Quyết định 1418/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Đề án chống thất thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 1418/QĐ-UBND
Ngày ban hành 12/06/2024
Ngày có hiệu lực 12/06/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Hồ Quang Bửu
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1418/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 12 tháng 6 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CHỐNG THẤT THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019.

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019;

Theo đề nghị của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam tại Tờ trình số 4873/TTr-CTQNA ngày 05/6/2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án "Chống thất thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam".

Điều 2. Cục Thuế tỉnh chủ trì, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án cụ thể đối với các đơn vị trực thuộc Cục Thuế tỉnh; phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Đề án đạt hiệu quả, đúng quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1734/QĐ-UBND ngày 29/6/2020 của UBND tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT TU, TT HĐND tỉnh;
- QCT, các PCT UBND tỉnh;
- Các thành viên Ban Chỉ đạo
tại Quyết định số 1004/QĐ-UBND
ngày 24/4/2024 của UBND tỉnh;
- CPVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
Q. CHỦ TỊCH




Hồ Quang Bửu

 

ĐỀ ÁN

CHỐNG THẤT THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1418/QĐ-UBND ngày 12/6/2024 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Phần I

QUY ĐỊNH CHUNG

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Những năm gần đây, do dịch bệnh và biến đổi khí hậu đã tác động ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế cũng như số thu ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, công tác thu ngân sách trên địa bàn có nhiều kết quả tích cực, cụ thể: năm 2021 tổng thu nộp ngân sách được 22.931 tỷ đồng, đạt 118,5% dự toán, năm 2022 thu được 33.435 tỷ đồng, đạt 141,1% dự toán, năm 2023 tổng thu được 24.930 tỷ đồng, đạt 93,4% dự toán; trong đó thu nội địa liên tiếp 3 năm đều đạt kế hoạch: năm 2021 đạt 122,3% dự toán, năm 2022 đạt 140,3% dự toán, năm 2023 đạt 103,6% dự toán. Có được kết quả trên là nhờ Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ; ban hành nhiều giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp, người dân nhanh chóng ổn định, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau thời gian dài xảy ra dịch bệnh. Ngoài ra, còn có sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của tập thể người lao động ngành Thuế của tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, Ban, ngành, địa phương trong công tác quản lý thu ngân sách và sự đồng hành của doanh nghiệp, người dân. Mặc dù vậy, ở một số lĩnh vực, hoạt động kinh doanh vẫn còn thất thu ngân sách do doanh nghiệp, người dân chưa nắm bắt đầy đủ, kịp thời các quy định mới của pháp luật trong kê khai, nộp thuế; công tác phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành, địa phương trong thu ngân sách một số nơi chưa kịp thời, chưa đồng bộ.

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của Chính phủ, ngành Thuế đã không ngừng xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), cung cấp các dịch vụ điện tử hỗ trợ người nộp thuế và tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia, phục vụ công tác quản lý thuế, nhất là quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số... Việc xây dựng giải pháp về CNTT để tăng cường quản lý, chống thất thu ngân sách, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế là tất yếu.

Từ những lý do nêu trên, việc xác định các giải pháp phối hợp một cách đồng bộ, tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý thu ngân sách để chống thất thu ở một số lĩnh vực, hoạt động kinh doanh là cần thiết nhằm bảo đảm nguồn thu hàng năm; đảm bảo sự công bằng trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế giữa các DN, người dân; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; nâng cao tính tuân thủ pháp luật về thuế và tạo sự đồng thuận của DN, người dân trong việc thực hiện nghĩa vụ với nhà nước; góp phần phát triển kinh tế của tỉnh ngày một bền vững. Do vậy, việc ban hành Đề án “Chống thất thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” trong giai đoạn hiện nay là cần thiết.

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu

Tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu và chống thất thu có hiệu quả đối với một số lĩnh vực, hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự chủ động phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương trong công tác quản lý thu ngân sách nhằm ngăn ngừa và chống thất thu đối với một số lĩnh vực, hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh một cách hiệu quả.

Ứng dụng CNTT, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý thu ngân sách để quản lý bao quát nguồn thu, chống thất thu ngân sách; đặc biệt quản lý thu thuế tốt trên các sàn giao dịch số, các hoạt động chuyển đổi số theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, sự chuyển đổi kinh doanh của các doanh nghiệp sang nền tảng số. Xây dựng cơ sở dữ liệu để kết nối, trao đổi thông tin với các cơ quan, tổ chức liên quan. Thực hiện công cuộc đẩy mạnh CNTT, hiện đại hóa ngành, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành Thuế.

Thực hiện chống thất thu có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực, hoạt động kinh doanh có rủi ro cao về thuế tạo sự công bằng, môi trường cạnh tranh lành mạnh cho người nộp thuế, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế trong việc thực hiện các quy định của pháp luật nói chung và chính sách thuế nói riêng. Kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh.

[...]