Nghị định 92/2002/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Di sản văn hoá

Số hiệu 92/2002/NĐ-CP
Ngày ban hành 11/11/2002
Ngày có hiệu lực 26/11/2002
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 92/2002/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2002

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 92/2002/NĐ-CP NGÀY 11 THÁNG 11 NĂM 2002 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DI SẢN VĂN HOÁ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Di sản văn hoá ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Di sản văn hoá, bao gồm việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể và di sản văn hoá vật thể; việc mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; tổ chức và hoạt động của bảo tàng; trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện Luật Di sản văn hoá; việc khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân phát hiện và giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Điều 2. Di sản văn hoá phi vật thể và di sản văn hoá vật thể

1. Di sản văn hoá phi vật thể bao gồm:

a) Tiếng nói, chữ viết;

b) Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học quy định tại Điều 747 của Bộ luật Dân sự về các loại hình tác phẩm được bảo hộ có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học;

c) Ngữ văn truyền miệng bao gồm thần thoại, tục ngữ, ngạn ngữ, thành ngữ, câu đố, ngụ ngôn, ca dao, truyện thơ dân gian, sử thi, trường ca, văn tế, lời khấn và các hình thức ngữ văn truyền miệng khác;

d) Diễn xướng dân gian bao gồm âm nhạc, múa, sân khấu, trò nhại, giả trang, diễn thời trang, diễn người đẹp, hát đối, trò chơi và các hình thức diễn xướng dân gian khác;

đ) Lối sống, nếp sống thể hiện qua khuôn phép ứng xử - đối nhân - xử thế: luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ trong ứng xử với tổ tiên, với ông bà, với cha mẹ, với thiên nhiên, ma chay, cưới xin, lễ đặt tên, hành động và lời chào - mời và các phong tục, tập quán khác;

e) Lễ hội truyền thống bao gồm lễ hội có nội dung đề cao tinh thần yêu nước, yêu thiên nhiên, lòng tự hào dân tộc, truyền thống chống ngoại xâm, tôn vinh các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá, ca ngợi tinh thần cần cù lao động sáng tạo của nhân dân, đề cao lòng nhân ái, khát vọng tự do, hạnh phúc, tinh thần đoàn kết cộng đồng;

g) Nghề thủ công truyền thống;

h) Tri thức văn hoá dân gian bao gồm tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hoá ẩm thực, về thiên nhiên và kinh nghiệm sản xuất, về binh pháp, về kinh nghiệm sáng tác văn nghệ (học thuật), về trang phục truyền thống, về đất, nước, thời tiết, khí hậu, tài nguyên, về sông, biển, núi, rừng và các tri thức dân gian khác.

2. Di sản văn hoá vật thể bao gồm di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh (sau đây gọi là di tích), di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

3. Giá trị đặc biệt quý hiếm của bảo vật quốc gia được thể hiện bằng các tiêu chí sau đây:

a) Hiện vật nguyên gốc, độc bản;

b) Hình thức độc đáo;

c) Có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học thể hiện:

- Là vật chứng của một sự kiện lớn hoặc gắn bó với cuộc sống, sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân kiệt xuất;

- Là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng - nhân văn, giá trị thẩm mỹ và hình thức thể hiện tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại;

- Là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định;

d) Được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia.

Điều 3. Chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá

Nhà nước bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá thông qua các chính sách sau đây:

[...]