Quyết định 1305/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững của Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2020-2030

Số hiệu 1305/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/05/2020
Ngày có hiệu lực 25/05/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Lê Tuấn Quốc
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1305/QĐ-UBND

Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 25 tháng 5 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG CỦA BAN QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU, GIAI ĐOẠN 2020-2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng năm 2015;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng;

Căn cứ Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ về Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 4691/QĐ-BNN-TCLN ngày 27/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng;

Căn cứ Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững;

Căn cứ Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số nội dung quản lý đầu tư công trình lâm sinh;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 145/TTr-SNN ngày 28 tháng 4 năm 2020 về việc phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2020 - 2030 của Ban Quản lý rừng phòng hộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững của Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2020-2030, với nội dung chính như sau:

1. Tên chủ rừng: Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

2. Địa chỉ: số 153 đường 27/4, phường Phước Hiệp, thành phố Bà Rịa.

3. Hiện trạng tài nguyên rừng, đất đai và kết quả quản lý bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học

3.1. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp do Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý là 10.966,3 ha, trong đó diện tích rừng phòng hộ là 9.850,3 ha (rừng phòng hộ đầu nguồn là 4.267,2 ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát là 1.124,7 ha; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển là 4.458,4 ha) và diện tích có rừng ngoài ba loại rừng là 1.116,0 ha.

Phân theo loại đất, loại rừng: rừng tự nhiên là 2.047,3 ha, rừng trồng là 4.883,2 ha, đất chưa có rừng là 4.035,8 ha (bao gồm 366,1 ha đất đã trồng nhưng chưa thành rừng). Độ che phủ của rừng năm 2019 do Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý là 63,20%.

3.2. Trữ lượng rừng

Trữ lượng gỗ của Ban Quản lý rừng phòng hộ là 431.659 m3 (trữ lượng gỗ rừng phòng hộ là 363.425 m3 (rừng phòng hộ đầu nguồn là 254.584 m3; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát là 34.443 m3; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển là 74.398 m3) và trữ lượng gỗ ngoài 3 loại rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý là 68.234 m3), trong đó trữ lượng gỗ rừng tự nhiên là 100.405 m3, trữ lượng gỗ rừng trồng là 331.254 m3.

Trữ lượng gỗ rừng tự nhiên phân theo các trạng thái rừng như sau: rừng trung bình: 2.491 m3; rừng nghèo: 57.726 m3; rừng nghèo kiệt: 40.189 m3.

3.3. Kết quả quản lý bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học

- Công tác quản lý rừng: Đã quản lý tốt 10.966,3 ha (trong đó 9.850,3 ha rừng và đất rừng phòng hộ và 1.116,0 ha rừng ngoài 3 loại rừng). Diện tích rừng phòng hộ cơ bản đã khoán ổn định cho các tổ chức, hộ nhận khoán, cá nhân bảo vệ và gây trồng rừng phòng hộ. Hàng tháng Ban Quản lý rừng phòng hộ đã xây dựng kế hoạch phối kết hợp với lực lượng Kiểm lâm, địa phương và các ngành có chức năng liên quan kiểm tra, tuần tra truy quét bảo vệ rừng để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến rừng và đất lâm nghiệp.

[...]