Quyết định 145/2004/QĐ-TTg về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 145/2004/QĐ-TTG
Ngày ban hành 13/08/2004
Ngày có hiệu lực 13/09/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 145/2004/QĐ-TTG

Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 145/2004/QĐ-TTG NGÀY 13 THÁNG 8 NĂM 2004 VỀ PHƯƠNG HƯỚNG CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM BẮC BỘ ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 7349/BKH-CLPT, ngày 01 tháng 12 năm 2003,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc bộ đến 2010 và tầm nhìn đến 2020 thực hiện đối với 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống kết cấu hạ tầng để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế- xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ một cách có hiệu quả và bền vững; đi đầu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, luôn giữ vai trò đầu tàu đối với cả Vùng Bắc bộ và cả nước trong quá trình thúc đẩy, hỗ trợ các vùng khác, nhất là các vùng khó khăn, cùng phát triển. Đi đầu về hợp tác quốc tế, về thu hút đầu tư nước ngoài, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế- xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.

1. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2006-2010 bằng khoảng 1,3 lần, và giai đoạn 2011-2020 khoảng 1,25 lần mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước. Tăng tỷ trọng đóng góp trong GDP của cả nước từ 21% năm 2005 lên khoảng 23-24% vào năm 2010 và khoảng 28-29% vào năm 2020.

2. Tăng giá trị xuất khẩu bình quân đầu người/năm từ 447 đô la Mỹ năm 2005 lên 1200 đô la Mỹ năm 2010 và 9200 đô la Mỹ năm 2020.

3. Tăng mức đóng góp của Vùng trong thu ngân sách của cả nước từ 23% năm 2005 lên 26% năm 2010 và 29% năm 2020.

4. Đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 20-25%/năm, đi đầu trong tiến trình hiện đại hoá, có tỷ lệ công nghệ tiên tiến đạt khoảng 45%. Đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 55% vào năm 2010.

5. Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,5% năm 2010 và dưới 0,5% năm 2020 và giảm tỷ lệ lao động không có việc làm đến 2010 xuống khoảng 6,5% và tiếp tục kiểm soát ở mức an toàn cho phép là 4%. Đến năm 2010 đảm bảo tỷ lệ 100% dân số thành thị được dùng nước máy; khoảng 90-95% dân số nông thôn sử dụng nước sạch; 100% số hộ gia đình nông thôn có hố xí hợp vệ sinh; nhân dân đi lại dễ dàng và được chăm sóc sức khỏe tốt, được đi học và có học vấn cao hơn.

6. Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống 1% vào năm 2010 và xuống dưới 0,8% vào năm 2020. Kiểm soát tăng dân số trung bình (bao gồm cả tác động di dân cơ học) ở mức không vượt quá 1,5%. Bảo đảm kỷ cương, trật tự an toàn xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng; bảo đảm bền vững môi trường cả ở đô thị và nông thôn trong vùng.

Điều 3. Nhiệm vụ và các giải pháp phát triển các ngành và lĩnh vực then chốt.

1. Phương hướng mới có tính đột phá.

- Phát triển các ngành kỹ thuật cao, dịch vụ chất lượng cao như: công nghiệp phần mềm, thiết bị tin học, tự động hóa và các sản phẩm nghiên cứu khoa học thành ngành công nghiệp mũi nhọn; sản xuất các thiết bị tự động hoá, rô bốt, sản xuất vật liệu mới, thép chất lượng cao; phát triển các ngành công nghiệp đóng tàu, cơ khí chế tạo.

- Khẩn trương xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp bổ trợ mà Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có lợi thế cạnh tranh để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả trong hội nhập; các ngành cơ khí chế tạo thiết bị và phụ tùng như các thiết bị cho sản xuất ô tô, xe máy, sản xuất thiết bị điện và linh kiện điện tử, sản xuất động cơ nổ, động cơ điện (nhất là động cơ điện có công suất lớn)…

- Xây dựng khu kinh tế tổng hợp thuộc huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), du lịch sinh thái biển chất lượng cao và nuôi trồng gắn với chế biến đặc hải sản.

- Xây dựng mới khu sinh dưỡng công nghiệp (nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, công nghệ cho các xí nghiệp công nghiệp) đặt tại Vĩnh Phúc.

- Xây dựng trung tâm đào tạo nghề trình độ cao cho cả Vùng đặt tại Vĩnh Phúc.

- Xây dựng trung tâm đào tạo chất lượng cao và nghiên cứu xây dựng trường Đại học thực hành đa ngành chất lượng cao đặt tại Hưng Yên theo mô hình gắn đào tạo với nhà máy của các khu công nghiệp theo hướng có cổ phần trong cơ sở đào tạo, hỗ trợ thiết bị, cán bộ kỹ thuật đào tạo theo yêu cầu của cả một dây truyền hoàn chỉnh...

- Xây dựng trung tâm y tế chất lượng cao cho cả Vùng dự kiến đặt tại Hà Tây và Hải Dương.

- Xây dựng tổng kho trung chuyển đặt tại tỉnh Hải Dương.

- Xây dựng mới các tuyến đường cao tốc: Hà Nội- Hải Phòng (theo hướng đường 5 lệch về Nam đồng bằng sông Hồng); Nội Bài - Hạ Long - Móng Cái; Hà Nội - Ninh Bình; Láng - Hoà Lạc- Trung Hà; Hà Nội - Việt Trì; Hà Nội - Thái Nguyên.

- Xây dựng mới tuyến đường sắt từ Yên Viên, thành phố Hà Nội đến Phả Lại và thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; đường sắt nối cảng Hải Phòng với cảng Đình Vũ, thành phố Hải Phòng.

- Nghiên cứu xây dựng cảng nước sâu mới tại Hải Phòng (nếu điều kiện kỹ thuật cho phép).

- Xây dựng đường xe điện ngầm, đường sắt nội đô Hà Nội và nối đường sắt Hà Nội - Hoà Lạc.

2. Định hướng điều chỉnh quy hoạch.

Chuyển dịch nhanh hơn cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo ra các sản phẩm mũi nhọn, gắn với thị trường và tăng sức cạnh tranh. Dự kiến đến năm 2010 tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ trong GDP khoảng 94-95% và đến năm 2020 đạt khoảng 96-97%. Tăng tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp; tăng số việc làm có năng suất cao và tiêu hao ít năng lượng; sử dụng đất có hiệu quả... trên cơ sở phát triển các ngành công nghệ cao và sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ