Quyết định 862/1999/QĐ-TTg phê duyệt Dự án hợp tác Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EU) Phát triển nông thôn Sơn La - Lai Châu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 862/1999/QĐ-TTg |
Ngày ban hành | 09/09/1999 |
Ngày có hiệu lực | 24/09/1999 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Công Tạn |
Lĩnh vực | Đầu tư |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 862/1999/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 1999 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT DỰ ÁN HỢP TÁC VIỆT NAM - LIÊN MINH CHÂU ÂU (EU) PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SƠN LA - LAI CHÂU
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ban hành kèm theo Nghị định số 87/CP ngày 05 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ;
Căn cứ Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (công văn số 1989/BNN-HTQT ngày 03 tháng 6 năm 1999) và Bộ Kế họach và Đầu tư (công văn số 5665 BKH/VPTĐ ngày 27 tháng 8 năm 1999) về việc phê duyệt Dự án hợp tác Việt Nam - EU Phát triển nông thôn Sơn La - Lai Châu,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Dự án Phát triển nông thôn Sơn La - Lai Châu sử dụng viện trợ không hoàn lại của EU và nội dung Hiệp định tài chính của Dự án, với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tên gọi của Dự án : Phát triển nông thôn Sơn La - Lai Châu (Việt Nam - EU : ALA/97/18).
2. Thời hạn thực hiện Dự án : 5 năm (1999 - 2003).
3. Vùng Dự án và đối tượng hưởng lợi của Dự án : Dự án được thực hiện tại hai tỉnh Sơn La và Lai Châu với đối tượng trực tiếp hưởng lợi của Dự án là bộ phận dân cư nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc tại các xã được lựa chọn thuộc 17 huyện của hai tỉnh Sơn La - Lai Châu.
4. Mục tiêu của Dự án :
a) Mục tiêu lâu dài : cải thiện an toàn lương thực cho các hộ gia đình tại vùng núi phía bắc Việt Nam thông qua việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên (đất, rừng) có hiệu quả và bền vững. Ngoài ra, Dự án còn thúc đẩy phát triển thể chế, tăng cường năng lực của chính quyền tỉnh, huyện trong việc tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật để giải quyết các vấn đề ưu tiên đang đặt ra đối với các cộng đồng nông thôn.
b) Mục tiêu trước mắt : tạo điều kiện cho bộ phận dân cư tại các xã nghèo thuộc 17 huyện của hai tỉnh Sơn La, Lai Châu tăng sản xuất lương thực, tham gia bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng một cách bền vững, tăng nguồn thu nhập bổ sung và tăng khả năng tiếp cận thị trường bên ngoài thông qua hoạt động hỗ trợ của các hợp phần Dự án.
5. Các hợp phần của Dự án bao gồm : (1) Phát triển nông nghiệp, (2) Bảo vệ và tái sinh rừng, (3) Giáo dục phổ thông cấp thôn bản, (4) Cải tạo đường, (5) Cấp nước cho thôn bản, (6) Phòng chống ma tuý ở cấp cộng đồng.
6. Chủ quản dự án : Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
7. Thực hiện dự án : ủy ban nhân dân hai tỉnh Sơn La, Lai Châu.
8. Đầu tư của Dự án : tổng vốn đầu tư cho Dự án là 21,450 triệu EURO, bao gồm :
a) Vốn viện trợ không hoàn lại của EU 19,940 triệu EURO.
b) Vốn đối ứng của Việt Nam 1,51 triệu EURO bao gồm 0,4 triệu EURO bằng hiện vật (lương cán bộ, đất làm văn phòng Dự án ở hai tỉnh) và 1,11 triệu EURO bằng tiền mặt tương đương 17 tỷ đồng Việt Nam trong đó phần chi tại hai tỉnh là 16,5 tỷ, phần chi cho Ban Điều hành Trung ương 0,5 tỷ trong thời gian 05 năm.
Điều 2. Tổ chức thực hiện Dự án
Căn cứ Hiệp định tài chính của Dự án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chủ quản dự án - chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Dự án, thiết lập bộ máy thực hiện Dự án như sau :
1. Thành lập Ban điều hành Dự án cấp Trung ương (PSC) do đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng Ban. Thành viên của Ban Điều hành Trung ương bao gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện các Bộ có liên quan, đại diện lãnh đạo hai tỉnh Sơn La, Lai Châu, và hai đồng giám đốc Dự án. Đại diện EU Hà Nội được mời tham dự các phiên họp PSC với tư cách quan sát viên.
2. Thành lập Ban điều phối cấp tỉnh (PCC) do đại diện lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh làm chủ nhiệm để trực tiếp chỉ đạo các họat động của Dự án tại mỗi tỉnh. Thành phần Ban điều phối cấp tỉnh có đại diện một số ban, ngành của tỉnh và hai đồng giám đốc Ban quản lý Dự án.
3. Hình thành Ban quản lý Dự án (PMU) có văn phòng làm việc tại Sơn La và Lai Châu, trực tiếp chịu trách nhiệm sử dụng vốn viện trợ của EU và vốn đối ứng của Chính phủ để thực hiện các hoạt động của Dự án. Dự án hoạt động theo chế độ đồng giám đốc của hai bên Việt Nam và EU.
4. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với ủy ban nhân dân hai tỉnh Sơn La, Lai Châu cùng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan khác, thông qua Ban Điều hành cấp Trung ương và Ban quản lý Dự án chịu trách nhiệm :
- Phê duyệt Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch hoạt động hàng năm của Dự án.
- Phân bổ cụ thể vốn đầu tư của Dự án theo văn bản thiết kế Dự án và theo Kế hoạch tổng thể của Dự án.
- Xác định địa bàn thực hiện các hợp phần của Dự án và các hạng mục công trình cụ thể, đặc biệt chú trọng việc phối kết hợp với hoạt động của các dự án khác do các nguồn vốn trong, ngoài nước đầu tư nhằm tránh trùng lặp và tạo điều kiện phát triển nông thôn tổng hợp.
- Xây dựng và ban hành Quy chế quản lý Dự án áp dụng thống nhất trong cả hai tỉnh Sơn La và Lai Châu.
5. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính bố trí vốn đối ứng để thực hiện các hoạt động của Dự án theo cam kết của Chính phủ được ghi cụ thể trong Hiệp định Tài chính của Dự án.
6. Giao Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh Sơn La và Lai Châu, dưới sự điều hành chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chịu trách nhiệm thực hiện Dự án trên địa bàn mỗi tỉnh, phê duyệt các tiểu dự án đầu tư trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể của Dự án và huy động nguồn lực địa phương tổ chức thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam về đầu tư, về quản lý và sử dụng viện trợ phát triển và phù hợp với thông lệ của EU.
Điều 3. Giao Bộ Ngoại giao làm thủ tục ủy quyền cho lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thay mặt Chính phủ ký Hiệp định Tài chính của Dự án với phía EU.
Điều 4. Dự án được nhập miễn thuế theo quy định hiện hành một số xe ôtô hai cầu (station-wagon) và xe bán tải (pick-up) theo nguyên tắc cần thiết và hợp lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc cụ thể với Bộ Tài chính để xác định số lượng cụ thể theo nguyên tắc nói trên.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Bộ trưởng các Bộ : Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao, Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc và Miền núi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh : Sơn La, Lai Châu và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan của Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |