Quyết định 143/2005/QĐ-TTg về đề án tổng thể quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu đến 2010 và định hướng tới 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 143/2005/QĐ-TTg
Ngày ban hành 14/06/2005
Ngày có hiệu lực 14/06/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 143/2005/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 143/2005/QĐ-TTG NGÀY 14 THÁNG 6 NĂM 2005 VỀ ĐỀ ÁN TỔNG THỂ QUAN HỆ VIỆT NAM - LIÊN MINH CHÂU ÂU VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN QUAN HỆ VIỆT NAM - LIÊN MINH CHÂU ÂU ĐẾN 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG TỚI 2015

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 07/2005/NQ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2005 của Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án tổng thể về quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu đến 2010 và định hướng tới 2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN QUAN HỆ VIỆT NAM - LIÊN MINH CHÂU ÂU ĐẾN 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG TỚI 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 143/2005/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ)

Để thực hiện Đề án tổng thể về quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu nhằm xây dựng "quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện, lâu dài giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu vì hoà bình và phát triển", Thủ tướng Chính phủ phân công các Bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm về các công việc sau:

I. VỀ QUAN HỆ CHÍNH TRỊ, NGOẠI GIAO

1. Bộ Ngoại giao:

- Xây dựng đề án về quan hệ chính trị và chương trình các chuyến thăm, các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội với các cơ quan quyền lực liên quan của Liên minh châu Âu (Hội đồng của Liên minh châu Âu, Uỷ ban châu Âu - EC, Nghị viện châu Âu), cũng như các nước thành viên của EU nhằm tăng cường đối thoại chính trị, hiểu biết lẫn nhau, đề ra các phương hướng và chủ trương mới nhằm thúc đẩy quan hệ toàn diện giữa hai bên.

- Phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan căn cứ vào Điều 15 của Hiệp định hợp tác Việt Nam - EU (năm 1995) về "Phát triển trong tương lai", làm việc với các đối tác phía EU để sớm tiến hành đàm phán, ký kết Hiệp định hợp tác toàn diện Việt Nam - EU vào thời gian thích hợp.

- Phối hợp với Bộ Công an, Tổng cục Du lịch và các Bộ, ngành liên quan đề xuất chủ trương đơn giản hoá thủ tục hoặc mở rộng việc miễn thị thực nhập cảnh ngắn hạn vào Việt Nam đối với công dân của một số nước thành viên EU có đủ điều kiện, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch, tìm cơ hội kinh doanh và đầu tư.

- Đàm phán và ký kết với các nước thành viên EU các Hiệp định lãnh sự, Hiệp định nhận trở lại công dân và các văn bản pháp lý điều tiết quan hệ công dân...

- Làm đầu mối tổ chức nghiên cứu dài hạn, toàn diện về EU, thúc đẩy hợp tác trong EU, thực hiện chủ trương hợp tác ba bên giữa Việt Nam với các nước EU và châu Phi.

2. Bộ Tư pháp chủ trì Tiểu ban hợp tác với EU về cải cách thể chế, quản trị và nhân quyền; chủ trì xây dựng phương án đàm phán, ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và con nuôi với các nước EU.

Việc đàm phán, ký kết Hiệp định hỗ trợ tư pháp và Hiệp định lãnh sự nêu trên nhằm mục tiêu tạo địa vị pháp lý vững chắc cho cộng đồng người Việt Nam tại các nước EU.

3. Các Bộ, các ngành rà soát và Bộ Ngoại giao tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ những văn bản thoả thuận và/hoặc cam kết đã ký với những nước thành viên mới gia nhập EU, để sớm đàm phán nhằm huỷ bỏ hoặc điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện mới.

4. Bộ Quốc phòng đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương với các nước thành viên EU để tăng cường hiểu biết, sự tin cậy và tranh thủ những cơ hội tiếp thu chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị quốc phòng, trong đó chú trọng mối quan hệ hợp tác quốc phòng truyền thống với các nước Đông Âu.

5. Bộ Công an trên cơ sở các Hiệp định song phương với các nước thành viên EU, đẩy mạnh trao đổi các đoàn cấp cao, tranh thủ hỗ trợ về đào tạo ngoại ngữ, nghiệp vụ, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ và chủ động triển khai các kế hoạch hợp tác thích hợp trên các lĩnh vực liên quan (bao gồm cả tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, dẫn độ, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia...).

II. VỀ CÔNG TÁC XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI

1. Bộ Thương mại:

[...]