Quyết định 1461/QĐ-UBND về phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh Lâm Đồng năm 2018

Số hiệu 1461/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/07/2018
Ngày có hiệu lực 19/07/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Văn Yên
Lĩnh vực Đầu tư

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1461/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 19 tháng 07 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH LÂM ĐỒNG NĂM 2018

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư;

Căn cứ Văn bản số 8145/BKHĐT-ĐTNN ngày 05/10/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2018 và Văn bản số 3416/BKHĐT-ĐTNN ngày 23/5/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc báo cáo hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2017 và xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư năm 2018 của tỉnh Lâm Đồng;

Xét đề nghị của Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh Lâm Đồng năm 2018, với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) Hoạt động xúc tiến đầu tư phải phù hợp với định hướng của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ và bám sát các chương trình trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và có dự án trọng điểm tác động thiết thực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng;

b) Đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư và nội dung xúc tiến đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, tập trung xúc tiến đầu tư các đối tác chiến lược, các địa bàn trọng điểm trên cơ sở sử dụng hợp lý, tiết kiệm tối đa tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ tốt môi trường, đảm bảo an ninh chính trị, phát huy lợi thế sẵn có để phát triển bền vững; hạn chế các dự án đầu tư và các ngành dịch vụ sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên (đất, rừng, nguồn nước và các tài nguyên thiên nhiên khác) ảnh hưởng môi trường sinh thái và rừng tự nhiên...;

c) Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tận dụng tiếng nói của các doanh nghiệp hiện đang đầu tư, kinh doanh tại tỉnh để quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư đối với các doanh nghiệp đang nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. Đối với nhà đầu tư chiến lược, các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội, cần nghiên cứu, đề xuất những chính sách ưu đãi đặc thù để khuyến khích đầu tư;

d) Tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, duy trì đối thoại thường xuyên với các nhà đầu tư nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các dự án đang hoạt động, đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ và nhằm tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới. Chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh địa phương, thương hiệu sản phẩm và phát triển thị trường;

e) Tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng của hoạt động xúc tiến đầu tư. Thường xuyên đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường xúc tiến đầu tư thông qua hoạt động đối ngoại, hợp tác với các cơ quan, tổ chức ngoại giao, kinh tế, thương mại của Việt Nam.

2. Định hướng

2.1. Về lĩnh vực xúc tiến đầu tư:

a) Về du lịch: Tập trung thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch dịch vụ chất lượng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án đầu tư phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cao cấp (khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với chăm sóc sức khỏe, làng du lịch đạt chuẩn 3-5 sao, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch cao cấp); các khu vui chơi giải trí tổng hợp, giải trí về đêm tại trung tâm thành phố Đà Lạt và một số địa bàn trọng điểm; các khu du lịch phức hợp, các dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, các công trình văn hóa, nhà hát, bảo tàng tại các địa bàn du lịch trọng điểm; đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương (du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch canh nông,...).

b) Về dịch vụ: Ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án trong lĩnh vực dịch vụ, như: dịch vụ ngân hàng, tài chính, thương mại; dịch vụ logistics, bưu chính - viễn thông, y tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo và các lĩnh vực dịch vụ khác. Khuyến khích mạnh thu hút FDI vào các ngành y tế, dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục và đào tạo, xây dựng một số trường đại học chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế,...

c) Về công nghiệp - xây dựng:

- Tập trung thu hút đầu tư phát triển, nâng cao năng lực và vị thế của các ngành công nghiệp có lợi thế và khả năng cạnh tranh cao, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, như: công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ cao, các dự án năng lượng mới và tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời),...; chú trọng việc thu hút FDI các lĩnh vực trên gắn với nghiên cứu chuyển giao, phát triển và làm chủ công nghệ;

- Tập trung huy động thu hút nhà đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp hiện có. Ưu tiên các dự án đầu tư có quy mô lớn, sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch, tạo giá trị gia tăng cao và thân thiện môi trường. Khuyến khích thu hút các dự án đầu tư phát triển hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị, hệ thống vận tải hành khách công cộng; thu hút đầu tư hiện đại hóa mạng lưới viễn thông, hệ thống cấp, thoát nước, xử lý chất thải và gắn với bảo vệ môi trường; phát triển các khu đô thị sinh thái, các khu trung tâm thương mại hiện đại, khu vui chơi giải trí tiêu chuẩn quốc tế... góp phần tạo diện mạo mới, văn minh hiện đại và phát triển bền vững;

d) Về nông - lâm nghiệp: Khuyến khích các dự án đầu tư về công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi, nghiên cứu sản xuất, chế biến các loại giống cây trồng, nông sản chất lượng cao (rau củ quả, hoa..), phù hợp nhu cầu và định hướng phát triển sản xuất của địa phương,...;

e) Về kết cấu hạ tầng: Tập trung thu hút đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ (hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, xây dựng các khu dân cư, chung cư, các dự án xử lý chất thải,...); ưu tiên các công trình lớn, quan trọng có tính lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là dự án Đường cao tốc Giầu Dây - Liên Khương, dự án khôi phục tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm và các dự án quốc lộ trên địa bàn tỉnh.

2.2. Về đối tác đầu tư:

a) Đối với nhà đầu tư trong nước:

- Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong tỉnh mở rộng đầu tư kinh doanh trên địa bàn; vận động thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư ngoài tỉnh, các tập đoàn kinh tế lớn có năng lực tài chính và công nghệ hiện đại, có trình độ quản lý và đầu tư,...bằng các hình thức BOT, BTO, PPP,..;

[...]