QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN DẠY HỌC NGOẠI NGỮ
TRONG CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2007- 2015
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14
tháng 6 năm 2005;
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo
dục và Đào tạo tại Công văn số 1962/GDTrH ngày 17/3/2005 về thực hiện dạy học
tiếng nước ngoài; số 6470/BGD&ĐT-GTTrH ngày 07/8/2006 về hướng dẫn thực hiện
nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2006 - 2007; số 9893/BGD&ĐT-GDTrH ngày
06/9/2006 về hướng dẫn dạy học ngoại ngữ;
Xét đề nghị của Sở Giáo dục
và Đào tạo tại Tờ trình số 965/SGDĐT ngày 13/8/2007;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án dạy học ngoại ngữ trong các
trường phổ thông tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2007 - 2015 với các nội dung chủ yếu
sau:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung:
- Khắc phục bất hợp lý trong
quy hoạch dạy học ngoại ngữ hiện tại bằng cách thống nhất tổ chức dạy - học tiếng
Anh là ngoại ngữ 1 liên thông THCS-THPT trong tỉnh theo tinh thần Luật Giáo dục
và chỉ đạo của Bộ GD & ĐT.
- Từng bước thực hiện việc dạy
tự chọn các môn ngoại ngữ tiếng Pháp, Trung, Nga, Nhật… nhằm đáp ứng nhu cầu
người học và xu hướng tăng cường phát triển dạy - học ngoại ngữ trong các nhà
trường.
- Tiếp tục thực hiện dạy - học
ngoại ngữ tiếng Anh cho học sinh các lớp cuối ở bậc tiểu học theo sự chỉ đạo của
Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Đảm bảo điều kiện giáo viên
và cơ sở vật chất theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả dạy học ngoại ngữ nhằm
đáp ứng kịp thời nhu cầu hội nhập và phát triển kinh tế và xã hội của địa
phương và đất nước.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Giai đoạn 2007 - 2010 (3
năm): Hoàn thành việc tổ chức dạy tiếng Anh ngoại ngữ 1 (bắt buộc) theo chương
trình 7 năm (từ 2007 đến 2009). Hoàn thành việc đào tạo văn bằng 2 cho giáo
viên tiếng Pháp còn tuổi học (2007 - 2010). Triển khai dạy tiếng Pháp là môn học
tự chọn ở các trường có giáo viên. Thành lập một số trung
tâm ngoại ngữ - tin học trong tỉnh.
- Giai đoạn 2011 - 2015 (5 năm):
Bên cạnh tiếng Anh là ngoại ngữ 1 (bắt buộc), tiếng Pháp tự chọn, tiếp tục triển
khai dạy mở rộng các môn ngoại ngữ tự chọn khác như tiếng Nga, Trung, Nhật theo
nhu cầu học sinh THCS và THPT.
+ Thí điểm dạy song ngữ, dạy một số
môn khoa học bằng ngoại ngữ ở những trường THPT có cơ sở vật chất và đội ngũ chất
lượng cao.
+ Sau năm 2015 các trường THCS,
THPT trong tỉnh sẽ triển khai dạy học 2 ngoại ngữ, trong đó có 1 ngoại ngữ tiếng
Anh bắt buộc, 1 ngoại ngữ khác tự chọn.
2. Các giải pháp chủ yếu:
a) Quy hoạch lại việc dạy học
ngoại ngữ trong các nhà trường phổ thông trong tỉnh theo hướng:
- Tiếng Anh ngoại ngữ 1 được dạy
liên thông hai cấp THCS và THPT.
- Tiếng Pháp và các ngoại ngữ
khác là môn học tự chọn ở các trường phổ thông.
Cụ thể: Từ năm học 2007 - 2008, toàn bộ học sinh lớp 10 THPT toàn tỉnh học
ngoại ngữ 1 là môn Tiếng Anh, Tiếng Pháp là môn học tự chọn ở những trường có
điều kiện và học sinh có nhu cầu.
-
Tiếp tục dạy tiếng Anh tự chọn khối lớp 3 - 4 - 5 ở các trường tiểu học trong tỉnh.
b) Về đội ngũ giáo viên ngoại
ngữ:
- Ngay từ năm học 2007 - 2008:
Mở lớp đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh theo phương thức vừa học vừa làm cho giáo
viên tiếng Pháp đang dạy ở các trường học, để các giáo viên này dạy được tiếng
Anh. Tỉnh bố trí kinh phí, mở lớp. Người học được hưởng chế độ theo quy định.
- Tuyển dụng vào biên chế ngay
trong năm học 2007 - 2008 các giáo viên tiếng Pháp (2 giáo viên) đang dạy hợp đồng;
tạm dừng hợp đồng giáo viên tiếng Pháp trong các năm tiếp theo.
- Thí điểm đào tạo giáo viên dạy
ngoại ngữ 2 tại Trường CĐSP Hưng Yên để từng bước đáp ứng nguồn giáo viên dạy
các môn ngoại ngữ tự chọn trong các trường THCS.
- Tạo điều kiện, khuyến khích
giáo viên tham gia bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, học nâng cao trình độ với các hình
thức đa dạng phù hợp.
- Tạo điều kiện, khuyến khích
các giáo viên tốt nghiệp hệ tại chức tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng đạt
văn bằng tương đương văn bằng chính quy nhằm nâng cao năng lực chuyên môn.
- Tổ chức cho cán bộ quản lý,
giáo viên ngoại ngữ đi tham quan, học tập ở nước ngoài.
c) Đầu tư kinh phí tăng cường
cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học ngoại ngữ.
- Giai đoạn 1 (năm 2007 -
2010):
+ Tỉnh đầu tư đảm bảo các trường
THCS, THPT có đủ máy cát sét/ máy chạy đĩa chất lượng tốt để phục vụ dạy kỹ
năng nghe. Cung cấp đủ kinh phí mua sắm sách tham khảo, băng đĩa, tranh ảnh. Tỉnh
đầu tư cho 5 trường THPT ở 5 khu vực trung tâm mỗi trường 1 phòng học ngoại ngữ.
+ Tổng kinh phí giai đoạn 1:
2.013 triệu đồng.
- Giai đoạn 2 (năm 2011-2015):
+
Tỉnh đầu tư cho các trường THCS chất lượng cao, các trường THPT còn lại mỗi trường
có 1 phòng học ngoại ngữ, hệ thống máy tính nối mạng cho học sinh sử dụng.
+ Tổng kinh phí giai đoạn 2:
4.350 triệu đồng.
d) Đa dạng hóa, xã hội hóa việc
dạy - học ngoại ngữ:
Thành lập Trung tâm ngoại ngữ
trong trường CĐSP để đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ của trường và của xã hội.
Đẩy mạnh phong trào học nhiều
ngoại ngữ, thành lập các trung tâm ngoại ngữ tại các đơn vị, tổ chức, các trường
chuyên nghiệp trong tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ cho học sinh và người
lao động trên địa bàn tỉnh.
Mở rộng môi trường giao tiếp tiếng
nước ngoài cho giáo viên, học sinh tỉnh Hưng Yên từ nhiều nguồn khác nhau trong
nhà trường, ngoài xã hội.
e) Tăng cường công tác quản lý,
tổ chức dạy - học ngoại ngữ:
-
Ngay trong năm học 2007 - 2008: Rà soát lại chất lượng giáo viên ngoại ngữ: các
giáo viên dạy tiếng Anh tự chọn ở Tiểu học không đảm bảo yêu cầu giảng dạy sẽ
không được tiếp tục hợp đồng; giáo viên tiếng Anh THCS, THPT được phân loại để
bồi dưỡng.
- Thực hiện tốt kỷ cương nề nếp;
tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.
- Tích cực tổ chức các hoạt động
ngoại khoá như câu lạc bộ, sinh hoạt văn nghệ bằng ngoại ngữ, nhằm giúp học
sinh học tập hứng thú, có cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp.
- Mời chuyên gia, tình nguyện
viên người nước ngoài đến giảng dạy tại trường THPT Chuyên và các đơn vị có điều
kiện.
- Củng cố tổ chức, đầu tư tăng
cường trang thiết bị nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo của khoa ngoại ngữ trường
CĐSP Hưng Yên; liên kết đào tạo giữa ngành Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên với trường
Đại học Chu Văn An và các trường đại học khác trên địa bàn.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ
trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan có trách nhiệm:
a) Tổ chức triển khai thực hiện
Đề án dạy - học ngoại ngữ trong các nhà trường phổ thông trong tỉnh; tổ chức kiểm
tra, đánh giá và tổng hợp kết quả định kỳ báo cáo UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và
Đào tạo.
b)
Tổ chức lớp đào tạo văn bằng 2 cho các giáo viên tiếng Pháp theo phương thức vừa
học vừa làm, khai giảng từ tháng 10 năm 2007 tại trường Đại học Chu Văn An.
c) Hướng dẫn trường Cao đẳng sư
phạm thực hiện tốt việc đào tạo bồi dưỡng các loại hình giáo viên ngoại ngữ.
d) Hướng dẫn UBND các huyện, thị
xã, các phòng Giáo dục, các trường và các cơ sở giáo dục thực hiện Đề án dạy học
ngoại ngữ trong các nhà trường trên phạm vi toàn tỉnh.
2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp
với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch phân bổ
kinh phí và huy động các nguồn lực khác triển khai thực hiện các nội dung của Đề
án; đồng thời đề xuất chế độ cho giáo viên dạy ngoại ngữ môn tự chọn, trình
HĐND, UBND tỉnh xem xét, quyết định.
3. Sở Nội vụ phối hợp với Sở
Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc thành lập Trung tâm ngoại ngữ thuộc các đơn
vị và tổ chức trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định hiện hành.
4. Uỷ ban nhân dân các huyện,
thị xã có trách nhiệm:
a) Tổ chức phổ biến, quán triệt
Đề án dạy học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục đào tạo, trong nhân dân và
trong các cấp chính quyền và đoàn thể xã hội.
b) Chỉ đạo Phòng giáo dục triển
khai thực hiện có hiệu quả Đề án dạy học ngoại ngữ trong các nhà trường thuộc địa
bàn quản lý.
c) Định kỳ tổng kết rút kinh
nghiệm, kịp thời đề xuất với tỉnh về chế độ chính sách cho việc tổ chức dạy học
ngoại ngữ trong các nhà trường.
5. Các cơ sở giáo dục đào tạo
có trách nhiệm:
a) Tổ chức nghiên cứu, quán triệt,
triển khai Đề án dạy học ngoại ngữ thuộc phạm vi cụ thể của nhà trường.
b) Vận động giáo viên ngoại ngữ
đi học nâng cao trình độ chuyên môn ngoại ngữ 1, tích cực học ngoại ngữ 2 để
tham gia có hiệu quả việc dạy ngoại ngữ là môn học tự chọn trong các nhà trường
hiện nay.
c) Chăm lo các điều kiện để
nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học ngoại ngữ trong các nhà trường.
d) Thực hiện tổng kết, báo cáo
định kỳ với các cơ quan quản lý các cấp về tình hình thực hiện Đề án dạy học
ngoại ngữ trong các nhà trường.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Ông Chánh Văn
phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành: Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Kế hoạch
và Đầu tư, Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã;
Hiệu trưởng các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh
và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.