc xét tuyển. Đó là hồ sơ do HĐTS trường đã gắn số báo danh và thí sinh đã dự thi theo số báo danh đó.

3) Bước 3 Điều 17 sửa đổi như sau:

Trước khi in đề của mỗi môn thi, Trưởng ban Đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của các trường tự ra đề thi riêng phải mời cán bộ có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn làm phản biện đề thi. Tại nơi làm đề thi, trong điều kiện không tiếp xúc với người ra đề thi, không tiếp xúc với đáp án và thang điểm do Trưởng môn thi dự kiến, người phản biện trực tiếp giải chi tiết đề thi và xây dựng riêng đáp án nhằm:

- Bảo đảm yêu cầu và nội dung đề thi theo quy định tại Điều 16 của Quy chế này; nhất thiết không ra đề thi ngoài chương trình, vượt chương trình.

- Phát hiện các sai sót về nội dung, câu chữ, ký hiệu, chính tả...

[...]