Quyết định 856/QĐ.UBND.VX năm 2013 về phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập ở Nghệ An giai đoạn 2012 - 2020”

Số hiệu 856/QĐ.UBND.VX
Ngày ban hành 14/03/2013
Ngày có hiệu lực 14/03/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Nguyễn Xuân Đường
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 856/QĐ.UBND.VX

Nghệ An, ngày 14 tháng 3 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP Ở NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2012 - 2020”

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020”;

Căn cứ Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2012-2020”;

Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại tờ trình số 278/TTr-SGD&ĐT ngày 26 tháng 02 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập ở Nghệ An giai đoạn 2012 - 2020” (có Đề án kèm theo) với các nội dung chính sau:

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO:

1. Xã hội học tập là một xã hội, trong đó mọi cá nhân đều phải học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng triệt để các cơ hội học tập do xã hội cung cấp nhằm mục tiêu: “Học để làm người công dân tốt, học để có nghề và lao động với hiệu quả ngày càng cao, học để cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc, học để góp phần phát triển quê hương, đất nước và nhân loại”; do đó, học tập phải trở thành nhu cầu tự thân, là trách nhiệm của mỗi người và của toàn dân, nội dung này cần được thể chế hoá trong các văn bản pháp luật của Nhà nước.

Xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho mọi người được HTSĐ là chìa khoá của phát triển kinh tế - xã hội, là mục tiêu cơ bản của chiến lược phát triển giáo dục.

2. Xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của hệ thống chính trị. Nhà nước đầu tư xây dựng các thiết chế giáo dục, ban hành các chính sách nhằm khuyến khích, động viên mọi người dân học tập suốt đời. Tất cả các cơ quan, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp... đều có trách nhiệm và tạo điều kiện thuận lợi để cung ứng giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người.

3. Xây dựng xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển, đồng thời, gắn kết, liên thông của hai bộ phận cấu thành hệ thống giáo dục quốc dân là giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020 là tập trung đẩy mạnh các hoạt động HTSĐ ở những lĩnh vực, địa phương, đối tượng có điều kiện hạn chế, đó là giáo dục ngoài nhà trường chính quy, các địa phương đặc biệt khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội, các dân tộc ít người, người khuyết tật...

II. Mục tiêu:

1. Mục tiêu đến năm 2015

a. Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục

- 97% người trong độ tuổi từ 15 - 60, 99,3% người trong độ tuổi từ 15 - 35 biết chữ.

Đặc biệt ưu tiên xóa mù chữ cho phụ nữ, trẻ em gái, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn; phấn đấu tỷ lệ biết chữ cân bằng giữa nam và nữ.

- 80% số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không mù chữ trở lại;

- 100% huyện, thành phố, thị xã củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở; thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và thị xã Thái Hòa đạt kết quả phổ cập giáo dục bậc trung học.

b. Nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ

- 80% cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm;

- 20% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ A2 và 5% có trình độ B1 ;

- Hằng năm, tăng tỷ lệ số công nhân lao động có kiến thức cơ bản về tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc và giao lưu văn hóa.

c. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề để lao động có hiệu quả hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn

- Đối với cán bộ, công chức từ tỉnh đến cấp huyện:

+ 100% được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định;

[...]