Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Quyết định 1269/2003/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thành lập Học viện Tư pháp thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm Công tác tư pháp trong thời gian tới do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1269/2003/QĐ-TTg
Ngày ban hành 18/11/2003
Ngày có hiệu lực 18/11/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1269/2003/QĐ-TTG

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP HỌC VIỆN TƯ PHÁP THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 08-NQ/TW NGÀY 02 THÁNG 01 NĂM 2002 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC TƯ PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án thành lập Học viện Tư pháp với các nội dung chính sau đây :

1. Mục tiêu thành lập Học viện Tư pháp

a) Tập trung đầu mối đào tạo nghề nghiệp cho cán bộ có chức danh tư pháp trên cơ sở thống nhất nội dung, chương trình đào tạo; huy động tối đa nguồn nhân lực và cơ sở vật chất cho công tác đào tạo;

b) Đào tạo một cách chính quy đối với các chức danh tư pháp; trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho các chức danh tư pháp, bảo đảm "cán bộ có chức danh tư pháp phải có trình độ đại học luật và được đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp tư pháp theo chức danh" phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ mới của công tác tư pháp;

c) Nâng cao số lượng, chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp, tạo một mặt bằng trình độ cho các chức danh tư pháp, tạo khâu liên thông trong quá trình đào tạo pháp luật và thuận lợi cho công tác quy hoạch và sử dụng cán bộ;

d) Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp và tổ chức nghề nghiệp (Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Đoàn Luật sư...) trong công tác đào tạo các chức danh tư pháp;

đ) Kết hợp chiến lược đào tạo với kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực cho công cuộc cải cách tư pháp trong phạm vi toàn quốc;

e) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học theo hướng nâng cao tính lý luận và tăng cường tính ứng dụng, góp phần hỗ trợ công tác xây dựng pháp luật và hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp;

g) Tăng cường hợp tác quốc tế và khả năng sử dụng hiệu quả các chương trình hợp tác quốc tế cho công tác đào tạo cán bộ có chức danh tư pháp và nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác đào tạo.

2. Mô hình tổ chức bộ máy của Học viện Tư pháp

a) Địa vị pháp lý của Học viện Tư pháp :

- Học viện Tư pháp là cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học trực thuộc Bộ Tư pháp, hoạt động theo Điều lệ trường đại học;

­- Học viện Tư pháp là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng, có trụ sở tại Hà Nội và cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh.

b) Chức năng, nhiệm vụ của Học viện Tư pháp :

- Đào tạo nghiệp vụ thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên và các chức danh tư pháp khác;

- Bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho chấp hành viên, công chứng viên, luật sư và cán bộ có chức danh tư pháp khác thuộc quyền quản lý của Bộ Tư pháp;

- Nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chức danh tư pháp;

- Hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Tuỳ theo yêu cầu và đòi hỏi của thực tế, Học viện Tư pháp có thể được cơ quan có thẩm quyền giao thêm nhiệm vụ mới.

c) Tổ chức bộ máy của Học viện Tư pháp :

Tổ chức bộ máy của Học viện Tư pháp gồm có : Ban Giám đốc, các phòng, khoa, tổ bộ môn, Trung tâm thông tin và nghiên cứu khoa học và cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ Điều lệ trường đại học, Giám đốc Học viện Tư pháp quyết định thành lập đơn vị mới.

d) Đội ngũ giảng viên :

Giảng viên của Học viện Tư pháp bao gồm : giảng viên thuộc biên chế của Học viện Tư pháp và giảng viên kiêm chức được mời từ các toà án, viện kiểm sát, các đoàn luật sư, các cơ quan tư pháp khác; giảng viên của các cơ sở đào tạo pháp luật; chuyên gia pháp luật đang công tác tại các cơ quan trung ương và địa phương.

[...]