Thông báo số 34/2006/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị Vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 34/2006/TB-VPCP
Ngày ban hành 22/02/2006
Ngày có hiệu lực 22/02/2006
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Quốc Huy
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 34/2006/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 22 tháng 02 năm 2006 

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ VÙNG ĐÔNG NAM BỘ VÀ VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM

Ngày 07 tháng 02 năm 2006, tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cùng đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội nghị Vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để thảo luận, góp ý cho nội dung dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công nghiệp, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thủy sản, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Bưu chính, Viễn thông, Văn hóa - thông tin, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Quốc phòng, Công an, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Du lịch, các Tổng công ty; Dầu khí, Cao su, các Cục: Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam và lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang.

Sau khi nghe đồng chí Trương Tấn Sang giới thiệu và quán triệt Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ Chính trị, ý kiến của lãnh đạo các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các Bộ, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu kết luận như sau:

I. Hội nghị đã quán triệt và nhất trí cao nội dung Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ Chính trị về đánh giá tình hình, những thành tựu và tồn tại cũng như quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp trong thời gian tới đối với vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó nhấn mạnh:

Vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế, năng động, sáng tạo, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tạo động lực thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển. Trong 5 năm qua, Vùng đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 8,3%/năm (cả nước tăng 7,5%), vùng chiếm 1/3 GDP, 60% thu ngân sách, 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, trên 50% vốn đầu tư nước ngoài của cả nước. Sự phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Vùng đã đóng góp lớn vào thành tựu chung của cả nước.

Có được những thành tựu trên đây là do các cấp, các ngành và các địa phương trong Vùng đã nhận thức đúng đắn, có cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo điều kiện để Vùng phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững và trở thành đầu tàu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được của Vùng trong những năm qua còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Vùng, trong đó nổi lên là chất lượng quy hoạch, khả năng cạnh tranh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các Bộ, cơ quan liên quan phải có chương trình, kế hoạch, đề án, dự án giải pháp cụ thể cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 để thực hiện cho được mục tiêu là huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của Vùng để phát triển nhanh, ổn định và bền vững, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, các mặt giáo dục - đào tạo, văn hóa, y tế vào loại hàng đầu của cả nước; bảo đảm ổn định chính trị và quốc phòng, an ninh vững chắc; góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của khu vực phía Nam và cả nước, là địa bàn cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực.

II. Về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ Chính trị:

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương để bổ sung, hoàn chỉnh nội dung dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ; trong đó, chú trọng về các nội dung: công tác quy hoạch, định hướng phát triển, kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể, cơ chế, chính sách cho đầu tư phát triển Vùng, biện pháp phối hợp tổ chức thực hiện, việc phân công, phân nhiệm cho các địa phương trong Vùng, công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện…; trong đó, cần khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung, phối hợp, điều phối tốt công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, từng địa phương và giữa các địa phương trong Vùng; quy hoạch ngành (bao gồm quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng và quy hoạch sản phẩm chủ yếu). Xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng cụ thể, có tính khả thi cao trong hoàn cảnh và điều kiện của Vùng, phù hợp với pháp luật hiện hành.

III. Về một số vấn đề cụ thể:

1. Công tác quy hoạch:

a) Đối với quy hoạch Vùng: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng; sửa đổi, bổ sung Quyết định số 146/2004/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng phù hợp với nội dung Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ Chính trị.

b) Đối với từng địa phương: các tỉnh, thành phố phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, căn cứ Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ, quy hoạch Vùng và các quy hoạch ngành, sản phẩm của Trung ương và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

c) Về quy hoạch ngành: các Bộ, ngành cần tiếp thu ý của các Bộ, ngành liên quan và các địa phương, rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành, các quy hoạch hạ tầng kinh tế kỹ thuật như: giao thông, thủy lợi, điện, nước và các quy hoạch khác như quy hoạch về sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bệnh viện, trường học… có thể coi là những quy hoạch “cứng” phải phù hợp với quy hoạch chung. Công tác quy hoạch phải xác định rõ các công trình, dự án, thứ tự ưu tiên đầu tư, cơ chế, chính sách, các giải pháp cụ thể kèm theo. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể để các ngành chức năng triển khai thực hiện theo lộ trình.

Các Bộ và cơ quan hoàn chỉnh quy hoạch ngành gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2006, một số quy hoạch phải hoàn thành sớm hơn để các Bộ, ngành và các địa phương xây dựng các công trình, dự án trọng điểm tập trung đầu tư trong kế hoạch 5 năm (2006-2010).

d) Về quy hoạch sản phẩm được coi là quy hoạch “mềm”: cần quy hoạch sản phẩm chủ yếu theo hướng gắn với thị trường để khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư; đối với các sản phẩm, lĩnh vực quan trọng như dầu khí, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông…, hiện nay, nhà nước không quy định địa bàn đầu tư mà quy định điều kiện, môi trường đầu tư để các nhà đầu tư quyết định lựa chọn đầu tư; các lĩnh vực khác do thị trường quyết định.

đ) Về quốc phòng, an ninh: phát triển kinh tế Vùng cần gắn kết chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các địa phương xây dựng phương án, thế trận toàn dân trên cơ sở phối kết hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong Vùng nhằm bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

2. Về cơ chế, chính sách, giải pháp cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giao các Bộ nghiên cứu ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành trước tháng 6 năm 2006 gồm:

a) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trong vùng:

- Xác định cơ chế thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn xây dựng quy hoạch đô thị, các khu công nghiệp, quy hoạch giao thông… Đồng thời, thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư tập trung một số dự án, công trình trọng điểm.

- Xây dựng cơ chế phát triển đồng bộ các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, lao động, khoa học và công nghệ… nhằm thu hút, phát huy các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trong vùng:

- Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, huy động mạnh nội lực của vùng như đất đai, tài nguyên, nguồn vốn, lao động… cho đầu tư phát triển. Đồng thời, thu hút mạnh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực còn nhiều tiềm năng, có thị trường, có giá trị gia tăng cao. Nghiên cứu để mở rộng hơn nữa phân cấp cấp phép đầu tư cho địa phương.

- Xây dựng cơ chế phối hợp, điều phối của Vùng.

c) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trong vùng xây dựng cơ chế liên doanh, liên kết, xã hội hóa và cơ chế khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài để mở rộng các hình thức đào tạo đại học chất lượng cao tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận.

[...]