Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 75/KH-UBND thực hiện giải pháp giữ vững xã không có ma túy và kéo giảm xã, phường, thị trấn có ma túy năm 2021 do tỉnh Đồng Tháp ban hành

Số hiệu 75/KH-UBND
Ngày ban hành 15/03/2021
Ngày có hiệu lực 15/03/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Phạm Thiện Nghĩa
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 75/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 15 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP GIỮ VỮNG XÃ KHÔNG CÓ MA TÚY VÀ KÉO GIẢM XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN CÓ MA TÚY NĂM 2021

Thực hiện Kế hoạch số 172-KH/TU ngày 10 tháng 10 năm 2019 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện các giải pháp giữ vững xã không có ma túy và kéo giảm xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) có ma túy năm 2021 như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Giữ vững, không để phát sinh ma túy tại 9 xã không có ma túy được công nhận năm 2020; phấn đấu đến cuối năm 2021 mỗi huyện, thành phố chuyển hóa ít nhất 01 xã từ có ma túy thành không có ma túy.

2. Huy động hệ thống chính trị và toàn xã hội, tích cực tham gia công tác xây dựng xã không có ma túy; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong phòng, chống ma túy; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng bảo vệ an ninh, trật tự trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy tại địa bàn cơ sở.

II. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác rà soát, xác định địa bàn

- Mỗi huyện, thành phố tổ chức rà soát, chọn 01 xã có ma túy, để chuyển hóa thành xã không có ma túy.

- Các huyện, thành phố có xã được công nhận không có ma túy trong năm 2020 phải xây dựng Kế hoạch giữ vững, không để phát sinh ma túy.

2. Công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy và củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình phòng, chống ma túy tại địa bàn cơ sở

- Tăng thời lượng tuyên truyền phòng, chống ma túy trên hệ thống truyền thông ở xã, để giúp người dân hiểu rõ tác hại của ma túy, cách nhận biết triệu chứng của người nghiện ma túy, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy và trách nhiệm của công dân trong phòng, chống ma túy.

- Phát huy vai trò của người có uy tín trong dòng họ, chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu tại khóm, ấp trong tuyên truyền, vận động người dân không tham gia tệ nạn ma túy và cảm hóa, giáo dục người nghiện ma túy tại cộng đồng dân cư.

- Tuyên truyền trực quan (Bản tin, panô…) tại các địa điểm đông người, trung tâm cấp xã, qua mạng internet.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao năng lực chuyên môn cho lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt ở cơ sở (Thành viên Hội đồng bảo vệ an ninh, trật tự, Trưởng các khóm, ấp, Tổ trưởng Tổ Nhân dân tự quản).

- Thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ, để thu hút thanh thiếu niên và người nghiện ma túy tham gia, góp phần nâng cao sức khỏe, hạn chế bị lôi kéo sử dụng ma túy hoặc quyết tâm cai nghiện ma túy.

- Tuyên truyền, vận động cá biệt số người có nguy cơ cao như: Người lao động đi làm ăn xa, thanh thiếu niên bỏ học, sống lang thang, người lao động theo thời vụ, người nghiện, người có tiền án, tiền sự về ma túy, người đang quản lý, giáo dục tại cấp xã; đưa nội dung phòng, chống ma túy vào Quy ước khóm, ấp và xem đây là một trong những tiêu chí xét công nhận các danh hiệu văn hóa trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

- Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” gắn với hỗ trợ vay vốn từ “Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng”, để giúp người nghiện ma túy có việc làm, có thu nhập, chí thú lao động, phòng ngừa tái nghiện.

- Phát huy vai trò của Tổ Nhân dân tự quản trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ con em trong tổ nghiện ma túy.

3. Rà soát, thống kê, phân loại người nghiện ma túy và xã có ma túy

- Rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác người nghiện ma túy trên địa bàn, tiến hành phân loại, để phân công các ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp quản lý, giúp đỡ.

- Phối hợp lập hồ sơ người nghiện ma túy quản lý theo các Nghị định của Chính phủ, góp phần hạn chế phát sinh người nghiện mới.

- Xác định, phân loại các địa bàn trọng điểm về ma túy theo Hướng dẫn số 96/HD-BCĐ138.ĐP ngày 28 tháng 3 năm 2013 của Ban Chỉ đạo 138/ĐP Tỉnh về hướng dẫn trình tự, thủ tục xác định người nghiện ma túy và tiêu chí phân loại xã, phường, thị trấn có ma túy trên địa bàn Tỉnh.

4. Công tác hỗ trợ điều trị cho người nghiện ma túy tại cộng đồng

- Tổ chức tập huấn cho các thành viên Tổ công tác cai nghiện ở cơ sở về cách thức tư vấn, quản lý người nghiện ma túy tại cộng đồng.

- Xem xét, đánh giá về tình trạng nghiện, hoàn cảnh gia đình, nhân thân của người nghiện ma túy, để lập kế hoạch cai nghiện tại cộng đồng phù hợp; quản lý, theo dõi và hỗ trợ người cai nghiện tại cộng đồng.

- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Tổ công tác cai nghiện thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tại cộng đồng; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao, để giúp người cai nghiện ma túy phục hồi sức khỏe, nhân cách, hòa nhập cộng đồng.

- Tạo điều kiện cho người đã cai nghiện ma túy được học nghề, tìm việc làm, vay vốn, sản xuất, kinh doanh và tiếp cận với các dịch vụ y tế, xã hội, để phòng ngừa tái nghiện; huy động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ, tạo điều kiện cho người đã cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng các mô hình quản lý sau cai.

[...]