Quyết định 135/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án "Chuyển hóa, xây dựng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sơn La không có ma túy giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030"

Số hiệu 135/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/01/2023
Ngày có hiệu lực 19/01/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 135/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 19 tháng 01 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN “CHUYỂN HÓA, XÂY DỰNG XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA KHÔNG CÓ MA TÚY, GIAI ĐOẠN 2023 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030”

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 30 tháng 3 năm 2021;

Căn cứ Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy;

Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 11/TTr-CAT- PTM ngày 12 tháng 01 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Chuyển hóa, xây dựng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sơn La không có ma túy, giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm (để b/c);
- Bộ Công an (để b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tỉnh;
- Văn phòng Bộ Công an;
- Các Ban Đảng thuộc Tỉnh ủy;
- Công an tỉnh; Bộ CHQS tỉnh; Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh;
- Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Các huyện ủy, thành ủy;
- Trường Đại học Tây Bắc;
- Như Điều 3;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC, ĐH50b.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Quốc Khánh

 

ĐỀ ÁN

CHUYỂN HÓA, XÂY DỰNG XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA KHÔNG CÓ MA TÚY, GIAI ĐOẠN 2023 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 19/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MA TÚY GIAI ĐOẠN 2019 - 2022 VÀ SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN

Sơn La là một trong những địa phương trọng điểm về ma túy của cả nước với 274,065 km đường biên giới giáp tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng, nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, cách khu vực “Tam giác vàng” - trung tâm sản xuất ma tuý lớn của thế giới khoảng 700 km, nằm trên tuyến trọng điểm Tây Bắc mà tội phạm lợi dụng để hoạt động vận chuyển ma túy qua biên giới vào nội địa. Tỉnh có 11 huyện, 01 thành phố; 204 xã, phường, thị trấn; 2.303 bản, tiểu khu, tổ dân phố; trong đó có 06 huyện biên giới với 17 xã; có 02 huyện, 118 xã, 1.708 bản đặc biệt khó khăn; dân số toàn tỉnh trên 1,3 triệu người, trong đó khoảng 82% là dân tộc thiểu số, 79% sinh sống ở khu vực nông thôn.

Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý, Quyết định số 1425/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 179-KH/TU ngày 20/12/2019 về thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW và Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 11/11/2021 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh; thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Hội đồng nhân dân tỉnh đã rà soát, sửa đổi bổ sung và ban hành 03 Nghị quyết; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 01 chỉ thị, 22 kế hoạch, 08 quyết định và nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đấu tranh phòng, chống và kiểm soát ma túy. Trong giai đoạn 2019 - 2022, tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn cơ bản được kiềm chế, kiểm soát, tuy nhiên vẫn diễn biến phức tạp tại một số huyện biên giới, tuyến, địa bàn trọng điểm, cụ thể:

(1) Tình hình tệ nạn ma tuý: Số người nghiện trên địa bàn còn nhiều, đến ngày 20/12/2022 trên địa bàn toàn tỉnh có 6.486 người liên quan đến nghiện các chất ma túy có hồ sơ quản lý (chiếm khoảng 0,56% dân số toàn tỉnh; so với cuối năm 2018 giảm 2.299/8.785 người nghiện = 26%; trung bình mỗi năm giảm 574 người), trong đó: * số đang điều trị tại cơ sở cai nghiện ma túy 1.447 người (chiếm 22,3%); * số cai nghiện tại gia đình, cộng đồng 821 người (chiếm 12,7%); * số tham gia điều trị nghiện bằng thuốc thay thế là Methadone và Buprenophine 970 người (chiếm 15%); * số trong cơ sở giam giữ 773 người (chiếm 11,9%); * số đang trong thời gian theo dõi sau cai 1.861 người (chiếm 28,7%); * số đã hết thời gian theo dõi sau cai nhưng nguy cơ tái nghiện cao 614 người (chiếm 9,5%); ngoài ra có 869 người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý.

Công tác rà soát, phát hiện người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, chưa phản ánh đầy đủ thực trạng tình hình tệ nạn ma túy trên địa bàn. Công tác cai nghiện, quản lý người nghiện ma túy ở một số địa bàn cơ sở còn bất cập; tỷ lệ số người tái nghiện còn cao (447/3403 người chiếm 14% người tái nghiện sau cai từ 01 - 05 năm); số người được hỗ trợ sau cai nghiện còn hạn chế (trong số 3403 người quản lý sau cai có 724 người được tư vấn, 249 người được giới thiệu việc làm; 23 hộ được vay vốn…). Số người nghiện, người sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy mới, sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy trẻ hóa và có xu hướng gia tăng, khó kiểm soát, trong khi đó mô hình điều trị nghiện các chất ma túy dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế là Methadone và Buprenophine chỉ áp dụng điều trị đối với các chất ma túy truyền thống. Số người nghiện ngoài cộng đồng còn chiếm tỷ lệ lớn và chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đây là “nguồn cầu” tiêu thụ ma túy lớn, là một trong những nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm khác về trật tự xã hội.

(2) Tình hình tội phạm về ma túy: Từ năm 2019 đến 2022 đã phát hiện, bắt giữ 4.624 vụ, 6.011 đối tượng; thu giữ: 191,01kg hêrôin, 46,8kg thuốc phiện, 1.794.124 viên ma túy tổng hợp, 11.745,65kg ma túy khác, 45 khẩu súng, 717 viên đạn các loại và nhiều tang vật liên quan (trung bình bắt giữ 1.156 vụ, 1.503 đối tượng/năm; so với giai đoạn 2015 - 2018: tăng 221/935 vụ, 62/1.441 đối tượng; giảm 42kg hêrôin, 6.966kg thuốc phiện; tăng 193.206 viên MTTH, 2.630 kg ma túy khác); đã phát hiện triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn xuyên quốc gia, qua biên giới; triệt xóa nhiều điểm, đối tượng bán lẻ ma túy.

Tuy nhiên, số vụ phạm tội ma túy hằng năm luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ phạm tội trên địa bàn (trên 70%); trong đó chủ yếu là tội phạm về tàng trữ trái phép chất ma túy để sử dụng và mua bán nhỏ lẻ (khoảng 80%); vẫn còn hiện tượng tái trồng cây thuốc phiện (phát hiện, triệt phá 27.110,16 m² tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh của huyện Mường La, Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu, Sốp Cộp và Quỳnh Nhai; trung bình triệt xóa 7.230m²/năm; so với năm 2018 giảm 10.000/17.200m²); chưa giải quyết căn bản, hiệu quả các điểm, tụ điểm, đối tượng bán lẻ ở xã, phường, thị trấn; chưa triệt phá được những tổ chức, đường dây tội phạm, những đối tượng chủ mưu, cầm đầu mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài, từ địa phương khác vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ và luân chuyển đi các địa phương, đây là “nguồn cung” gây nên tình trạng tội phạm, tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, biến Sơn La thành một trong những địa bàn trung chuyển ma túy.

(3) Tình hình địa bàn liên quan đến ma tuý: Năm 2022 qua thẩm định, đánh giá có: (i) 32 xã, phường, thị trấn; 1.191 bản, tiểu khu, tổ dân phố; 2.011 cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế không có ma túy; (ii) 84 xã, phường, thị trấn; 901 bản, tiểu khu, tổ dân phố; 08 cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế có tệ nạn ma túy; (iii) 417 bản, tiểu khu, tổ dân phố; 88 xã, phường, thị trấn trọng điểm ma túy, trong đó 05 xã loại I; 17 xã loại II; 66 xã loại III (so với năm 2018 * chuyển hóa giảm mức độ trọng điểm 19 xã, trong đó 08 xã loại 1,05 xã loại II, 06 xã loại III; * chuyển hóa từ xã trọng điểm thành địa bàn có tệ nạn ma túy ít phức tạp 11 xã; * chuyển hóa từ địa bàn có tệ nạn thành địa bàn không có ma túy 08 xã).

Công tác giữ vững, xây dựng địa bàn không có ma túy, chuyển hóa địa bàn trọng điểm về ma túy chưa được quan tâm đúng mức, nhất là việc rà soát, quản lý, kiểm soát và giải quyết số người nghiện, người sử dụng ma túy trong cộng đồng, triệt phá điểm, tụ điểm tệ nạn ma túy để xây dựng các “địa bàn “sạch” không có ma túy”. Kết quả chuyển hóa chưa bền vững, số địa bàn được chuyển hóa còn thấp, chưa quan tâm giữ ổn định các địa bàn đã được chuyển hóa, để tình hình tái phức tạp trở lại. Đáng chú ý, tỷ lệ xã, phường, thị trấn không có ma túy đạt được ở giai đoạn này còn thấp hơn số địa bàn đã đạt được năm 2012 khi tổng kết thực hiện Kết luận số 03-KL/TU ngày 07/01/2006 của Tỉnh ủy (năm 2012 toàn tỉnh có 45 xã không có ma túy). Kết quả công tác chuyển hóa phản ánh chưa tương xứng với sự quan tâm lãnh đạo, đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy của tỉnh, chưa gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân, của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị để xảy ra tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy phức tạp kéo dài trên địa bàn; chưa lấy hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn được giao phụ trách là một chỉ tiêu đánh giá, xếp loại cán bộ.

Nguyên nhân: Bên cạnh những yếu tố khách quan về địa lý, biên giới, dân tộc, trình độ nhận thức của người dân, chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan: (1) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy của một số cấp ủy, chính quyền, địa phương còn hình thức, nặng về văn bản mà thiếu kiểm tra, đôn đốc thường xuyên; (2) Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, đồng bộ dẫn đến chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; (3) Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy có nơi, có lúc chưa thực sự hiệu quả, nhất là đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số; (4) Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các ngành chưa thống nhất, lúng túng trong triển khai, thực hiện ở cơ sở (trọng tâm là những thay đổi của Luật phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành).

Xuất phát từ tình hình trên, để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị; Quyết định số 1425/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 179-KH/TU ngày 20/12/2019, Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 11/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Dự án trong Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 -2025 của Chính phủ, trọng tâm là Dự án “Giải quyết điểm, tụ điểm và chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy tại xã, phường, thị trấn” theo Quyết định số 5027/QĐ-BCA-C04 ngày 05/7/2022 của Bộ Công an. Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định ban hành Đề án “Chuyển hóa, xây dựng địa bàn xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sơn La không có ma túy, giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu

[...]