ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1436/QĐ-UBND
|
Hà Nam, ngày 22 tháng 09 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TỈNH HÀ NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM
2050
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng
6 năm 2014;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày
17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
về phân loại đô thị;
Căn cứ Nghị quyết số
1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về
tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;
Căn cứ Nghị định số 42/2009/NĐ-CP
ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị;
Căn cứ Nghị định số 11/2013/NĐ-CP
ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị;
Căn cứ Quyết định số 1659/QĐ-TTg
ngày 7 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình
phát triển đô thị Quốc gia, giai đoạn 2012-2020;
Căn cứ Thông tư số 12/2014/TT-BXD
ngày 25 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định và
phê duyệt Chương trình phát triển đô thị;
Căn cứ Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày
25 tháng 8 năm 2011 của Tỉnh ủy về phát triển đô thị tỉnh Hà Nam đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 364/QĐ-UBND
ngày 25 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng
vùng tỉnh Hà Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng
(tại Tờ trình số
1467/TTr-SXD ngày 06 tháng 9 năm 2016),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình
phát triển đô thị tỉnh Hà Nam, với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm và mục
tiêu phát triển đô thị
a) Quan điểm:
- Đẩy mạnh phát triển mạng lưới đô thị
đã được quy hoạch, phát triển đô thị đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2011-2020, phát huy lợi thế vị trí địa lý của
tỉnh tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước chuyển dịch cơ cấu
kinh tế ở thành phố và các thị trấn thuộc
huyện theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ; đẩy mạnh quá trình
công nghiệp hóa nông nghiệp - nông thôn.
- Phát triển và phân bố hợp lý đô thị
trung tâm các cấp trên địa bàn tỉnh, tạo ra sự phát triển
cân đối, hài hòa giữa các vùng trong tỉnh kết hợp giữa cải tạo các đô thị cũ và
xây dựng các đô thị mới phù hợp với đặc thù phát triển của từng vùng. Phát triển
đô thị phải gắn với phát triển nông thôn và sử dụng hiệu quả hợp lý quỹ đất trong phát triển đô thị nhằm đảm bảo chiến lược an ninh lương thực quốc
gia.
- Phát triển đô thị phải chú trọng đầu
tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và kiểm soát chất lượng môi
trường đô thị, đảm bảo an ninh quốc phòng. Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, cải tạo
và xây dựng mới các đô thị xanh, đô thị sinh thái tại các đô thị. Tăng cường khả
năng ứng phó với biến đổi khí hậu tại
các đô thị. Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, sử dụng hợp lí tài
nguyên thiên nhiên và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới để
xây dựng đô thị hiện đại, văn minh.
- Phát triển đô thị trên cơ sở hoàn
thiện chính sách về quy hoạch, kế hoạch, đất đai, tạo điều kiện huy động khai
thác nguồn lực cho đầu tư cải tạo, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị. Nâng
cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển đô thị.
b) Mục tiêu
- Mục tiêu chung:
+ Phát triển đô thị tỉnh Hà Nam phù hợp
với lộ trình phát triển đô thị toàn quốc giai đoạn đến năm 2020 theo Quyết định
số 1659/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ; Quy hoạch
phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến
2025 và quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm
2050.
+ Đáp ứng yêu cầu phát triển theo Nghị
quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra: Đến năm 2020 xây dựng Hà Nam cơ bản trở thành tỉnh phát triển mạnh về
công nghiệp; đến năm 2030 là trung tâm đô thị - công nghiệp hiện đại, trung tâm
TMDV chất lượng cao và vùng Nông nghiệp công nghệ cao; đến năm 2050, toàn tỉnh
Hà Nam trở thành đô thị Hà Nam, tập trung nâng cao chất lượng đô thị, phát triển theo mô hình đô thị xanh, đô thị sinh thái.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Đến năm 2017:
Hoàn thành kế hoạch nâng cấp 09 đô thị mới đạt tiêu chí đô
thị loại V: Thị trấn Hòa Hậu, thị trấn Nhân Mỹ (huyện Lý Nhân);
thị trấn Đô Hai, thị trấn Ba Hàng, thị trấn chợ Sông (huyện
Bình Lục); thị trấn huyện lỵ Thanh Liêm, thị trấn Phố Cà (huyện Thanh Liêm); thị trấn Tượng Lĩnh, thị trấn
Nhật Tân (huyện Kim Bảng).
+ Đến năm 2020: Toàn tỉnh có 16 đô thị;
trong đó Thành phố Phủ Lý là đô thị loại II; Đô thị Duy Tiên, Vĩnh Trụ (huyện
Lý Nhân) là đô thị loại IV, và 13 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh
đạt trên 35%.
+ Đến năm 2030:
Mở rộng quy mô hệ thống đô thị và nâng loại đô thị một số đô thị trọng điểm.
Toàn tỉnh có 17 đô thị; trong đó: 01 đô thị loại I (Thành phố Phủ Lý); 01 đô thị loại III (Đô thị Duy Tiên);
03 đô thị loại IV (Các thị trấn Vĩnh Trụ, Bình Mỹ, Ba Sao);
12 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên 55%.
+ Tầm nhìn đến năm 2050: Phát triển tỉnh
Hà Nam thành đô thị trực thuộc Trung ương. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh tầm nhìn
đến năm 2050 đạt 70%.
2. Các chỉ tiêu
chính về phát triển đô thị của tỉnh: đạt các tiêu chí về chất lượng đô thị theo
mục tiêu Chương trình phát triển đô thị quốc gia (theo Quyết định 1659/QĐ-TTg
ngày 7 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ).
3. Danh mục, lộ
trình và kế hoạch nâng loại hệ thống đô thị
a) Giai đoạn 2016-2020:
- Nâng loại đô thị loại II cho 01 đô
thị: Thành phố Phủ Lý.
- Nâng loại đô thị loại IV cho 02 đô
thị: Đô thị Duy Tiên, thị trấn Vĩnh Trụ (huyện Lý Nhân).
- Hình thành 09 đô thị mới đạt tiêu
chí đô thị loại V: Thị trấn Hòa Hậu, thị trấn Nhân Mỹ (huyện Lý Nhân);
thị trấn Đô Hai, thị trấn Ba Hàng, thị trấn chợ Sông (huyện
Bình Lục); thị trấn huyện lỵ Thanh Liêm, thị trấn Phố Cà (huyện Thanh
Liêm); thị trấn Tượng Lĩnh, thị trấn Nhật Tân (huyện
Kim Bảng).
b) Giai đoạn 2021-2030:
- Nâng loại đô thị loại I cho 01 đô
thị: Thành phố Phủ Lý.
- Nâng loại đô thị loại III cho 01 đô
thị: Đô thị Duy Tiên.
- Nâng loại đô thị loại IV cho 02 đô
thị: Thị trấn Bình Mỹ (huyện Bình Lục); thị trấn Ba Sao (huyện Kim Bảng).
- Hình thành 01 đô thị mới đạt tiêu
chí đô thị loại V: Thị trấn Thái Hà (huyện Lý Nhân).
4. Danh mục các dự
án ưu tiên (hạ tầng kỹ thuật khung, công trình đầu mối) kết nối các đô thị trên
địa bàn tỉnh
a) Hệ thống hạ tầng giao thông:
- Công trình đầu mối:
+ Xây dựng cảng sông Như Trác, Yên Lệnh
(sông Hồng) và cảng sông Đáy.
+ Xây dựng bến xe tại khu vực nút
giao Liêm Tuyền, khu vực giao giữa đường 68m và đường vành đai 5.
+ Xây dựng trung tâm logistic tại
thành phố Phủ Lý, cảng cạn ICD tại đô thị Duy Tiên.
- Công trình giao thông kết nối các
đô thị trong vùng tỉnh:
+ Hệ thống kè, đường hai bên sông
Châu và sông Đáy.
+ Cầu Họ - Châu Giang, cầu Tân Lang
qua sông Đáy.
+ Hoàn thành tuyến đường Vành đai V
thủ đô nối 2 đường cao tốc (ĐT499), đường nhánh vành đai V
thủ đô (ĐT 495B).
+ Xây dựng và nâng cấp các tuyến đường
tỉnh ĐT 491, ĐT 493, ĐT 494, ĐT 492, ĐT 496.
+ Xây dựng mới tuyến QL37B điểm đầu từ
QL38 kết nối các khu vực đô thị của Duy Tiên với các đô thị
mới của huyện Bình Lục.
+ Cải tạo, nâng cấp tuyến QL21B: Là
trục động lực Đông - Tây nối Hà Nam với Hà Nội.
+ Xây dựng các tuyến đường vành đai
kinh tế: Tuyến T1, T2, T3, đường Lê
Công Thanh giai đoạn 3.
+ Xây dựng các tuyến đường gắn với
phát triển hành lang du lịch: Đường khu du lịch tâm linh đền Trần (nối Nam Định với đền Trần Thương), đường nối khu du lịch Tam Trúc - Ba Sao với Bái Đính
- Ninh Bình.
+ Xây dựng đường gom song hành với đường
cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
+ Phát triển các tuyến xe buýt: Xe
buýt nhanh (BRT) Đồng Văn - Phủ Lý; xe buýt nội tỉnh kết nối các đô thị trong tỉnh
với nhau và các đô thị trong tỉnh với các tỉnh lân cận; các tuyến xe buýt
chuyên phục vụ công nhân các khu công nghiệp.
b) Các dự án cấp nước:
- Xây dựng nhà máy nước Sông Hồng I tại
huyện Duy Tiên, công suất 120.000m3/ngđ, giai đoạn đầu 60.000m3/ngđ
phục vụ các đô thị và khu công nghiệp dọc trục động lực Bắc Nam và QL38; nhà
máy nước Sông Hồng II tại huyện Lý Nhân công suất 60.000m3/ngđ phục
vụ các đô thị và khu công nghiệp dọc khu vực phía Đông Nam tỉnh, thuộc huyện Bình Lục và Lý Nhân.
- Mạng lưới truyền tải và mạng lưới
phân phối chính: Xây dựng mạng lưới đường ống cấp nước liên vùng đảm bảo an
toàn của hệ thống cấp nước.
c) Các dự án thủy lợi và thoát nước mặt:
- Dự án thủy lợi Tắc giang giai đoạn
II.
- Dự án phòng chống lũ, đê điều sông
Đáy.
- Các dự án kiên cố hóa hệ thống tưới
tiêu toàn tỉnh: Dự án nạo vét sông Đáy, sông Châu Giang, sông Nhuệ và các kênh
tiêu thuộc hệ thống sông Châu Giang, sông Nhuệ; xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực
sông Nhuệ - Đáy.
d) Các dự án cấp điện:
- Nguồn điện: Xây dựng mới các trạm biến áp 220kV tại Thanh Nghị, Đồng Văn, Lý Nhân quy mô
mỗi trạm 250MVA; nâng công suất Trạm biến áp 220kV Phủ Lý đạt 250MVA.
- Lưới điện: Xây dựng mới đường dây
220kV Nho Quan - Thanh Nghị, Thanh Nghị - Thái Bình, Rẽ Lý Nhân và di chuyển đường dây Nho Quan - Phủ Lý; Cải tạo nâng tiết diện đường dây 220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín.
đ) Các dự án thoát nước thải, CTR và
nghĩa trang:
- Xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập
trung xử lý nước thải toàn bộ khu vực dọc khu vực phát triển trên trục động lực
Bắc - Nam và khu vực phía Đông thành phố Phủ Lý.
- Hoàn thiện công nghệ xử lý và mở rộng
khu xử lý chất thải rắn tại Thung Đám Gai huyện Thanh Liêm (bổ
sung công nghệ xử lý chất thải rắn y tế và
chất thải rắn nguy hại).
- Xây dựng nghĩa trang vùng tỉnh với
quy mô nghĩa trang cấp II diện tích 40-60ha (gắn với xây dựng cơ sở hỏa
táng).
* Các dự án ưu tiên trong giai đoạn
2016-2020:
- Đầu tư phát triển hạ tầng khung
liên kết tỉnh với vùng thủ đô.
- Đầu tư phát triển hạ tầng các khu
công nghiệp tập trung.
- Đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước cấp
vùng, nâng công suất nhà máy xử lý rác thải, xây dựng nhà máy xử lý nước thải
các đô thị và khu công nghiệp.
- Đầu tư xây dựng
cảng ICD khu vực đô thị Duy Tiên.
- Đầu tư xây dựng Khu trung tâm hành
chính huyện Thanh Liêm.
- Đầu tư phát triển khu trung tâm y tế
chất lượng cao.
- Đầu tư phát triển các khu nông nghiệp
chất lượng cao.
- Đầu tư xây dựng khu du lịch Tam
Chúc.
- Tập trung đầu tư nâng cấp đô thị
cho thành phố Phủ Lý và đô thị Duy Tiên.
- Đầu tư phát triển nguồn nhân lực.
5. Tổ chức thực hiện
a) Sở Xây dựng:
- Chủ trì triển khai công bố Chương
trình phát triển đô thị toàn tỉnh và phối hợp với các Sở, ngành và Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.
- Hướng dẫn các địa phương về lập, thẩm định và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị cho từng đô thị
- Hướng dẫn quy trình lập các đề án công nhận loại đô thị và đôn đốc, giám
sát thực hiện theo lộ trình.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành
liên quan tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực
hiện các dự án thuộc Chương trình, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Tổ chức sơ kết tình hình thực hiện
cho từng giai đoạn (5 năm một lần) thực hiện Chương trình để rút kinh
nghiệm cho giai đoạn tiếp theo.
- Tổ chức hướng dẫn lập, phê duyệt và
quản lý các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng
đô thị; kể cả các khu vực dân cư đô thị chỉnh trang, đảm bảo
định hướng phát triển đô thị theo mục tiêu đề ra.
- Tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh
điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển đô thị tỉnh
theo quy định hiện hành. Báo cáo xin ý kiến thỏa thuận của Bộ Xây dựng về các nội
dung Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và báo cáo các nội dung điều chỉnh,
bổ sung vào Chương trình phát triển đô thị quốc gia.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì huy động và tổng hợp nguồn
lực thực hiện Chương trình; Xem xét đề xuất triển khai đầu tư những dự án có điều
kiện, cần thiết phải đầu tư theo các hình thức PPP, xã hội
hóa,...
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổng
hợp kế hoạch kinh phí đầu tư phát triển hàng năm và các nguồn vốn lồng ghép từ
các Chương trình, dự án đầu tư tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành
liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Phủ Lý thực hiện các ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư phát triển đô thị; Hướng
dẫn cơ chế ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển
đô thị theo các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.
- Nghiên cứu, tham mưu đề xuất quy định
về cơ chế vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng
kỹ thuật đô thị sử dụng vốn Ngân sách;
c) Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng
và các cơ quan liên quan rà soát đánh giá hiệu quả sử dụng
đất tại các đô thị hiện hữu và các địa phương dự kiến nâng cấp, phát triển đô thị.
- Kiểm tra, đôn
đốc, hướng dẫn các địa phương về việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với nội dung Chương trình
phát triển đô thị tỉnh và Chương trình phát triển đô thị của từng địa phương.
- Chủ trì việc tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh thực hiện cân đối, điều chuyển kế hoạch sử dụng đất, đáp ứng phù hợp
các bước phát triển đô thị theo Chương trình phát triển đô thị tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp
và phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương xác định
ranh giới, diện tích đất trồng lúa, đặc biệt là đất trồng lúa nước cần được bảo
vệ nghiêm ngặt làm cơ sở cho phát triển đô thị.
d) Sở Tài chính:
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, Ban, Ngành, địa phương có liên quan, tổng hợp
nhu cầu và cân đối khả năng nguồn vốn ngân sách đáp ứng nhu cầu kinh phí hàng
năm đầu tư cho phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
- Hướng dẫn địa phương, đơn vị thực
hiện sử dụng vốn và thanh quyết toán theo quy định hiện hành
đ) Sở Nội vụ:
- Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng,
các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện hoàn thiện hệ thống tổ chức, bộ
máy quản lý và phát triển đô thị trên địa bàn để thực hiện
có hiệu quả các nội dung Chương trình phát triển đô thị đã đề ra.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng,
hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố lập Đề án điều chỉnh, mở
rộng địa giới hoặc thành lập mới đô thị, trình Ủy ban nhân
dân tỉnh trình Chính phủ quyết định.
e) Sở Giao thông Vận tải:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng
và các địa phương liên quan quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông toàn tỉnh
(bao gồm Quốc lộ, Tỉnh lộ) gắn kết với hệ thống đô thị trung tâm và các trục
giao thông chính đô thị theo quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị được
duyệt.
g) Ban quản lý Phát triển khu đô thị
mới:
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có
liên quan xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện
khu vực phát triển đô thị, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và tổ
chức thực hiện.
h) Các Sở, Ban, Ngành liên quan:
Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được
giao, Các Sở, Ban, Ngành có liên quan có trách nhiệm phối hợp nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và chỉ đạo thực hiện các chính sách liên
quan đến quản lý phát triển đô thị; Hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra các địa phương thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực của từng
Sở, Ban, Ngành quản lý; đồng thời tham gia huy động nguồn lực để phát triển kết
cấu hạ tầng đô thị.
k) Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố Phủ Lý:
- Tổ chức triển khai thực hiện Chương
trình phát triển đô thị toàn tỉnh tới các đô thị, điểm dân cư tập trung trên địa
bàn có trong danh mục lộ trình nâng loại đô thị, lập Chương trình phát triển đô
thị cho từng đô thị sau khi Quy hoạch chung đô thị được phê duyệt; chủ động,
tích cực huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển đô thị phù hợp với lộ trình
phát triển đô thị toàn tỉnh.
- Tổ chức lập Đề án công nhận loại đô thị; đề án mở rộng địa giới hành chính hoặc thành
lập đô thị mới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Thực hiện việc rà soát đánh giá và
xác định các khu vực phát triển đô thị, lập kế hoạch thực hiện các khu vực phát
triển đô thị.
- Tăng cường công tác quản lý trật tự
đô thị hiện hữu và các khu vực dự kiến phát triển đô thị trên địa bàn mình quản
lý.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Xây dựng (để b/c);
- Thường trực TU, HĐND Tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND Tỉnh;
- Ban KTNS, VHXH-HĐND Tỉnh;
- Như Điều
3;
- VPUB: CPVP, các CV;
- CB Hà Nam; Báo Hà Nam, Đài
PTTH tỉnh;
- Lưu: VT, XD (V).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Xuân Đông
|