Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Quyết định 156/2003/QĐ-BCN ban hành Quy phạm an toàn Nhà máy Tuyển than do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành

Số hiệu 156/2003/QĐ-BCN
Ngày ban hành 02/10/2003
Ngày có hiệu lực 25/10/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp
Người ký Đỗ Hữu Hào
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ CÔNG NGHIỆP
 *******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
             *******

 Số: 156/2003/QĐ-BCN

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY PHẠM AN TOÀN NHÀ MÁY TUYỂN THAN

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Xét đề nghị của Tổng Công ty Than Việt Nam tại Tờ trình số 04/TTr-KCM ngày 26 tháng 9 năm 2003 về việc xin trình duyệt ban hành Quy phạm an toàn Nhà máy Tuyển than;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn công nghiêp,

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy phạm an toàn Nhà máy Tuyển than.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Tổng giám đốc Tổng Công ty Than Việt Nam và các Tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

                             
Nơi nhận:                                        
- Như Điều 3,
- Bộ CN: BT, các TT,
- Văn phòng Chính phủ,
- Các Bộ: Tài chính, KH và ĐT,
  KHCN, CA, LĐTB&XH, Y tế,
- Công báo,                                           
- Lưu VP, KTAT.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hữu Hào

 

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy phạm an toàn Nhà máy Tuyển than (sau đây gọi tắt là Nhà máy) được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực tuyển than, nghiên cứu, quy hoạch, thiết kế, lắp đặt, sửa chữa thiết bị công trình hoặc kiểm tra, thanh tra, tham quan, đào tạo, học tập có liên quan tới Nhà máy.

Điều 2. Việc quy hoạch, thiết kế, xây dựng hoặc cải tạo Nhà máy phải thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về quy hoạch, thiết kế, xây dựng, an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường.

Điều 3. Máy móc, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng của Nhà máy phải được thiết kế, lắp đặt và định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa theo các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động.

Thiết bị và công nghệ mới của Nhà máy khi nhập khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, vệ sinh lao động và môi trường theo quy định hiện hành.

Điều 4. Người được phân công theo dõi công tác an toàn, vệ sinh công nghiệp, bảo vệ môi trường phải có trình độ đại học theo ngành nghề thích hợp, có ít nhất 03 (ba) năm làm việc trong lĩnh vực tuyển than. Nếu là trung học kỹ thuật thời gian làm việc trong lĩnh vực tuyển than ít nhất phải là 05 (năm) năm.

Điều 5. Khi thiết kế đường vận chuyển trong khu vực Nhà máy, phải giảm thiểu sự giao cắt đồng mức giữa đường ô tô và đường sắt. Trường hợp có giao cắt phải có các biện pháp để phòng ngừa tai nạn xảy ra.

Các đường ống dẫn nước, dầu, khí giao cắt với đường sắt, đường ôtô phải được đặt trong vỏ chịu lực. Nghiêm cấm việc để các đường ống này chịu lực trực tiếp của các phương tiện vận chuyển.

Điều 6. Phải thiết kế riêng biệt thang máy chở người và thang máy chở nguyên, vật liệu. Trường hợp cần dùng thang máy đồng thời chở người và nguyên vật liệu phải được phép của Giám đốc Nhà máy (sau đây gọi là Giám đốc) hoặc người được Giám đốc uỷ quyền và phải bố trí người chỉ huy.

Điều 7. Khi thiết kế các công trình ngầm, phải thiết kế hố tập trung nước và có bơm thoát nước đảm bảo tiêu hết lượng nước tập trung, không được để nước ngập úng trong công trình ngầm.

Điều 8. Người lao động làm việc tại Nhà máy phải có đủ sức khoẻ theo quy định hiện hành của Bộ Y tế và phải được đào tạo nghề nghiệp, huấn luyện về kỹ thuật an toàn - vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường theo chương trình quy định.

Hàng năm, người lao động trong Nhà máy phải được khám sức khoẻ định kỳ. Người không đủ sức khoẻ theo tiêu chuẩn quy định đối với công việc đang đảm nhận phải được chuyển sang làm công việc khác phù hợp.

Điều 9. Hàng năm, Giám đốc phải tổ chức huấn luyện và kiểm tra, sát hạch lại về kỹ thuật an toàn - vệ sinh lao động cho tất cả người lao động của Nhà máy. Giám đốc chỉ giao công việc cho người lao động sau khi kết quả kiểm tra đạt yêu cầu trở lên.

Điều 10. Khi thay đổi công nghệ sản xuất, Giám đốc phải xây dựng quy trình kỹ thuật vận hành, nội quy an toàn phù hợp với điều kiện sản xuất và công nghệ mới và huấn luyện cho người lao động theo quy định tại Điều 8 của Quy phạm này.

Trường hợp người lao động vi phạm các quy trình, quy phạm, nội quy an toàn hoặc rời khỏi công việc đang làm quá 06 (sáu) tháng phải được huấn luyện và kiểm tra lại. Giám đốc chỉ bố trí người lao động làm việc lại sau khi kết quả kiểm tra đạt yêu cầu.

Điều 11. Giám đốc phải trang bị cho người lao động phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp với điều kiện làm việc và yêu cầu an toàn theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Người lao động chỉ được làm các công việc đã được phân công tại vị trí quy định, đồng thời phải thực hiện đầy đủ nội quy an toàn - vệ sinh lao động. Quản đốc phân xưởng có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện nội quy an toàn - vệ sinh lao động của người lao động.

Điều 12. Khi xảy ra cháy nổ, người lao động phải nhanh chóng thoát ra khỏi vị trí nguy hiểm, đồng thời báo ngay cho bộ phận phòng chống cháy, nổ của Nhà máy hoặc các tổ chức phòng chống cháy, nổ đóng ở vị trí gần nhất và tích cực tham gia chữa cháy theo phương án đã định.

[...]