QUY
ĐỊNH
PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOÁNG
SẢN ĐỐI VỚI UBND CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ THUỘC ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
(Kèm theo Quyết định số 1456/QĐ-UBND ngày 02 tháng 7 năm 2015 của UBND tỉnh
Sơn La)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định về trách nhiệm của UBND các huyện,
thành phố về bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác;
quản lý hoạt động khoáng sản sau khi cấp giấy phép; quản lý hoạt động mua bán,
vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ, xuất khẩu khoáng sản.
2. Những nội dung liên quan đến quản lý khoáng sản
không quy định trong Quy định này được thực hiện theo Luật Khoáng sản và các
văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh Sơn La.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Khoáng sản là khoáng vật,
khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại
trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của
mỏ.
2. Hoạt động khoáng sản bao gồm:
Thăm dò, khai thác khoáng sản.
3. Thăm dò khoáng sản là hoạt động
nhằm xác định trữ lượng, chất lượng khoáng sản và các thông tin khác phục vụ
khai thác khoáng sản.
4. Khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm
xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên
quan.
5. Khoáng sản chưa khai thác là
khoáng sản chưa được cấp giấy phép khai thác, kể cả khoáng sản nằm trong các
bãi thải, trong khu mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ, xỉ thải, quặng đuôi từ các
nhà máy tuyển, chế biến, luyện kim.
Chương II
PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN
LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOÁNG SẢN ĐỐI VỚI UBND CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH SƠN LA
Điều 4. Quản
lý bảo vệ khoáng sản chưa khai thác
1. Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về
khoáng sản tại địa phương theo quy định của pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước
cấp trên về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện,
thành phố; thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự xã hội
tại các khu vực có khoáng sản trên địa bàn.
2. Xây dựng kế hoạch và thực hiện
các biện pháp quản lý, bảo vệ hiệu quả tài nguyên khoáng sản chưa khai thác
trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
3. Tuyên truyền, vận động nhân
dân cùng tham gia giám sát, kịp thời phản ánh những hành vi vi phạm trong việc
quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.
4. Chỉ đạo UBND cấp xã và các
cơ quan chức năng của huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật
về khoáng sản và các quy định của tỉnh đến tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản
và nhân dân trên địa bàn.
5. Thường xuyên kiểm tra tình hình
hoạt động khoáng sản trên địa bàn quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý
ngay từ đầu các hành vi thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trái phép, mua
bán, vận chuyển, tiêu thụ và tàng trữ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp tại
địa phương theo quy định của pháp luật. Những trường hợp vi phạm phải xử lý
nghiêm theo quy định của pháp luật; Trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo
kịp thời và đề xuất với UBND tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước cấp trên biện pháp
xử lý theo quy định.
6. Giải quyết hoặc tham gia giải
quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện
theo thẩm quyền.
7. Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm
thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đối với UBND cấp xã. Kiểm điểm
làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với Chủ tịch UBND cấp xã và tổ chức, cá
nhân có liên quan không hoàn thành nhiệm vụ được giao, để xảy ra hoạt động
khoáng sản trái phép trên địa bàn được phân công quản lý.
8. Tổ chức lực lượng chủ động kiểm
tra và xử lý đối với các hoạt động khai thác khoáng sản bất hợp pháp trên địa
bàn theo thẩm quyền; Trường hợp vụ việc vượt quá thẩm quyền xử lý của UBND cấp
mình hoặc có dấu hiệu vi phạm luật hình sự thì phải chuyển cho cấp trên hoặc cơ
quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật;
9. Trường hợp để
xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép không được phát hiện xử lý kịp thời, trở
thành điểm nóng, tập trung đông người, ảnh hưởng xấu đến môi trường, mất an
ninh trật tự xã hội, gây bức xúc cho nhân dân thì Chủ tịch UBND cấp huyện nơi để
xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trước
Chủ tịch UBND tỉnh.
10. Trừ điểm thi đua đối với các tổ
chức, cá nhân là người đứng đầu các ở các địa phương để xảy ra hoạt động khoáng
sản trái phép.
Điều 5. Quản lý hoạt động khoáng sản đối với các giấy phép thăm dò,
khai thác khoáng sản thuộc địa bàn quản lý
1. Thực hiện
các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự xã hội tại khu vực được cấp phép hoạt động
khoáng sản trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.
2. Trong phạm vi trách nhiệm, quyền
hạn của mình giải quyết các điều kiện liên quan đến việc thu
hồi đất của các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình, sử dụng kết
cấu hạ tầng và các điều kiện liên quan khác cho các tổ chức, cá nhân được phép
hoạt động khoáng sản, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản tại địa
phương theo quy định, không làm ảnh hưởng đến Quy hoạch thế
trận quân sự của tỉnh, huyện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Tuyên truyền, giáo dục và giám
sát việc thi hành pháp luật về khoáng sản; tham gia giải quyết tranh chấp về hoạt
động khoáng sản và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về khoáng sản
phát sinh tại địa phương;
4. Đề xuất các phương án đầu tư
phát triển kinh tế xã hội của địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến;
5. Xây dựng phương án bảo hộ ổn định
có sự tham gia phối hợp của đơn vị được cấp phép thăm dò,
khai thác đối với đời sống và sản xuất cho tổ chức, cá
nhân do chịu ảnh hưởng của việc khai thác, chế biến khoáng sản mà phải thay đổi
nơi cư trú, nơi sản xuất;
6. Đề xuất quy hoạch các khu vực
tái định cư hợp lý để các cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất theo đúng
quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất hợp pháp ở
nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến do bị ảnh hưởng của việc khai thác,
chế biến khoáng sản mà phải thay đổi nơi cư trú, nơi sản xuất;
7. Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài
nguyên và Môi trường kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các khu vực có giấy phép hoạt
động khoáng sản.
Điều 6. Quản
lý hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ, xuất khẩu khoáng sản
Giao
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường,
thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, thu mua, vận
chuyển khoáng sản trái phép, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm xử lý
theo thẩm quyền hoặc kịp thời thông báo cho cơ quan Quản lý thị trường hoặc cơ
quan Công an nơi gần nhất để thu giữ, xử lý theo quy định.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Khen thưởng, xử lý vi phạm
1. Các đơn vị, tổ
chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện quy định này được khen thưởng
theo quy định.
2. Đơn vị, tổ chức,
cá nhân vi phạm các quy định của quy định này và các quy định của pháp luật
liên quan, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Sở Nội vụ chủ
trì, phối hợp với các ngành có liên trong việc tham mưu UBND tỉnh đề xuất khen
thưởng, xử lý vi phạm theo quy định và trách nhiệm được quy định tại quy định
này.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Giám đốc Sở Tài
nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn theo dõi, kiểm tra và đôn đốc
UBND các huyện, thành phố thực hiện Quy định này.
2. Trước ngày 20 tháng 12 hàng năm, UBND các huyện, thành phố tổ chức
đánh giá và báo cáo bằng văn bản với UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường.
3. Trong quá
trình thực hiện nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc các đơn vị có trách nhiệm
phản ánh kịp thời về UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để xem
xét, giải quyết./.