Quyết định 704/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 704/QĐ-TTg
Ngày ban hành 12/05/2014
Ngày có hiệu lực 12/05/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 704/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 05 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT VÀ VÙNG PHỤ CẬN ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Báo cáo thẩm định của Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch:

Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận bao gồm: Thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà (gồm: Thị trấn Nam Ban và các xã: Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà) với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 335.930 ha, dân số 529.631 người (năm 2011). Trong đó, thành phố Đà Lạt có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 39.440 ha, dân số 211.696 người (năm 2011).

2. Tính chất:

Là Trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; Trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế; Trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia; Trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia; Trung tâm thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm; Trung tâm văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao và giải trí cấp vùng; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước.

3. Mục tiêu phát triển: Xây dựng phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.

4. Các dự báo phát triển:

a) Quy mô dân số:

- Đến năm 2020, dự báo dân số khoảng 600.000 - 650.000 người, trong đó khoảng 40.000 - 50.000 người quy đổi từ khách du lịch. Dân số đô thị khoảng 350.000 - 400.000 người, trong đó khoảng 25.000 người quy đổi từ khách du lịch. Tỷ lệ đô thị hóa từ 55% đến 60%. Dự báo khách du lịch khoảng 5 đến 6 triệu người.

- Đến năm 2030, dự báo dân số khoảng 700.000 - 750.000 người, trong đó khoảng 70.000 - 80.000 người quy đổi từ khách du lịch. Dân số đô thị khoảng 450.000 - 500.000 người, trong đó khoảng 40.000 người quy đổi từ khách du lịch. Tỷ lệ đô thị hóa từ 60% đến 70%. Dự báo khách du lịch khoảng 9 đến 10 triệu người.

b) Quy mô đất đai:

- Đến năm 2020, quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 8.000 - 9.000 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 3.000 - 3.500 ha. Đến năm 2030, quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 11.000 - 12.000 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 4.000 - 5.000 ha.

- Đất phát triển du lịch sinh thái rừng đến năm 2020 dự kiến khoảng 3.000 - 4.000 ha, đến năm 2030 dự kiến khoảng 6.000 - 7.000 ha (phần lớn nằm trong rừng phòng hộ và rừng sản xuất, không bao gồm mặt nước).

- Đất xây dựng nông thôn khoảng 2.500 - 3.500 ha.

5. Mô hình phát triển và cấu trúc không gian thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận:

Phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận theo mô hình chuỗi các đô thị liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm; kết nối với các vùng du lịch sinh thái, các vùng cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp; phát triển bền vững; bảo tồn và phát huy tính đặc thù về tự nhiên và văn hóa - lịch sử.

Cấu trúc không gian: Cấu trúc khung lưu thông bao gồm tuyến vành đai vùng đô thị, các tuyến xuyên tâm và hướng tâm kết nối với vùng thành phố Hồ Chí Minh, vùng duyên hải Nam Trung bộ (Nha Trang, Phan Rang - Tháp Chàm, Phan Thiết) và Tây Nguyên (thành phố Buôn Mê Thuột). Cấu trúc các vùng đô thị bao gồm: Đô thị trung tâm thành phố Đà Lạt; vùng đô thị chia sẻ chức năng gồm đô thị Liên Khương - Liên Nghĩa, Finôm - Thạnh Mỹ và các đô thị vệ tinh Lạc Dương, Nam Ban, Đ’ran, Đại Ninh. Cấu trúc các vùng du lịch sinh thái rừng bao gồm vùng du lịch sinh thái rừng Đankia - Đà Lạt, hồ Tuyền Lâm - hồ Prenn, hồ Đại Ninh. Cấu trúc vùng cảnh quan và không gian mở bao gồm vùng cảnh quan rừng Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng, vùng cảnh quan nông nghiệp Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, vùng cảnh quan hồ Đại Ninh, hồ Đa Nhim, hệ thống sông, suối, hồ Cam Ly và sông Đa Nhim.

6. Định hướng phát triển không gian thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030

a) Phân vùng phát triển:

[...]