Kế hoạch 63/KH-UBND năm 2013 ngày thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020" tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 63/KH-UBND
Ngày ban hành 08/11/2012
Ngày có hiệu lực 08/11/2012
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Lê Văn Dung
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 08 tháng 11 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN "DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN GIAI ĐOẠN 2008-2020" TỈNH NINH BÌNH

Phần 1.

THỰC TRẠNG VIỆC DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ Ở TỈNH NINH BÌNH HIỆN NAY

1. Quy mô và cơ cấu dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục

Các cơ sở giáo dục của tỉnh có dạy và học ngoại ngữ gồm: 151 trường Tiểu học, 143 trường THCS, 27 trường THPT, 8 Trung tâm GDTX, 01 trung tâm Tin học ngoại ngữ, 01 trường Trung cấp chuyên nghiệp, 01 trường Cao đẳng, 01 trường Đại học và 05 trường trung cấp nghề, 01 trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh. Ngoại ngữ được dạy chủ yếu là Tiếng Anh. Chỉ có trường THPT chuyên Lương Văn Tụy có 02 lớp học Tiếng Nga, 03 lớp học Tiếng Pháp với 121 học sinh (chiếm 121/29300 = 0,4% số học sinh THPT) (xem phụ lục 4).

Cấp THCS và THPT dạy và học theo chương trình Ngoại ngữ bắt buộc 7 năm hoặc 3 năm (ở một số lớp cấp THPT) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ở cấp Tiểu học và các ngành học, cấp học còn lại được học theo chương trình Tiếng Anh tự chọn (xem phụ lục 1). Tỉnh Ninh Bình bắt đầu dạy thí điểm dạy Tiếng Anh theo chương trình mới từ lớp 3 ở 1 lớp (trường Tiểu học Kim Định, huyện Kim Sơn) từ năm học 2010 - 2011, dạy ở 37 lớp 3 của 11 trường từ năm học 2011 - 2012 theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Chất lượng dạy học ngoại ngữ

- Nhìn chung, chất lượng dạy và học ngoại ngữ của tỉnh chưa cao. Kết quả thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh: Tỉ lệ học sinh từ điểm 5 trở lên còn thấp (năm 2009: 55,48%, năm 2010: 62%, năm 2011 là 89,5%). Các môn Tiếng Nga, Tiếng Pháp có kết quả cao hơn.

- Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh: Chất lượng giải chưa cao, số lượng giải chưa nhiều (năm 2009: 1 giải ba, 2 giải KK; năm 2010: 3 giải ba, 2 giải KK, năm 2011: 1 giải ba, năm 2012: 1 giải nhất, 1 giải ba, 1 giải KK).

3. Đội ngũ giáo viên ngoại ngữ

3.1. Giáo viên Tiếng Anh:

- Số giáo viên Tiếng Anh có bằng cấp đạt chuẩn và trên chuẩn cao nhưng đa số đề được đào tạo ở loại hình không chính quy (tại chức, văn bằng 2). Riêng ở giáo dục phổ thông có 696 giáo viên Tiếng Anh, trong đó học và tốt nghiệp các loại hình đào tạo ngoài chính quy là: cấp Tiểu học: 79,7%; cấp THCS: 79,8%; cấp THPT: 33,3%. Năng lực của giáo viên Tiếng Anh phổ thông theo kết quả khảo sát, đánh giá do công ty IIG Việt Nam thực hiện vào tháng 7/2011 cho 1/3 số giáo viên Tiếng Anh toàn tỉnh như sau:

Cấp học

Tổng

C1

B2

B1

A2

A1

Dưới A1

THPT

59

8

12

34

5

0

0

THCS

81

0

0

29

43

9

0

Tiểu học

84

1

0

15

44

21

3

Cộng

224

9

12

78

92

30

3

Tỉ lệ %

4.02

5.36

34.82

41.07

13.39

1.34

- So với KNLNN (Khung năng lực ngoại ngữ) Châu Âu cấp THPT mới có 8 giáo viên đạt trình độ C1 và cấp TH có 1 giáo viên đạt trình độ C1 đáp ứng được yêu cầu quy định, cấp THCS chưa có giáo viên nào đạt trình độ B2 theo yêu cầu theo quy định.

- Nghiệp vụ sư phạm của giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học còn hạn chế: 100% giáo viên được đào tạo để dạy cấp THCS và THPT. Có 68/187 giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học bước đầu được đào tạo, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho học sinh Tiểu học.

- Hệ thống trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh thuộc Sở Lao động - Thương bình và Xã hội quản lý hiện có 5 trường, có 01 trường đã hoạt động và dạy nghề dài hạn và có 02 giáo viên Tiếng Anh.

- Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình có 6 giáo viên Tiếng Anh đều có trình độ Thạc sĩ (trong đó có 02 giáo viên học Đại học tại chức); Trường Đại học Hoa Lư có 13 giảng viên Tiếng Anh, đều tốt nghiệp đại học chính quy (8 người đã và đang học Cao học).

3.2. Giáo viên Tiếng Nga, Tiếng Pháp toàn tỉnh là 57 người, trong đó 51 người đã học văn bằng 2 Tiếng Anh và chuyển sang dạy tiếng Anh. Chỉ còn số ít tại trường THPT chuyên Lương Văn Tụy là dạy Tiếng Nga, Tiếng Pháp và một số giáo viên khác không tham gia giảng dạy. Những giáo viên này đều tốt nghiệp hệ chính quy, đạt chuẩn và trên chuẩn, có năng lực và trình độ khá tốt.

4. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngoại ngữ

Trong các năm học gần đây, giáo dục phổ thông tỉnh Ninh Bình đã thực hiện đầu tư mua sắm thiết bị dạy học tốt thiểu phục vụ đổi mới nội dung chương trình, nội dung sách giáo khoa theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên trong danh mục thiết bị dùng để dạy và học ngoại ngữ chỉ có các loại tranh, ảnh, băng đĩa và một số thiết bị dùng chung như đài cassette, đầu DVD, tivi, máy chiếu, máy vi tính; số lượng thiết bị đã đầu tư cũng dừng lại ở mức tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Cơ sở vật chất dạy và học ngoại ngữ còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới dạy và học môn ngoại ngữ. Tất cả các trường Tiểu học và THCS đều không có phòng học tiếng chuyên dụng dùng để dạy ngoại ngữ, cấp THPT chỉ có 02/27 trường có phòng học tiếng. 100% các trường Tiểu học, THCS, THPT chưa có phòng học đa phương tiện phục vụ dạy và học môn ngoại ngữ (phụ lục 3). Các điều kiện phục vụ dạy học tương tác như thiết bị đa phương tiện, phần mềm phục vụ dạy học tương tác chưa được đầu tư tại các trường học. Cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học ngoại ngữ của Khoa Ngoại ngữ và Tin học thuộc Đại học Hoa Lư, Trung tâm Tin học và Ngoại ngữ thuộc Sở, nhất là các trường trung cấp nghề thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới dạy và học ngoại ngữ.

Đánh giá chung: Việc triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020" ban hành theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020) của tỉnh Ninh Bình có những thuận lợi và khó khăn chính sau:

Về thuận lợi:

- Đối với giáo dục phổ thông, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia khá cao, nhất là ở cấp Tiểu học, là điều kiện cơ bản về cơ sở vật chất và đội ngũ, trong đó có đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đã được phủ kín ở các cấp học phổ thông, là một điều kiện để triển khai thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020.

- Nền kinh tế của tỉnh đang phát triển mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó có ngành du lịch đang được đầu tư và có tiềm năng phát triển mạnh, tạo môi trường và nhu cầu tất yếu đòi hỏi nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong thời gian tới.

Về khó khăn:

[...]