Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 1259/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020

Số hiệu 1259/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/06/2014
Ngày có hiệu lực 05/06/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Xuân Tiến
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1259/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 05 tháng 06 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN ĐỨC TRỌNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 1462/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Xét Tờ trình số 160/TTr-UBND ngày 11 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban nhân dân huyện Đức Trọng về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đức Trọng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đức Trọng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển kinh tế - xã hội huyện Đức Trọng phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng và mối quan hệ với thành phố Đà Lạt và các địa phương lân cận.

2. Phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển với tốc độ nhanh và bền vững. Thu hút và đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, coi trọng việc bảo vệ môi trường sinh thái.

3. Phát triển kinh tế nhiều thành phần, đa dạng hóa các loại hình sản xuất kinh doanh nhằm tạo ra nội lực vững mạnh và môi trường thuận lợi, để thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư và công nghệ mới từ bên ngoài. Gắn phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các tầng lớp dân cư; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

4. Phát huy yếu tố nguồn lực con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho lao động nông thôn.

5. Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, giữ vững vị trí là một trong 4 địa bàn trọng điểm về kinh tế - xã hội và có GDP bình quân đầu người cao hơn bình quân chung của tỉnh. Đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, nâng cao tỷ trọng của ngành công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, nhanh chóng đưa huyện Đức Trọng trở thành trung tâm công nghiệp và dịch vụ - thương mại của tỉnh, đồng thời phát huy lợi thế trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn công nghiệp chế biến; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ để nâng cấp huyện Đức Trọng trở thành thị xã trong đó khu vực nội thị có kết cấu hạ tầng tương đương đô thị loại III; đời sống vật chất và văn hóa - tinh thần của nhân dân được cải thiện; quốc phòng - an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể

a) Về phát triển kinh tế:

- Tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 2011-2015 đạt 16.5% (trong đó nông, lâm, thủy sản tăng 9%, công nghiệp - xây dựng tăng 21%, dịch vụ tăng 20,7%); thời kỳ 2016-2020 đạt 15.5% (trong đó nông, lâm, thủy sản tăng 7,3%; công nghiệp - xây dựng tăng 19%; dịch vụ tăng 17,1%).

- GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 55,5 triệu đồng và đến năm 2020 đạt 104,3 triệu đồng (1).

- Tỷ trọng ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế vào năm 2015 là 29-30%; 39-40%; 30-31%; đến năm 2020 cơ cấu kinh tế tương ứng là: 22%, 44%, 34%.

- Tỷ lệ huy động vào ngân sách đạt 10-11% GDP, tổng thu ngân sách giai đoạn 2011 - 2015 đạt 3.700-3.800 tỷ đồng, tỷ lệ huy động ngân sách so với GDP bằng 10-11% vào năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8.500-8.600 tỷ đồng, bằng 9-9.5% so với GDP vào năm 2020.

- Tổng vốn đầu tư xã hội thời kỳ 2011-2015 khoảng 25.968 tỷ đồng, thời kỳ 2016-2020 khoảng 52.344 tỷ đồng.

b) Về phát triển xã hội:

[...]