BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1588/QĐ-BNN-TCCB
|
Hà Nội, ngày 19
tháng 4 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
V/V QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC
CỦA CỤC CHẤT LƯỢNG, CHẾ BIẾN VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22/12/2022 của Chính phủ quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ
và Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020
của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 158/2018/NĐ-CP ngày 22/11/2018 của Chính phủ quy
định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục
Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản tại Tờ trình số 278/TTr-QLCL ngày
13/3/2023;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ
Tổ chức cán bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị
trí và chức năng
1. Cục Chất lượng, Chế biến và
Phát triển thị trường là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn lại Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản
và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.
Cục Chất lượng, Chế biến và
Phát triển thị trường (sau đây viết tắt là Cục) thực hiện chức năng tham mưu,
giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong các lĩnh vực
chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo quản, chế biến và phát triển thị trường nông
lâm sản và thủy sản thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo phân cấp, uỷ quyền
của Bộ trưởng.
2. Cục có tư cách pháp nhân, có
tài khoản và con dấu riêng, có kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.
3. Trụ sở của Cục đặt tại thành
phố Hà Nội.
Điều 2. Nhiệm
vụ và quyền hạn
1. Trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn:
a) Các dự thảo: luật, pháp lệnh,
nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị định, nghị
quyết của Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản
pháp luật khác về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo quản, chế biến và
phát triển thị trường nông lâm sản và thủy sản theo phân công của Bộ;
b) Chiến lược, quy hoạch, cơ chế,
chính sách và các chương trình, dự án, đề án về quản lý chất lượng, an toàn thực
phẩm, bảo quản, chế biến và phát triển thị trường nông lâm sản và thủy sản theo
phân công của Bộ trưởng.
2. Xây dựng trình cấp có thẩm
quyền ban hành các văn bản pháp luật; kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn,
hàng năm; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật;
tiêu chuẩn quốc gia về quản lý chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà
nước của Cục theo phân công của Bộ trưởng và quy định của pháp luật; hướng dẫn,
kiểm tra việc thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành.
3. Ban hành các văn bản cá biệt
và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý của Cục.
4. Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức
thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy
hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án; tổ chức tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục.
5. Quản lý chất lượng vật tư
nông nghiệp và chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP):
a) Tham mưu phối hợp với các bộ,
ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền
ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, chương trình,
kế hoạch, đề án, dự án về chất lượng, an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được
phân công quản lý của Bộ;
b) Tham mưu tổng hợp, báo cáo
giải trình trước Quốc hội và Chính phủ; tổng hợp báo cáo tổng thể về công tác
quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng, ATTP nông lâm sản và thủy sản;
tham gia các tổ chức liên ngành, tổ chức quốc tế về chất lượng, ATTP nông lâm sản
và thủy sản theo phân công của Bộ trưởng;
c) Tham mưu xây dựng, sửa đổi,
bổ sung danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng
hóa nhóm 2) thuộc phạm vi quản lý của Bộ;
d) Chủ trì tổ chức triển khai
các nhiệm vụ thuộc chương trình phối hợp của Chính phủ, của Bộ với các tổ chức
chính trị xã hội; của Bộ với các bộ, ngành, tỉnh thành phố trực thuộc Trung
ương, các hội, hiệp hội ngành hàng về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm sản
và thủy sản;
đ) Tổ chức triển khai công tác
phổ biến giáo dục chính sách pháp luật và thông tin truyền thông về chất lượng,
ATTP nông lâm sản và thủy sản;
e) Tổ chức thực hiện các hoạt động
giám sát, đánh giá, cảnh báo, xử lý, truyền thông và quản lý nguy cơ ATTP đối với
thực phẩm nông lâm sản và thủy sản tiêu dùng trong nước thuộc phạm vi quản lý của
Bộ;
g) Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn
cán bộ chuyên trách của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn về quản lý chất
lượng, ATTP nông lâm sản và thủy sản theo quy định của pháp luật;
h) Tham mưu Bộ phối hợp với Bộ
Khoa học và Công nghệ xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm
nông lâm sản và thủy sản thuộc lĩnh vực được giao và theo phân công của Bộ trưởng.
6. Quản lý chất lượng nông lâm
sản và thủy sản:
a) Tổ chức phổ biến, hướng dẫn,
hỗ trợ cơ sở chế biến, bảo quản, kinh doanh độc lập nông lâm sản và thuỷ sản
tuân thủ các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng, ghi nhãn hàng hoá sản
phẩm nông lâm sản và thuỷ sản;
b) Tổ chức kiểm tra, giám sát
việc tuân thủ, áp dụng các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng, ghi
nhãn, bao gói sản phẩm, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm nông lâm sản và thủy
sản tại các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh độc lập;
c) Tổ chức triển khai thực hiện
kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, xử lý vi phạm về chất lượng, ghi nhãn hàng hóa sản
phẩm nông lâm sản và thủy sản đối với các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản,
kinh doanh độc lập nông lâm sản và thủy sản.
7. Quản lý an toàn thực phẩm
nông lâm sản và thủy sản:
a) Tổ chức thực hiện, hướng dẫn
thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện ATTP; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các
quy định của pháp luật về ATTP đối với:
Cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản,
kinh doanh độc lập sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc thực vật;
Cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản,
kinh doanh độc lập sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật;
Cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến,
bảo quản, kinh doanh sản phẩm thủy sản;
Cơ sở sản xuất sản phẩm thực phẩm
hỗn hợp, phối chế, gia vị;
Cơ sở sản xuất nhiều loại sản
phẩm thực phẩm thuộc quản lý của 02 cơ quan thuộc Bộ trở lên; cơ sở sản xuất
nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của 02 cơ quan quản lý
chuyên ngành trở lên nhưng sản phẩm có sản lượng lớn nhất thuộc thẩm quyền của
Bộ;
Chợ đầu mối, chợ đấu giá, cơ sở
kinh doanh thực phẩm nông lâm sản và thủy sản;
Cơ sở sản xuất nước đá cho sản
xuất, chế biến nông lâm sản và thủy sản;
Cơ sở sản xuất kinh doanh dụng
cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến thực
phẩm thuộc phạm vi quản lý theo quy định.
b) Tổ chức thực hiện việc thẩm
tra, kiểm tra và cấp chứng nhận ATTP, an toàn dịch bệnh đối với thuỷ sản xuất
khẩu, giấy chứng nhận lưu hành tự do, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ hoặc giấy
chứng nhận khác có liên quan đối với thực phẩm thủy sản xuất khẩu theo quy định
của pháp luật.
c) Tổ chức thực hiện các chương
trình giám sát quốc gia về ATTP xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu đối với
thủy sản và sản phẩm thủy sản; cảnh báo, ngăn chặn và khắc phục sự cố ATTP; kiểm
tra, giám sát việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực
phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý được phân công và theo quy định
của pháp luật; xử lý, tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật về ATTP trong xuất nhập khẩu
thủy sản và sản phẩm thủy sản.
d) Công bố danh sách quốc gia,
vùng lãnh thổ và danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thủy sản được
phép xuất khẩu vào Việt Nam theo thẩm quyền được quy định tại các Thỏa thuận hợp
tác giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ với Việt Nam.
8. Về quản lý hoạt động đánh
giá sự phù hợp:
a) Tham mưu phối hợp với các bộ,
ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ để xây dựng, trình phê duyệt mạng lưới
cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng ATTP quốc gia;
b) Thẩm định, đánh giá, cấp giấy
đăng ký lĩnh vực hoạt động, chỉ định, công nhận và quản lý hoạt động của các
phòng, đơn vị thử nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm chứng, tổ chức đánh giá sự phù hợp
về chất lượng, an toàn thực phẩm, sản phẩm hàng hoá, quá trình sản xuất, cung ứng
dịch vụ thuộc lĩnh vực thuỷ sản và thuộc quản lý của 02 cơ quan thuộc Bộ trở
lên;
c) Đánh giá chỉ định phòng kiểm
nghiệm kiểm chứng về ATTP phục vụ quản lý nhà nước và yêu cầu của người dân,
doanh nghiệp; kết luận cuối cùng khi có sự khác biệt về kết quả kiểm nghiệm
ATTP giữa các cơ quan kiểm nghiệm thuộc lĩnh vực của Bộ quản lý;
d) Kiểm tra, giám sát việc thực
hiện các quy định của pháp luật đối với các phòng, đơn vị thử nghiệm, kiểm nghiệm,
kiểm chứng, tổ chức đánh giá sự phù hợp về chất lượng, an toàn thực phẩm, sản
phẩm hàng hoá, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ thuộc phạm vi quản lý theo
quy định của pháp luật;
đ) Công bố kết quả kiểm nghiệm
an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật;
e) Đầu mối của Bộ phối hợp với
cơ quan liên quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ về thực hiện điều ước quốc tế,
thỏa thuận quốc tế và thừa nhận lẫn nhau đối với kết quả đánh giá sự phù hợp.
9. Về bảo quản, chế biến, vận
chuyển nông lâm sản và thủy sản:
a) Hướng dẫn, kiểm tra thực hiện
chiến lược, đề án, chương trình, cơ chế, chính sách phát triển lĩnh vực chế biến
gắn với sản xuất và thị trường; hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch;
b) Hướng dẫn, kiểm tra, giám
sát việc thực hiện các quy định về điều kiện đối với cơ sở sơ chế, chế biến, bảo
quản, vận chuyển hàng hóa nông lâm sản và thủy sản;
c) Hướng dẫn, đánh giá, hỗ trợ
nâng cao năng lực chế biến nông lâm sản và thủy sản;
d) Tiếp nhận hồ sơ, xem xét
công nhận hoặc hủy bỏ công nhận, phổ biến tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực sơ chế,
chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm nông lâm sản và thủy sản;
đ) Tổng hợp báo cáo về tình
hình sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển nông lâm sản và thủy sản thuộc phạm
vi quản lý của Bộ;
e) Triển khai các chương trình,
đề án, dự án về thu gom, xử lý, sơ chế, chế biến phụ phẩm nông lâm sản và thủy
sản dùng làm thực phẩm theo phân công, phân cấp của Bộ.
10. Về phát triển nông nghiệp hữu
cơ:
a) Tham mưu tổng hợp, phối hợp
trình Bộ ban hành cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án phát triển
nông nghiệp hữu cơ và bảo quản, chế biến, phát triển thị trường sản phẩm nông
nghiệp hữu cơ;
b) Tham mưu tổng hợp báo cáo và
hợp tác quốc tế trong phát triển nông nghiệp hữu cơ và bảo quản, chế biến, phát
triển thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ;
c) Tổ chức phổ biến, tập huấn
triển khai thực hiện chính sách, quy định pháp luật về phát triển nông nghiệp hữu
cơ tại các công đoạn sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh độc lập nông lâm sản
và thủy sản;
d) Tổ chức kiểm tra, thanh tra
tổ chức chứng nhận, cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh và sản phẩm nông nghiệp
hữu cơ trong trường hợp cần thiết theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
11. Về phát triển thị trường
nông lâm sản và thủy sản:
a) Đàm phán kỹ thuật mở cửa thị
trường:
- Đầu mối tổng hợp báo cáo đề
xuất công tác đàm phán kỹ thuật về ATTP mở cửa thị trường xuất, nhập khẩu nông
lâm sản và thủy sản;
- Trực tiếp tổ chức đàm phán kỹ
thuật về ATTP mở cửa thị trường đối với thực phẩm thủy sản, sản phẩm phối chế.
b) Phát triển thị trường nông
lâm sản và thủy sản:
- Tham mưu Bộ phối hợp với Bộ
Công Thương xây dựng chính sách, chiến lược, chương trình xúc tiến thương mại
quốc gia, chương trình phát triển thương hiệu quốc gia và các chương trình phát
triển thị trường khác có liên quan;
- Tham mưu Bộ trình Chính phủ ban
hành chương trình xúc tiến thương mại nông lâm sản và thủy sản, chương trình
phát triển thương hiệu nông lâm sản và thủy sản chủ lực;
- Tham mưu Bộ ban hành kế hoạch
hàng năm về phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường
nông lâm sản và thủy sản; thực hiện các nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban chỉ đạo
phát triển thị trường nông lâm sản và thủy sản của Bộ;
- Tổng hợp, đề xuất nghiên cứu
nhu cầu, yêu cầu của các thị trường; tổ chức cập nhật, phổ biến cho các bên
liên quan về quy định kỹ thuật, thông tin thị trường và thị hiếu tiêu dùng nông
lâm thủy sản;
- Tham mưu tổ chức thực hiện
các nhiệm vụ xúc tiến thương mại, phát triển thị trường theo phân công của Bộ;
- Quản lý dịch vụ tư vấn, hỗ trợ
phát triển thương hiệu nông lâm sản và thủy sản.
12. Thực hiện nhiệm vụ quản lý
đầu tư và xây dựng công trình theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng. Tham gia
thẩm định các chương trình, dự án đầu tư chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của
Cục.
13. Tổ chức thực hiện công tác
thống kê; xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của
Cục.
14. Thực hiện công tác chuyển đổi
số trong lĩnh vực chất lượng, ATTP, bảo quản, chế biến và phát triển thị trường
thuộc phạm vi quản lý của Cục.
15. Tổ chức, phối hợp thực hiện
nghiên cứu khoa học, thực hiện chuyển giao ứng dụng công nghệ, bảo vệ môi trường,
trong lĩnh vực chất lượng, ATTP, bảo quản, chế biến và phát triển thị trường
theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng.
16. Thực hiện hợp tác quốc tế,
hội nhập kinh tế quốc tế và các chương trình, dự án quốc tế theo phân công,
phân cấp của Bộ trưởng và quy định pháp luật.
17. Thực hiện cải cách hành
chính theo chương trình, kế hoạch, đề án cải cách hành chính của Bộ và quy định
của pháp luật.
18. Về quản lý tổ chức, hoạt động
dịch vụ công:
a) Trình Bộ cơ chế, chính sách
về cung ứng dịch vụ công; thực hiện xã hội hoá các hoạt động cung ứng dịch vụ
công; định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chí, tiêu chuẩn, cơ chế giám sát, đánh
giá, kiểm định chất lượng và các quy định về dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm
vi quản lý của Cục;
b) Hướng dẫn, kiểm tra các tổ
chức thực hiện dịch vụ công trong ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật.
19. Quản lý tổ chức bộ máy,
danh mục vị trí việc làm, biên chế, cơ cấu ngạch công chức, hạng chức danh nghề
nghiệp viên chức và hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật và phân cấp của
Bộ trưởng. Thực hiện chế độ, chính sách, thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo,
bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức, người lao động
theo theo quy định.
20. Hướng dẫn, kiểm tra đối với
hoạt động của các hội, hiệp hội trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục;
tham gia ý kiến về công nhận ban vận động thành lập hội và điều lệ hội thuộc
chuyên ngành được giao quản lý theo quy định.
21. Thực hiện công tác thanh
tra, kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật; tiếp công dân; giải quyết
khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các hành vi vi phạm
pháp luật; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo phân công, phân cấp của Bộ
trưởng.
22. Quản lý tài chính, tài sản
và các nguồn lực khác được giao; tổ chức quản lý việc thu, sử dụng phí, lệ phí
thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật.
23. Hướng dẫn, kiểm tra về
chuyên môn, nghiệp vụ đối với hệ thống chuyên ngành chất lượng, chế biến và
phát triển thị trường hoặc đơn vị đầu mối phụ trách lĩnh vực quản lý chất lượng,
chế biến và phát triển thị trường tại các địa phương.
24. Thực hiện nhiệm vụ khác
theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng.
Điều 3. Cơ
cấu tổ chức
1. Lãnh đạo Cục:
Cục Chất lượng, Chế biến và
Phát triển thị trường có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định.
a) Cục trưởng có trách nhiệm:
trình Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục;
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức tham mưu thuộc Cục; quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức có tư
cách pháp nhân thuộc Cục sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ; bổ nhiệm, miễn
nhiệm các chức danh lãnh đạo của các tổ chức trực thuộc Cục theo phân cấp của Bộ
trưởng và quy định của pháp luật;
b) Cục trưởng điều hành hoạt động
của Cục, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về hoạt động của Cục.
Phó Cục trưởng giúp Cục trưởng
theo dõi, chỉ đạo một số mặt công tác theo phân công của Cục trưởng; chịu trách
nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.
2. Các tổ chức tham mưu:
Các tổ chức tham mưu thuộc Cục
Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản và Cục Chế biến và Phát triển thị
trường nông sản được sắp xếp, tổ chức lại thành các tổ chức cấp phòng hoặc
tương đương thuộc Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, cụ thể như
sau:
a) Văn phòng Cục;
b) Phòng Kế hoạch, Tài chính;
c) Phòng Pháp chế, Thanh tra;
d) Phòng Hợp tác quốc tế và
Truyền thông;
đ) Phòng Giám sát và Đánh giá sự
phù hợp;
e) Phòng Chất lượng và Nông
nghiệp hữu cơ;
g) Phòng An toàn thực phẩm;
h) Phòng Chế biến và Bảo quản;
i) Phòng Phát triển thị trường.
3. Các cơ quan trực thuộc:
a) Chi cục Chất lượng, Chế biến
và Phát triển thị trường khu vực Nam Bộ, trụ sở đặt tại thành phố Hồ Chí Minh;
b) Chi cục Chất lượng, Chế biến
và Phát triển thị trường khu vực Trung Bộ, trụ sở đặt tại tỉnh Khánh Hòa;
c) Chi cục Chất lượng, Chế biến
và Phát triển thị trường khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, thành lập trên
cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản
vùng 1 thuộc Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản theo giai đoạn phát
triển của Cục.
4. Đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Trung tâm Chất lượng, Chế biến
và Phát triển thị trường vùng 1, trụ sở đặt tại thành phố Hải Phòng;
b) Trung tâm Chất lượng, Chế biến
và Phát triển thị trường vùng 2, trụ sở đặt tại thành phố Đà Nẵng;
c) Trung tâm Chất lượng, Chế biến
và Phát triển thị trường vùng 3, trụ sở đặt tại tỉnh Khánh Hòa;
d) Trung tâm Chất lượng, Chế biến
và Phát triển thị trường vùng 4, trụ sở đặt tại thành phố Hồ Chí Minh;
đ) Trung tâm Chất lượng, Chế biến
và Phát triển thị trường vùng 5, trụ sở đặt tại tỉnh Cà Mau;
e) Trung tâm Chất lượng, Chế biến
và Phát triển thị trường vùng 6, trụ sở đặt tại thành phố Cần Thơ;
g) Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm
chứng và Dịch vụ chất lượng, trụ sở đặt tại thành phố Hà Nội.
Tổ chức quy định tại khoản 3,
khoản 4 Điều này có con dấu, tài khoản riêng và kinh phí hoạt động theo quy định.
Điều 4. Văn
phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động
thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam)
1. Văn phòng SPS Việt Nam đặt tại
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường.
2. Văn phòng SPS Việt Nam có
Giám đốc, Phó Giám đốc do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ
nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.
3. Văn phòng SPS Việt Nam tiếp
tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo Quyết định
số 5272/QĐ-BNN-TCCB ngày 18/12/2017 của Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho đến khi Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định mới thay thế.
Điều 5. Điều
khoản chuyển tiếp
1. Thực hiện công tác hợp nhất
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản và Cục Chế biến và Phát triển
thị trường nông sản.
2. Cục Quản lý chất lượng nông
lâm sản và thủy sản và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản có nhiệm
vụ chuyển giao toàn bộ nhân sự, tài chính, tài sản hiện có của Cục vào Cục Chất
lượng, Chế biến và Phát triển thị trường.
3. Cục Chất lượng, Chế biến và
Phát triển thị trường có trách nhiệm tiếp nhận, bố trí, sắp xếp, quản lý và sử
dụng nhân sự, tài chính, tài sản của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy
sản và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản theo quy định của pháp luật.
4. Cục Chất lượng, Chế biến và
Phát triển thị trường tiếp nhận và kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của Cục
Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản và Cục Chế biến và Phát triển thị
trường nông sản kể từ ngày 15/01/2023 theo quy định của pháp luật.
5. Các Chi cục và Trung tâm thuộc
Cục tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi có quyết định
kiện toàn, sắp xếp lại của cấp có thẩm quyền.
Điều 6. Hiệu
lực và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 05/5/2023.
2. Quyết định này thay thế các Quyết
định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: số 1120/QĐ-BNN-TCCB ngày 31/3/2017 quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý chất lượng nông lâm
sản và thuỷ sản; số 2937/QĐ-BNN-TCCB ngày 03/8/2020
sửa đổi Điều 3 Quyết định số 1120/QĐ-BNN-TCCB ngày 31/3/2017; số 1348/QĐ-BNN-TCCB ngày 11/4/2017 quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Chế biến và Phát triển thị
trường nông sản; số 5009/QĐ-BNN-TCCB ngày 30/11/2017
sửa đổi khoản 3 Điều 3 Quyết định số 1348/QĐ-BNN-TCCB ngày 11/4/2017; bãi bỏ Quyết
định số 260/QĐ-BNN-TCCB ngày 16/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn về việc thực hiện công tác hợp nhất Cục Quản lý chất lượng nông
lâm sản và thuỷ sản và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thành Cục
Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường.
3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng
Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường
và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Bộ trưởng Lê Minh Hoan;
- Các Thứ trưởng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Nội vụ; Tư pháp; Công Thương; Bộ Y tế;
- UBND, Sở NN và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Đảng ủy Bộ;
- Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Đoàn Thanh niên cơ quan Bộ;
- Công đoàn Bộ;
- Lưu: VT, TCCB.
|
BỘ TRƯỞNG
Lê Minh Hoan
|