Quyết định 09/2008/QĐ-UBND về kế hoạch hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau thực hiện chương trình hành động của Chính phủ và Tỉnh ủy về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO

Số hiệu 09/2008/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/04/2008
Ngày có hiệu lực 12/04/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Bùi Công Bửu
Lĩnh vực Đầu tư,Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2008/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 02 tháng 4 năm 2008

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27/02/2007 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO);

Căn cứ Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 04/6/2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại và Báo cáo thẩm định số 38/STP-TĐ ngày 21/3/2008 của Sở Tư pháp,

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Thương mại chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch hành động, định kỳ hàng quý tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh Cà Mau.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ; (để báo cáo)
- Bộ Công Thương; (để báo cáo)
- Cục kiểm tra VB, Bộ Tư pháp; (để báo cáo)
- TT Tỉnh ủy; (để báo cáo)
- TT HĐND tỉnh; (để báo cáo)
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Webtise tỉnh Cà Mau;
- CV các khối;
- Lưu: VT-Li04.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Bùi Công Bửu

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG CỦA UBND TỈNH CÀ MAU THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ VÀ TỈNH ỦY VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH LỚN ĐỂ NỀN KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG KHI VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN CỦA WTO
(Kèm theo Quyết định số 09/2008/QĐ-UBND ngày 02/4/2008 của UBND tỉnh Cà Mau)

Phần I

PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ CÁC YẾU TỐ VÀ ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN

1. Khả năng phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh:

Cà Mau là tỉnh cực nam Tổ Quốc, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và nằm trọn trên bán đảo Cà Mau. Mũi Cà Mau (mốc tọa độ số 0) là địa danh có ý nghĩa kinh tế - chính trị, có ý nghĩa thiêng liêng đối với nhân dân cả nước, có tầm chiến lược về an ninh - quốc phòng, thuận lợi phát triển kinh tế biển.

Tỉnh Cà Mau có diện tích 5.329,5 km2, là tỉnh có diện tích vào loại lớn trong vùng (chỉ sau tỉnh Kiên Giang). Đất đai của tỉnh là đất trẻ, mới được khai phá sử dụng, có độ phì trung bình khá, hàm lượng chất hữu cơ cao. Các tài nguyên đất đai, khí hậu, nguồn nước… tương đối thuận lợi, là tiềm năng lớn để phát triển kinh tế Ngư - Nông - Lâm nghiệp, tạo nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp chế biến xuất khẩu và du lịch tham quan gắn với du lịch sinh thái, biển đảo.

Tài nguyên biển là tiềm năng, lợi thế to lớn và quan trọng nhất của tỉnh Cà Mau; là tỉnh duy nhất trong vùng và cả nước có 3 mặt giáp biển trải dài từ biển Đông sang biển Tây với bờ biển dài 254 km, nằm trong vòng cung đường biển của nhiều trung tâm phát triển của khu vực Đông Nam Á với nhiều hòn đảo (Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc…) có vị trí chiến lược quan trọng, là cầu nối để khai thác kinh tế biển, ven biển và là tiền tiêu bảo vệ Tổ quốc; ngư trường rộng trên 80.000 km2 với nhiều loại thủy sản quý hiếm, có trữ lượng lớn, khả năng khai thác khoảng 250.000 tấn/năm và có tiềm năng khá lớn về dầu khí trong lòng biển (trữ lượng tiềm năng khoảng 172 tỷ m3, đã phát hiện 30 tỷ m3, sản lượng khai thác có thể đạt 8,25 tỷ m3/năm). Vùng ven biển Cà Mau (gồm có 6 huyện) có nguồn tài nguyên rừng phong phú, đa dạng với 2 hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng ngập lợ trên 145.600 ha (bằng 36,9% diện tích đất rừng vùng ĐBSCL), có điều kiện phát triển kinh tế lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học. Cà Mau còn có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt với 33 cửa sông lớn, nhỏ thông ra biển; cảng Năm Căn có khả năng xây dựng và phát triển thành cảng nước sâu, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế các vùng ven biển, phát triển kinh tế biển theo định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và phòng chống thiên tai, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh.

Trong mối quan hệ của khu vực, Cà Mau là 1 trong 4 tiểu vùng kinh tế đang được quy hoạch xây dựng thành vùng kinh tế động lực của ĐBSCL; là điểm đến của một số tuyến quốc lộ và tuyến đường thủy quan trọng (như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 63, Quản lộ Phụng Hiệp, tuyến đường thủy Cà Mau - TP.Hồ Chí Minh, Cảng hàng không Cà Mau - TP.HCM, Cảng biển Năm Căn…). Với dự án tiểu vùng MêKông mở rộng thì Cà Mau được xác định nằm trong hành lang phát triển phía nam (Băngkok - Phnompenh - Hà Tiên - Cà Mau), đây cũng là tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn II được nối dài đến Mũi Cà Mau.

Về vị trí địa lý kinh tế, Cà Mau có lợi thế so sánh và thế mạnh quan trọng so với một số tỉnh trong vùng ĐBSCL. Trong tương lai, tỉnh Cà Mau sẽ trở thành một cực phát triển đối trọng trong vùng, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của toàn vùng ĐBSCL. Với dự án cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm đang được đầu tư và đưa vào sử dụng, Cà Mau sẽ thực sự trở thành một cực phát triển của tứ giác Cà Mau - Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang. Cà Mau còn có khả năng hợp tác phát triển một số lĩnh vực với các tỉnh, thành phố trong khu vực như: liên kết khai thác du lịch lữ hành, tổ chức các tour du lịch (đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch biển đảo), đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp lao động cho các khu công nghiệp…

Lợi thế phát triển vùng kinh tế biển và ven biển là có tài nguyên biển (dầu khí, thủy hải sản, du lịch, vận tải sông biển…). Định hướng xây dựng vùng biển và ven biển trở thành “vùng kinh tế mở”, hướng mạnh phát triển ra biển, từng bước xây dựng vùng biển và ven biển trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh.

Dân số của tỉnh năm 2007 khoảng 1.250 ngàn người, có nguồn lao động trẻ rất dồi dào (chiếm khoảng 60% dân số), nhanh nhạy nắm bắt, thích ứng với các cơ chế kinh tế mới và những điều chỉnh của thị trường trước yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

2. Dự báo cơ cấu kinh tế của tỉnh:

Hiện tại, tỷ trọng các ngành khu vực I chiếm 45, 57% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Các ngành khu vực I là tiềm năng và thế mạnh kinh tế của tỉnh, trong những năm tới kinh tế nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng vì nó giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực thực phẩm và hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu tăng trưởng, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển của cả nước thì phải xây dựng một cơ cấu kinh tế hiệu quả, hiện đại và có khả năng thích nghi cao trong điều kiện hội nhập, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vừa phát huy được những lợi thế, tiềm năng của tỉnh, vừa phát huy được nguồn lực của tất cả các thành phần kinh tế.

Định hướng phát triển của tỉnh là ưu tiên phát triển nhanh công nghiệp và dịch vụ cho suốt thời kỳ 2007 - 2020. Tuy nhiên, bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong giai đoạn 2007 - 2010 là chậm hơn giai đoạn sau. Dự báo đến 2010 tỷ trọng các ngành khu vực I còn khoảng 39%, tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng sẽ tăng nhanh. Năm 2010 cơ cấu kinh tế của tỉnh vẫn là nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ; đến 2015 sẽ hình thành cơ cấu kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp và cơ cấu này được củng cố vững chắc ở những năm 2020.

Phần II

MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu chung:

[...]