ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH AN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1512/QĐ-UBND
|
An Giang, ngày
02 tháng 6 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ MỨC HỖ TRỢ CHI PHÍ KHÁM, CHỮA
BỆNH TỪ QUỸ KHÁM, CHỮA BỆNH CHO NGƯỜI NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương được
Quốc hội thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15
tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc Khám chữa bệnh cho người
nghèo;
Căn cứ Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01
tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của
Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15 ngày 10 tháng 2002 của Thủ tướng Chính phủ
về khám, chữa bệnh cho người nghèo;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
33/2013/TTLT-BYT-BTC ngày 18 tháng 10 năm 2013 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính
về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01 tháng
3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết
định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về
khám, chữa bệnh cho người nghèo;
Căn cứ Quyết định số 488/QĐ-UBND ngày 08
tháng 4 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thành lập Ban Quản lý và Ban Tổ chức
điều hành trực tiếp Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo tỉnh;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình
số 2879/TTr-SYT ngày 14/12/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về
trình tự, thủ tục và mức hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh từ Quỹ khám, chữa bệnh
cho người nghèo trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2. Giao Sở Y tế là
cơ quan thường trực (Ban Quản lý Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo tỉnh) chủ
trì, phối hợp các sở, ngành liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ
theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 33/2013/TTLT-BYT-BTC ngày 18 tháng 10
năm 2013 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện
Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về
việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15
tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo.
Định kỳ báo
cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế theo quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Tài chính, Ban Quản lý Quỹ khám chữa
bệnh cho người nghèo tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Y tế;
- Thường trực TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- VP Tỉnh ủy;
- UBND các huyện, thị, TP;
- Lãnh đạo VP.UBND tỉnh;
- Phòng: VHXH, TH;
- Lưu: HC-TC.
|
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thanh Bình
|
QUY ĐỊNH
VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ MỨC HỖ TRỢ CHI PHÍ KHÁM, CHỮA BỆNH TỪ
QUỸ KHÁM, CHỮA BỆNH CHO NGƯỜI NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1512/QĐ-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2016 của
UBND tỉnh An Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng
Quy định này bao gồm các đối tượng được hỗ trợ; các chế độ hỗ trợ một phần
chi phí trong khám, chữa bệnh; định mức hỗ trợ; trình tự, hồ sơ, thủ tục, định
mức; đơn vị tiếp nhận hồ sơ, thủ tục; phương thức hỗ trợ và thanh toán; lập dự
toán, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí khám, chữa bệnh cho người
nghèo trên địa bàn tỉnh An Giang.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 2. Các đối tượng được
hỗ trợ
1. Người thuộc hộ nghèo theo quy định
hiện hành.
2. Đồng bào dân tộc thiểu số đang
sinh sống ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn theo
quy định tại Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng
Chính phủ về Ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (theo
danh sách tại Phụ lục 01 đính kèm)
3. Người thuộc diện được hưởng trợ
cấp xã hội hàng tháng và người đang được nuôi dưỡng tại
các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.
4. Người thuộc diện hộ cận nghèo theo quy định
hiện hành, mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo (lọc thận chu kỳ, thẩm phân
phúc mạc), mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả
năng chi trả viện phí. Riêng đối với các bệnh khác, giao Giám đốc Sở Y tế
căn cứ các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương tham mưu Ủy ban nhân dân
tỉnh ban hành Quyết định bổ sung danh mục cụ thể cho các loại bệnh khác.
Điều 3. Các chế độ hỗ trợ
1. Hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng
quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 2 của
Quy định này khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ bệnh
viện tuyến huyện trở lên với mức 3% lương tối thiểu chung/người bệnh/ngày (ví dụ: theo Nghị định số
47/2016/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực ngày 15/7/2016 quy định mức lương tối
thiểu chung là 1.210.000 đồng nhân với 3% mức hỗ trợ tiền ăn là 36.300 đồng/người
bệnh/một ngày).
2. Hỗ trợ tiền
đi lại từ nhà đến bệnh viện, từ bệnh viện về nhà và chuyển bệnh viện cho các đối tượng quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 2
của Quy định này khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà
nước từ tuyến huyện trở lên, các trường hợp cấp cứu, tử vong hoặc bệnh quá nặng
và người nhà có nguyện vọng đưa về nhà nhưng không được bảo hiểm y tế hỗ trợ.
a. Trường hợp
sử dụng phương tiện vận chuyển của cơ sở y tế Nhà nước:
Thanh toán chi phí vận chuyển cả chiều đi và về cho cơ sở y tế chuyển người bệnh
theo mức bằng 0,2 lít xăng, dầu diezel/km theo khoảng cách vận chuyển thực tế;
giá xăng, dầu tại thời điểm sử dụng và chi phí cầu, phà, đường bộ khác (nếu
có). Nếu có nhiều hơn một người bệnh cùng được vận chuyển trên một phương tiện
thì mức thanh toán chỉ được tính như đối với vận chuyển một người bệnh.
b. Trường hợp không sử dụng phương
tiện vận chuyển của cơ sở y tế Nhà nước: Thanh toán chi phí vận chuyển một chiều
đi cho người bệnh theo mức bằng 0,2 lít xăng, dầu diezel/km cho một chiều đi
tính theo khoảng cách vận chuyển thực tế và giá xăng, dầu tại thời điểm sử dụng.
3. Hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh,
chữa bệnh bảo hiểm y tế mà các đối tượng quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 2 của
Quy định này phải đồng chi trả theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn
bản hướng dẫn Luật đối với phần người bệnh phải đồng chi trả từ 100.000 đồng (Một
trăm ngàn đồng) trở lên.
4. Hỗ trợ thanh toán một phần chi
phí khám bệnh, chữa bệnh cho đối tượng quy định tại Khoản 4 Điều 2 của Quy định
này đối với phần người bệnh phải chi trả cho cơ sở y tế của Nhà nước từ
1.000.000 đồng (Một triệu đồng) trở lên cho một đợt khám bệnh, chữa bệnh trong
trường hợp không có bảo hiểm y tế; nếu có bảo hiểm y tế thì hỗ trợ như Khoản 3
Điều 3 của Quy định này.
5. Trường hợp người bệnh tự lựa chọn
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (trái tuyến, vượt tuyến) hoặc khám bệnh, chữa bệnh
theo yêu cầu thì thực hiện việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo
quy định hiện hành.
Điều 4. Định mức
hỗ trợ
1. Mức hỗ trợ cụ thể cho các đối
tượng quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 2 của Quy định này thực hiện theo quy định
như Điều 3 của Quy định này.
2. Mức hỗ trợ thanh toán một phần
chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho đối tượng quy định tại Khoản 4 Điều 2 của Quy
định này cụ thể như sau:
- Đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm
y tế: Hỗ trợ 50% chi phí khám, chữa bệnh phần do người bệnh phải đồng chi trả
theo quy định từ 100.000 đồng trở lên nhưng tối đa không quá 10.000.000 (Mười
triệu) đồng/người/lần hỗ trợ và không quá 02 lần/người/năm.
- Đối với người bệnh không có thẻ
bảo hiểm y tế: Hỗ trợ 20% chi phí khám, chữa bệnh phần người bệnh chi trả theo
quy định từ 1.000.000 đồng trở lên nhưng tối đa không quá 5.000.000 (Năm triệu)
đồng/người/lần hỗ trợ và không quá 02 lần/người/năm.
Điều 5. Trình
tự, hồ sơ và thủ tục:
1. Hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng tại
Khoản 1, 2 Điều 2 Quy định này:
- Lãnh đạo các Khoa điều trị nội
trú tại các bệnh viện Nhà nước từ tuyến huyện trở lên căn cứ vào các giấy tờ
liên quan chứng minh đối tượng là hộ nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc vùng
khó khăn: Thẻ bảo hiểm y tế, Sổ hộ nghèo, Sổ hộ khẩu (đối với người dân tộc thiểu
số vùng khó khăn) để lập danh sách đề nghị hỗ trợ gửi Phòng Tài chính Kế toán
thẩm tra trình lãnh đạo bệnh viện phê duyệt (Phụ lục 02). Căn cứ theo danh sách
được duyệt, Phòng Tài chính Kế toán của nơi điều trị thực hiện chi trả theo quy
định cho đối tượng thụ hưởng khi ra viện
2. Hỗ trợ tiền đi lại cho đối tượng
tại Khoản 1, 2 Điều 2 Quy định này:
a. Trường hợp sử dụng phương tiện
của Nhà nước:
- Đối với trường hợp chuyển viện,
lãnh đạo các Khoa điều trị nội trú tại các bệnh viện Nhà nước từ tuyến huyện trở
lên căn cứ vào các giấy tờ liên quan chứng minh đối tượng là hộ nghèo, người
dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn: Giấy chuyển viện, Lệnh điều xe, Thẻ bảo
hiểm y tế, Sổ hộ nghèo, Sổ hộ khẩu (đối với người dân tộc thiểu số vùng khó
khăn) để lập danh sách đề nghị hỗ trợ gửi Phòng Tài chính Kế toán thẩm tra
trình lãnh đạo bệnh viện phê duyệt (Phụ lục 03). Căn cứ theo danh sách được duyệt,
Phòng Tài chính Kế toán thực hiện thanh toán chi trả theo quy định cho bệnh viện
.
- Đối với các trường hợp cấp cứu,
tử vong hoặc bệnh quá nặng và người nhà có nguyện vọng đưa về nhà nhưng không
được bảo hiểm y tế hỗ trợ: Ngoài các giấy tờ nêu trên, các đối tượng có đơn xin
hỗ trợ (Phụ lục 05) gửi Trưởng Khoa điều trị xác nhận trình lãnh đạo bệnh viện
phê duyệt. Bệnh viện lập danh sách (theo Phụ lục 04) và kèm bản sao các giấy tờ
liên quan gửi Phòng Tài chính Kế toán nơi điều trị thực hiện thanh toán chi trả
cho bệnh viện theo quy định.
b. Trường hợp không sử dụng phương
tiện của Nhà nước:
- Các đối tượng được hỗ trợ chi
phí khám, chữa bệnh tại Khoản 1, 2, Điều 2 của Quy định này nộp đơn xin hỗ trợ
tiền đi lại (Phụ lục 05) gửi Trưởng Khoa điều trị xác nhận, Phòng Tài chính Kế
toán thẩm tra và trình lãnh đạo bệnh viện phê duyệt, sau đó thanh toán tiền hỗ
trợ theo định mức quy định cho người bệnh.
- Hàng quý, các bệnh viện lập báo
cáo quyết toán gửi về Ban Tổ chức điều hành trực tiếp Quỹ khám chữa bệnh cho
người nghèo tỉnh tại Sở Y tế theo dõi kiểm tra.
3. Hỗ trợ một phần chi phí khám,
chữa bệnh:
a. Trình tự:
Các đối tượng được hưởng chế độ hỗ
trợ tại Điều 3 của Quy định này nộp hồ sơ xin hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh; hồ
sơ được nộp tại nơi tiếp nhận của cơ sở điều trị từ tuyến huyện trở lên đối với
người bệnh điều trị trong tỉnh và tại Ban Tổ chức điều hành trực tiếp Quỹ khám
chữa bệnh cho người nghèo tỉnh tại Sở Y tế đối với người bệnh điều trị ngoài tỉnh.
b. Hồ sơ và thủ tục hỗ trợ một phần
chi phí khám, chữa bệnh gồm:
- Đơn xin hỗ trợ một phần chi phí
điều trị (theo Phụ lục 07 đính kèm).
- Bản sao Giấy ra viện (nếu điều
trị nội trú).
- Biên lai thanh toán viện phí;
các hóa đơn, chứng từ hợp pháp liên quan đến việc mua thuốc, dụng cụ, sử dụng
các dịch vụ kỹ thuật y tế ..., để điều trị.
- Bản sao Thẻ bảo hiểm y tế hoặc
Chứng minh nhân dân đối với trường hợp bệnh nhân không có Thẻ bảo hiểm y tế.
- Các loại giấy tờ có liên quan đến
xác định đối tượng:
+ Sổ hộ nghèo cho đối tượng người
nghèo;
+ Sổ hộ khẩu đối với những Đồng
bào dân tộc thiểu số đang sống ở xã, thị trấn người thuộc vùng khó khăn;
+ Giấy xác nhận của Trung tâm Bảo
trợ xã hội đối với đối tượng nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội.
+ Giấy xác nhận trợ cấp đối tượng
được trợ cấp xã hội hàng tháng của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
+ Xác nhận của Ủy ban nhân dân phường,
xã, thị trấn cho người thuộc diện hộ cận nghèo theo quy định hiện hành bị mắc bệnh
ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí
cao mà không đủ khả năng chi trả chi phí khám, chữa bệnh dựa theo đơn xin xác
nhận của người bệnh và các giấy tờ có liên quan (Phụ lục 08).
Điều 6. Nơi tiếp
nhận hồ sơ, thủ tục
1. Nơi tiếp nhận hồ sơ:
a. Các đối tượng tại Điều 2 Quy định
này khi điều trị kể cả nội trú và ngoại trú tại các cơ sở y tế Nhà nước trên địa
bàn tỉnh từ tuyến huyện trở lên thì nơi tiếp nhận hồ sơ và thực hiện việc hỗ trợ
một phần chi phí khám, chữa bệnh, bao gồm: tiền ăn, tiền đi lại (đối với người
bệnh nội trú) và chi phí hỗ trợ điều trị tại cơ sở y tế nơi các đối tượng đang
điều trị từ tuyến huyện trở lên sẽ tiếp nhận hồ sơ (theo Phụ lục 09).
b. Các đối tượng quy định tại Điều
2 Quy định này khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế ngoài tỉnh thì sau khi
ra viện làm hồ sơ theo Điều 5 của Quy định này gửi tại Ban Tổ chức điều hành trực
tiếp Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo tỉnh tại Sở Y tế; cần lưu ý các đối tượng
tại Khoản 1, 2 Điều 2 trong quy định này còn được hỗ trợ thêm tiền ăn và tiền
đi lại theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 3 của Quy định này.
2. Thời hạn giải quyết hồ sơ:
a. Đối với người bệnh điều trị tại
các cơ sở y tế trong tỉnh:
Trong thời hạn 01 ngày làm việc,
khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ sở điều trị phải thanh toán chi phí hỗ trợ cho người
bệnh. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ phải thông báo rõ cho người bệnh biết để bổ
sung thủ tục theo quy định.
b. Đối với người bệnh điều trị tại
các cơ sở y tế ngoài tỉnh:
Trong vòng 05 ngày làm việc từ khi
nhận được đơn xin hỗ trợ hợp lệ phải tổng hợp danh sách đối tượng, chi phí điều
trị, mức đề xuất hỗ trợ gồm: Phí hỗ trợ khám chữa bệnh kể cả tiền ăn, phí đi lại
(nếu có), kèm theo cả hóa đơn, chứng từ và các hồ sơ xin hỗ trợ, Ban Tổ chức điều
hành trực tiếp Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo tỉnh tại Sở Y tế giám định.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ phải thông báo rõ cho người bệnh biết để bổ sung
thủ tục theo quy định.
Điều 7. Phương
thức hỗ trợ và thanh toán
1. Đối với các người bệnh điều trị
trong tỉnh, cơ sở điều trị từ tuyến huyện trở lên, sau khi tiếp nhận hồ sơ xin
hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, Thủ trưởng đơn vị xem xét đầy đủ tính pháp lý của
hồ sơ, đối tượng thụ hưởng, chi phí hỗ trợ kể cả tiền ăn uống và đi lại (nếu
có) trực tiếp thanh toán cho người bệnh. Căn cứ vào Đơn xin hỗ trợ của người bệnh
(Phụ lục 07) xem xét phê duyệt mức hỗ trợ cho người bệnh, đồng thời lưu văn bản
phê duyệt này cùng với hồ sơ bệnh án nội trú hoặc ngoại trú của người xin hỗ trợ
làm chứng cứ cho cơ quan nhà nước thẩm định để thanh toán và quyết toán.
Định kỳ mỗi 03 tháng trong năm,
các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh lập báo cáo quyết toán gửi về Ban Tổ chức
điều hành trực tiếp Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo tỉnh tại Sở Y tế.
2. Đối với người bệnh điều trị nội
trú ngoài tỉnh, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ
Ban Tổ chức điều hành trực tiếp Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo tỉnh tại Sở
Y tế lập thủ tục thanh toán tiền hỗ trợ cho bệnh nhân.
Điều 8. Lập dự
toán, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí
1. Lập dự toán:
Hàng năm, căn cứ vào số lượng đối
tượng thực tế được hỗ trợ của năm trước, mức hỗ trợ và khả năng ngân sách địa
phương, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự toán kinh phí hỗ
trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho các đối tượng quy định tại Điều 2 Quy
định này từ ngân sách địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét trình Hội
đồng nhân dân tỉnh phê duyệt.
2. Quản lý, sử dụng và thanh quyết
toán kinh phí hỗ trợ:
a. Sở Y tế chịu trách nhiệm quản
lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho các đối
tượng quy định tại Điều 2 Quy định này có hộ khẩu trên địa bàn tỉnh đúng mục
đích, đối tượng theo quy định của pháp luật.
b. Việc thanh, quyết toán kinh phí
hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh được thực hiện theo đúng quy định Tài
chính - Kế toán hiện hành.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trách
nhiệm tổ chức thực hiện
1. Ban Quản lý Quỹ khám, chữa bệnh
cho người nghèo của tỉnh:
a. Tổ chức triển khai, hướng dẫn;
kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định về trình tự, thủ tục và mức hỗ trợ
khám, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh; báo cáo định kỳ, đột xuất theo
yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh và các Bộ, ngành liên quan.
b. Tạm ứng kinh phí theo quý cho
các bệnh viện trước ngày 25 của tháng cuối quý trước để hoạt động cho quý sau.
c. Báo cáo quyết toán kinh phí hỗ
trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo theo định kỳ (quý, năm) về cơ quan có thẩm
quyền theo đúng quy định.
2. Sở Y tế:
a. Tổ chức, quản lý và điều hành
Quỹ theo Quyết định số 488/QĐ-UBND ngày 08 tháng 4 năm 2014 của Ủy ban nhân dân
tỉnh.
b. Lập dự toán ngân sách Quỹ và
kinh phí quản lý Quỹ gửi Sở Tài chính thẩm định.
c. Hằng năm, chủ trì, phối hợp với
các cơ quan có liên quan tổng hợp tình hình thành lập và hoạt động của Quỹ
trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh gửi Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ.
3. Sở Tài chính:
Trên cơ sở dự toán kinh phí về
khám, chữa bệnh cho người nghèo do Sở Y tế xây dựng, căn cứ vào khả năng cân đối
của ngân sách địa phương, Sở Tài chính thẩm định dự toán ngân sách Quỹ và kinh
phí cho quản lý Quỹ trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định trình Hội đồng
nhân dân tỉnh phê duyệt.
4. Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội:
a. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện mua
và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, đối
tượng bảo trợ xã hội.
b. Theo dõi, kiểm tra sự biến động
của các đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo
trên địa bàn tỉnh để có sự điều chỉnh kịp thời.
5. Ban Dân tộc tỉnh:
Phối hợp với Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội, Sở Y tế kiểm tra, giám sát việc mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế và việc
hỗ trợ khám, chữa bệnh cho các đối tượng thụ hưởng.
6. Bảo hiểm xã hội tỉnh:
a. Phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức in ấn, phát hành thẻ chính xác,
kịp thời và đầy đủ.
b. Hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh
cho các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế theo đúng chế độ quy định.
7. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã,
thành phố:
a. Chỉ đạo các phòng, ban chức
năng chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức điều tra, lập
danh sách, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng thụ hưởng tại Quy định này chính
xác, kịp thời và đầy đủ.
b. Chỉ đạo cơ quan thông tin đại
chúng tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người
nghèo theo Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày
15 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo
và Quy định này đến người dân tại địa phương.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tỉnh:
a. Phối hợp với chính quyền các cấp
tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế
toàn dân.
b. Phối hợp với các sở, ban, ngành
liên quan giám sát tình hình thực hiện hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo
trên địa bàn tỉnh.
9. Các Bệnh viện công lập trên địa
bàn tỉnh:
a. Mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc
Nhà nước để tiếp nhận kinh phí hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo.
b. Thực hiện hỗ trợ chi phí khám,
chữa bệnh cho người nghèo đúng Quy định này; lưu trữ hồ sơ, chứng từ tại đơn vị
theo quy định hiện hành.
c. Bệnh viện phải quyết toán kinh
phí khám, chữa bệnh cho người nghèo hàng quý với Quỹ trước ngày 15 của tháng đầu
quý sau.
d. Quản lý, sử dụng, hạch toán thực
hiện theo quy định tại Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2006 của
Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ kế toán hành chính sự nghiệp;
Thông tư số 185/2010/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn
sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Quyết định
số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; các văn
bản hướng dẫn và mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
e. Niêm yết công khai Quy định này
để nhân dân nắm được.
10. Đối tượng được hưởng hỗ trợ:
Thực hiện đúng các quy định có
liên quan đến trách nhiệm đối tượng được hỗ trợ, đặc biệt là trình tự, hồ sơ và
thủ tục đề nghị hỗ trợ tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 5 của Quy định
này.
Điều 10. Điều
khoản thi hành
1. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp
với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc
triển khai, theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện Quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu
có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân
có liên quan phản ánh về Sở Y tế; Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo để tổng hợp,
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.