Chỉ thị 13/2005/CT-TTg về giải pháp nhằm tạo chuyển biến mới trong công tác thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 13/2005/CT-TTg
Ngày ban hành 08/04/2005
Ngày có hiệu lực 01/05/2005
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Đầu tư

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13/2005/CT-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 4 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM TẠO CHUYỂN BIẾN MỚI TRONG CÔNG TÁC THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Qua hơn 17 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng phát triển và đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác quản lý đầu tư nước ngoài đã từng bước đi vào nền nếp. Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam qua một số lần sửa đổi, bổ sung đang được các nhà đầu tư đánh giá là tương đối hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Đặc biệt là trong 4 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 09/2001/NQ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2001của Chính phủ và Chỉ thị số 19/2001/CT-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả đầu tư nước ngoài tại Việt Nam giai đoạn 2001 - 2005, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, hạn chế được đà suy giảm vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta và gần đây có những dấu hiệu hồi phục.

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn tồn tại một số yếu kém và hạn chế chậm được khắc phục, nhất là trong các khâu quy hoạch, xây dựng pháp luật chính sách, quản lý nhà nước, xúc tiến đầu tư…. Trong khi đó, việc thực hiện Nghị quyết số 09/2001/NQ-CP và Chỉ thị số 19/2001/CT-TTg chưa thực sự triệt để và chưa đem lại hiệu quả cao.

Để phát huy các kết quả đã đạt được và khắc phục những yếu kém và hạn chế nêu trên, nhằm tạo ra những bước chuyển biến mới về thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần 9 (khoá IX) và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 09/2001/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là các Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) quán triệt và khẩn trương thực hiện các công việc sau:

I. MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG CƠ BẢN

1. Về quan điểm chỉ đạo

a) Trong kế hoạch năm 2005 và các năm 2006 - 2010, cần quán triệt ở mọi cấp chính quyền quan điểm của Đảng về tăng cường thu hút và nâng cao hiệu qủa sử dụng vốn đầu tư nước ngoài theo nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Trung ương 9 (khoá IX) của Đảng. Trên cơ sở đó đạt được sự thống nhất cả về nhận thức và hành động giữa các Bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương trong việc thu hút, quản lý và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài.

b) Từng bước giảm thiểu để tiến tới xoá bỏ việc bảo hộ có thời hạn, có điều kiện đối với những ngành cần phát triển và có khả năng cạnh tranh; từng bước mở cửa thị trường phù hợp với lộ trình cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Không ban hành các văn bản hạn chế hoặc dừng cấp phép đầu tư không phù hợp với Luật Đầu tư nước ngoài cũng như các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và các cam kết quốc tế.

c) Đa dạng hoá các hình thức thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án hoạt động hiệu quả; khuyến khích mở rộng quy mô đầu tư, đổi mới công nghệ, đa dạng hoá mục tiêu đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài và quy hoạch phát triển ngành và sản phẩm.

d) Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường và đối tác đầu tư nhằm thu hút hút có hiệu quả đầu tư nước ngoài, nhất là của các tập đoàn xuyên quốc gia; hướng mạnh hơn vào những ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn.

đ) Xây dựng kế hoạch chủ động thực hiện các cam kết quốc tế. Trước mắt tập trung thực hiện trong năm 2005 các cam kết trong AFTA, trong Hiệp định song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản cũng như trong các thoả thuận với EU. Đồng thời khẩn trương chuẩn bị thực hiện các cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

2. Về công tác quy hoạch

a) Xây dựng sớm Chiến lược thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2010 và các năm tiếp theo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho từng năm, từng giai đoạn.

ưb) Rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành kết hợp với xây dựng quy hoạch theo vùng lãnh thổ theo hướng xoá bỏ các hạn chế và phân biệt giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho khu vực đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn vào phát triển các ngành, vùng lãnh thổ. Đẩy nhanh công tác xây dựng các quy hoạch ngành còn thiếu như quy hoạch mạng lưới các trường đại học, dạy nghề cùng với các điều kiện, tiêu chuẩn cấp phép cho các dự án đầu tư vào các ngành này.

c) Trong quá trình hoàn chỉnh quy hoạch, chú trọng khuyến khích các thành phần kinh tế, bao gồm cả đầu tư nước ngoài, tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là đối với các công trình giao thông, cảng biển, cung cấp điện, nước, bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí, khu đô thị… Các quy hoạch ngành, sản phẩm cần quán triệt nguyên tắc chủ đạo là quy hoạch chỉ mang tính định hướng và khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

3. Về công tác xây dựng pháp luật, chính sách

a) Trong năm 2005 và các năm tiếp theo cần tập trung xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp áp dụng chung cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Khi Luật đầu tư chung được Quốc hội thông qua, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cần chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư nước ngoài, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các nội dung không còn phù hợp. Việc ban hành các chính sách về đầu tư nước ngoài phải bảo đảm tính thống nhất, minh bạch và dự đoán trước được; các chính sách ban hành sau phải bảo đảm nguyên tắc kế thừa, không hồi tố và phải hấp dẫn hơn trước.

b) Tiếp tục nghiên cứu mở rộng các lĩnh vực đầu tư và đa dạng hoá các hình thức đầu tư nước ngoài phù hợp với lộ trình đổi mới doanh nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế như hình thức công ty mẹ - con, hình thức mua lại - sáp nhập đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trước mắt, lựa chọn thêm một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tiến hành chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần theo quy định của Nghị định số 38/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ. Mặt khác, cần đánh giá việc thực hiện thí điểm cổ phần hoá doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trên cơ sở đó đề xuất cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài được niêm yết trên thị trường chứng khoán, chuẩn bị phương án mở rộng việc áp dụng hình thức công ty cổ phần cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

b) Tiếp tục hoàn chỉnh các quy định về thuế theo hướng không làm ảnh hưởng đến chế độ ưu đãi đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án đã được cấp phép đầu tư.

c) Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực cước phí vận tại, cước phí quảng cáo.

4. Về quản lý Nhà nước

a) Tiếp tục cải tiến mạnh mẽ thủ tục đầu tư, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài theo hướng mở rộng phân cấp việc cấp Giấy phép đầu tư và quản lý đầu tư nước ngoài; áp dụng chế độ đăng ký cấp phép đầu tư phù hợp với lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác quản lý nhà nước và giám sát đối với hoạt động đầu tư nước ngoài; công khai hoá các quy trình, thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hoá thủ tục, tăng cường giám sát; rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép đầu tư.

b) Thường xuyên rà soát, đánh giá và giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh của các dự án đầu tư nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án có hiệu quả; xem xét rút Giấy phép đầu tư đối với các dự án không còn năng lực và điều kiện triển khai theo đúng thủ tục và quy trình pháp lý. Thực hiện chế độ giao ban định kỳ về đầu tư nước ngoài giữa các Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

c) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nghiêm chỉnh quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chấm dứt tình trạng ban hành văn bản trái thẩm quyền hoặc đưa ra các ưu đãi trái với pháp luật hiện hành.

5. Về công tác vận động, xúc tiến đầu tư

a) Đổi mới mạnh mẽ về nội dung và phương thức vận động, xúc tiến đầu tư; chú trọng xúc tiến đầu tư theo lĩnh vực, địa bàn và đối tác cụ thể, chú trọng thu hút đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

[...]
10
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ