ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1208/QĐ-UBND
|
Bắc Giang, ngày
05 tháng 11 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2022
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Căn cứ Nghị định số 31/2021/NĐ-CP
ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật Đầu tư;
Căn cứ Thông báo số 617-TB/TU
ngày 02/11/2021 của Thường trực Tỉnh ủy;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch
và Đầu tư tại Tờ trình số: 116/TTr-SKHĐT ngày 04/11/2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt kèm theo Quyết định này Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh Bắc
Giang.
Điều 2. Các
đơn vị được giao chủ trì thực hiện Chương trình có trách nhiệm tổ chức thực hiện
đúng nội dung, tiến độ và sử dụng ngân sách theo quy định.
Kinh phí thực hiện: 3.300 triệu
đồng, trong đó:
Sở Kế hoạch và Đầu tư:
|
1.580
triệu đồng.
|
Văn phòng UBND tỉnh:
|
500
triệu đồng.
|
Đài Phát thanh và Truyền hình
tỉnh:
|
600
triệu đồng.
|
Ban Quản lý các KCN tỉnh:
|
360
triệu đồng.
|
Sở Ngoại vụ:
|
260
triệu đồng.
|
Điều 3. Giám
đốc các Sở, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố
và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc
(65 Văn Miếu, quận Ba Đình, Hà Nội);
- TT Tỉnh uỷ, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh:
+ LĐVP; TKCT, TH;
+ Các phòng, đơn vị trực thuộc.
+ Lưu: VT, KTN.Long.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Ánh Dương
|
CHƯƠNG TRÌNH
XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2022
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1208/QĐ-UBND ngày 05/11/2021 của UBND tỉnh
Bắc Giang)
Phần thứ
nhất
I. ĐÁNH GIÁ SƠ BỘ HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2021
1. Về thu
hút đầu tư
Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư đã
bùng phát diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và Bắc Giang
là một trong các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong suốt thời gian qua,
trong bối cảnh nhiều khó khăn, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã
phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần quyết tâm, chủ động, linh hoạt. Các cấp,
các ngành, cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã tập trung toàn lực, triển khai
quyết liệt, đồng bộ các biện pháp với nhiều cách làm mới, sáng tạo thực hiện nhất
quán quan điểm “chống dịch như chống giặc” kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” vừa
phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, chăm lo đời sống
và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Tỉnh Bắc Giang đã triển khai tích cực, hiệu quả
các giải pháp đồng bộ bằng cách thực hiện tốt các nội dung Nghị quyết số
105-NQ/TU ngày 28/4/2021 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao
chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn
2021-2025, Kế hoạch số 242/KH-UBND nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)
năm 2021; Bắc Giang đã đạt được những kết quả nhất định trong thời gian qua cụ
thể toàn tỉnh đã thu hút được 853,2 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, bằng 90,7%
cùng kỳ; trong đó, cấp mới 24 dự án đầu tư trong nước (DDI) vốn đăng ký 1.565 tỷ
đồng, bằng 20,2%; 17 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vốn đăng ký 620,2 triệu USD[1], gấp 2 lần so với cùng kỳ;
điều chỉnh 7 dự án DDI vốn đăng ký tăng thêm 90 tỷ đồng, 32 dự án FDI vốn đăng
ký bổ sung 161 triệu USD, bằng 55,8% so với cùng kỳ[2].
- Tính riêng kết quả thu hút đầu
tư FDI trong 9 tháng đầu năm 2021, Bắc Giang đứng thứ 7 cả nước[3]. Các dự án FDI thu hút được
có quy mô khá lớn tập trung chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, vốn
đầu tư trung bình đạt 150 triệu USD[4]. Tuy nhiên, trong 9 tháng cũng có 02 dự án FDI xin tạm ngừng
hoạt động, Nhà đầu tư tự chấm dứt 01 dự án đầu tư trong nước với số vốn giảm 20
tỷ đồng, thu hồi 11 dự án FDI với số vốn giảm 7,55 triệu USD[5]
- Công tác hỗ trợ, phát triển DN
tiếp tục được đẩy mạnh. Đã triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết
số 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai
trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa và hội nhập quốc tế. Rà soát, lựa chọn, đơn giản hóa 10% thủ
tục hành chính, thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan đăng ký kinh doanh.
Tăng cường hỗ trợ tư vấn các hồ sơ, thủ tục gắn với đẩy mạnh thực hiện giải quyết
thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Số DN thành lập mới
trở lại thị trường tăng khá so với cùng kỳ. 9 tháng toàn tỉnh có 965 DN được
thành lập, tăng 3,9%; tổng số vốn đăng ký 19.371 tỷ đồng, gấp 2,3 lần; có 359
DN quay trở lại hoạt động, tăng 86,9%. Tuy nhiên, cũng có 62 DN, 29 chi nhánh,
văn phòng giải thể, tăng 9,6% và 499 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 30,9%[6].
2. Về các
hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2021
- Thực hiện công văn số
798/BKHĐT-ĐTNN ngày 09/02/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Bắc Giang
đã phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2021 tại Quyết định số
184/QĐ-UBND ngày 03/3/2021. Căn cứ nội dung, chương trình Xúc tiến đầu tư được
UBND tỉnh phê duyệt, các đơn vị được giao chủ trì, phối hợp đã tích cực triển
khai thực hiện theo kế hoạch. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 đã và
đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, việc triển khai các hoạt động xúc tiến
đầu tư còn hạn chế, chủ yếu tập trung nghiên cứu, biên tập, soạn thảo các tài
liệu xúc tiến đầu tư như hoàn chỉnh Slide xúc tiến đầu tư của tỉnh Bắc Giang,
thành lập và biên tập chuyên trang tiếng Nhật trên cổng thông tin tỉnh Bắc
Giang, biên soạn các tài liệu phục vụ cho các hội nghị liên quan đến nhà đầu tư
Nhật Bản, Hàn Quốc...
- Các đơn vị được giao đã tích
cực làm việc, kết nối và tham mưu cho UBND tỉnh chuẩn bị các nội dung, kế hoạch
tổ chức các hội nghị như: “Hội nghị Bắc Giang - Nhật Bản kết nối vì sự phát triển
năm 2021”; “Hội nghị gặp mặt tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc”;
“Hội nghị phổ biến Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp và Nghị định
số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư 2020”. “Hội nghị chuyển đổi số cho Doanh
nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh”…., tuy nhiên đến thời điểm tổ chức dự kiến
vào giữa quý II/2021 đã phải tạm hoãn do dịch bệnh covid-19 bùng phát dữ dội,
UBND tỉnh Bắc Giang đã phải thực hiện các biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch
bằng cách thực hiện giãn cách xã hội và tạm dừng hoạt động một số KCN trên địa
bàn tỉnh.
- Mặc dù các hoạt động xúc tiến
đầu tư bị hạn chế trong 9 tháng vừa qua và chưa đạt được mục tiêu thu hút đề
ra, tỉnh Bắc Giang đã quán triệt và triển khai quyết liệt các hoạt động xúc tiến
đầu tư tại chỗ cũng như tập trung nghiên cứu, biên soạn xây dựng các tài liệu ấn
phẩm để quảng bá, giới thiệu môi trường đầu tư. Với tinh thần hỗ trợ và đồng
hành cùng doanh nghiệp, tỉnh vẫn tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư tiềm năng
và nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thông qua tổ chức các cuộc đối
thoại, thành lập tổ công tác để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của
doanh nghiệp; tập trung rà soát, xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn
2021-2025; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn thời gian,
minh bạch, công khai; phối hợp cùng với các tổ chức, tập đoàn nền tảng số nhằm
đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, đưa Bắc Giang tham gia vào
cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nền tảng số phục vụ kết nối
liên thông đa chiều, nâng cao hiệu lực, hiệu quản quản lý, điều hành của cấp ủy,
chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.
3. Một số
khó khăn, hạn chế
- Việc triển khai các hoạt động
Xúc tiến đầu tư trong 9 tháng năm 2021 còn một số khó khăn, hạn chế: nhiều hoạt
động khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tiếp tục bị trì hoãn; hỗ trợ trực tuyến
cho hoạt động đầu tư kinh doanh còn chậm trễ; công tác chuyển đổi hoạt động
cung cấp dịch vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư trên nền tảng số chưa theo kịp
xu thế chung; việc đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư chưa được giải quyết kịp
thời, hiệu quả; Xúc tiến đầu tư còn thiếu sự chủ động, chưa có sự chuyển biến
nhanh và mạnh mẽ để thích ứng với tình hình mới; công tác trao đổi, kết nối với
cộng đồng doanh nghiệp giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế.
- Những khó khăn, hạn chế trên
một phần đến từ dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi hoạt
động cũng như đời sống kinh tế xã hội; có thời điểm (từ cuối tháng 4 đến cuối
tháng 6) Bắc Giang là tâm dịch của cả nước với đặc điểm lây lan nhanh trong các
Khu công nghiệp của tỉnh. Do chính sách phòng, chống dịch, điều kiện nhập cảnh
và cách ly y tế của Việt Nam và các nước dẫn đến các nhà đầu tư bị hạn chế đi lại.
Phần thứ
hai
CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2022
I. QUAN ĐIỂM,
ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2022
1. Quan điểm
Dự báo năm 2022, tình hình kinh
tế thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; rủi
ro và bất ổn gia tăng, đặc biệt đại dịch COVID-19 chưa được kiểm soát là thách
thức lớn đối với toàn nhân loại. Để tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, duy trì
thành quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Củng cố, đẩy nhanh quá
trình phục hồi kinh tế sau dịch gắn với tái cơ cấu các ngành sản xuất, cải thiện
chất lượng tăng trưởng. Tạo chuyển biến rõ nét trong cải thiện môi trường đầu
tư kinh doanh, thu hút các nguồn vốn đầu tư chất lượng, Bắc Giang cần:
- Thực hiện hoàn chỉnh các nội
dung còn lại của Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 11/02/2020 của UBND tỉnh về việc
thực hiện Kế hoạch số 83-KH/TU ngày 05/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực
hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn
thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước
ngoài đến năm 2030.
- Nâng cao nhận thức, tư duy
trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Triển khai hiệu quả các mục
tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 105-NQ/TU ngày 28/4/2021 của
Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ
số năng lực cạnh tranh PCI của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số
293/KH-UBND ngày 26/6/2021 của UBND tỉnh ban hành về cải thiện môi trường đầu
tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa
bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 242/KH-UBND ngày 04/6/2021
của UBND tỉnh về Kế hoạch Nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)
năm 2021; Chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt
bằng để chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là
các các nguồn vốn chất lượng với công nghệ tiên tiến.
- Huy động, tập trung nguồn lực
triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Giang, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến
năm 2050. Nâng cao nhận thức và tư duy trong công tác quy hoạch. Chuyển dần từng
bước từ tăng trưởng theo chiểu rộng sang tăng trưởng kết hợp hài hòa giữa chiều
rộng và chiều sâu, nâng dần tỷ lệ đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng
hợp vào tăng trưởng kinh tế.
- Tập trung xây dựng hạ tầng
các KCN đang triển khai và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch
phát triển các KCN. Phấn đấu đến hết năm 2022, hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng
các KCN: Vân Trung, Hòa Phú, Việt Hàn (50ha giai đoạn 1); triển khai đầu
tư hạ tầng 03 KCN mới: Yên Lư, Yên Sơn - Bắc Lũng, KCN Tân Hưng và mở rộng 03
KCN: Quang Châu 90ha, KCN Hòa Phú 85ha, KCN Việt Hàn 148ha. Triển khai thu hút
đầu tư thêm một số KCN theo Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2025.
- Triển khai hiệu quả Nghị quyết
của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030. Ưu
tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành có tiềm năng bao gồm: cơ khí chế tạo,
chế biến nông lâm sản, thực phẩm, sản xuất điện... Tiếp tục thực hiện các biện
pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do bị tác động của dịch
COVID-19, nhanh chóng phục hồi sản xuất theo các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị;
tâp trung hướng dẫn, giám sát doanh nghiệp tổ chức lại hoạt động sản xuất đảm bảo
an toàn trong tình hình mới.
- Tăng cường quản lý chặt chẽ
trên tất cả các khâu của đầu tư xây dựng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra và đánh giá, giám sát đầu tư; chú trọng công tác chủ trương đầu tư, lựa chọn
dự án đầu tư theo quy hoạch, các dự án trọng tâm, trọng điểm để phát huy hiệu
quả sử dụng nguồn vốn, hiệu quả đầu tư dự án. Đầu tư phát triển các tuyến đường
giao thông mang tính kết nối, mở rộng không gian mới để phát triển công nghiệp,
dịch vụ; kết nối Bắc Giang với các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Lạng
Sơn.
- Chủ động làm tốt công tác mời
gọi, xúc tiến đầu tư, nhất là xúc tiến đầu tư tại chỗ, nâng cao công tác thẩm định
dự án đầu tư nhằm lựa chọn những nhà đầu tư thật sự có năng lực, kinh nghiệm,
công nghệ hiện đại, đóng góp nhiều cho ngân sách, sử dụng công nghệ tiên tiến,
sử dụng ít lao động, năng lượng và quỹ đất; Thu hút các dự án có tính lan tỏa
cao trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Thu hút, phát triển các dự án đầu
tư phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; ưu tiên các dự án sử dụng năng lượng
tiết kiệm, hiệu quả và năng lượng tái tạo (các dự án phong điện, quang điện).
- Thu hút đầu tư có chọn lọc gắn
với việc thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Đẩy mạnh hoạt
động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh về số lượng và nâng cao chất
lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Ứng dụng chuyển đổi số trong quá
trình quản trị doanh nghiệp, Tiếp tục thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp
có vốn nhà nước. Hỗ trợ, xây dựng các mô hình KTTT, HTX kiểu mới phù hợp với bối
cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Hỗ trợ xây dựng một số mô hình HTX điển hình
tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao.
2. Định hướng
- Chủ động xúc tiến đầu tư có mục
tiêu, trọng tâm, trọng điểm, gắn với các tiêu chí hợp tác đầu tư mới; tập trung
đẩy mạnh xúc tiến tại chỗ, tiếp tục duy trì các thị trường và đối tác truyền thống,
đồng thời mở rộng thị trường, đối tác mới. Tập trung ưu tiên thu hút vào các
ngành: Công nghiệp công nghệ cao; Công nghiệp hỗ trợ; Nông nghiệp công nghệ
cao; Phát triển các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0; Các ngành
thương mại dịch vụ có lợi thế và giá trị gia tăng cao: Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ,
giáo dục - đào tạo, dịch vụ tài chính quốc tế, logistics và các dịch vụ hiện đại
khác; Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, trung
tâm thương mại, khu sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp...
- Thu hút vốn đầu tư nước ngoài
trên cơ sở tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi thế Hiệp định thương mại tự do
đem lại; nắm bắt cơ hội vàng, đón làn sóng đầu tư dịch chuyển, tập trung vào
các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường. Củng
cố các đối tác đầu tư truyền thống (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc....); mở rộng
các đối tác đầu tư thuộc các khu vực lân cận khác.
- Chuyển đổi phương thức xúc tiến
đầu tư từ bị động sang chủ động: Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động
xúc tiến đầu tư, chú trọng các hoạt động trực tuyến, xây dựng, duy trì các
website, cập nhật thường xuyên, đầy đủ thông tin về các chế độ, chính sách và
ưu đãi trong hoạt động đầu tư, văn bản pháp luật liên quan, kết quả hoạt động đầu
tư, danh mục dự án kêu gọi đầu tư,…
- Coi cải thiện môi trường đầu
tư là trọng tâm công tác xúc tiến đầu tư. Lấy công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ
làm hạt nhân; hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết khó khăn trong quá trình triển
khai đầu tư, kinh doanh nhanh chóng, hiệu quả.
- Tăng cường sự phối hợp giữa
các cơ quan quản lý đầu tư, cơ quan xúc tiến đầu tư, cơ quan truyền thông trên
địa bàn tỉnh để thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư một cách toàn diện, hiệu quả.
Thực hiện gắn kết công tác xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại và du lịch một
cách linh hoạt, phù hợp với yêu cầu và đặc thù của địa phương.
3. Mục tiêu
Tăng cường thu hút đầu tư, phấn
đấu năm 2021 tổng vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh, bổ sung trên địa bàn tỉnh
quy đổi đạt khoảng 1,6 tỷ USD (bao gồm cả dự án FDI và dự án đầu tư trong nước).
Triển khai các chính sách hỗ trợ,
khuyến khích khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, phấn đấu năm 2022 thành lập
mới từ 1.400 doanh nghiệp trở lên.
II. NỘI
DUNG CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2022
Chương trình xúc tiến đầu tư
năm 2022 bao gồm 14 hoạt động thuộc 06 nhóm triển khai, với nội dung, kinh phí
phân bổ cụ thể như sau:
Kinh phí thực hiện: 3.300 triệu
đồng, trong đó:
Sở Kế hoạch và Đầu tư:
|
1.580
triệu đồng.
|
Văn phòng UBND tỉnh:
|
500
triệu đồng.
|
Đài Phát thanh và Truyền hình
tỉnh:
|
600
triệu đồng.
|
Ban Quản lý KCN tỉnh:
|
360
triệu đồng.
|
Sở Ngoại vụ:
|
260
triệu đồng.
|
1. Xây dựng
hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư
(04 hoạt động).
- Hoạt động 1: Xây dựng,
chỉnh sửa, nâng cao chất lượng thông tin xúc tiến đầu tư trên cổng thông tin điện
tử của tỉnh Bắc Giang, có chuyên mục riêng thông tin thu hút đầu tư.
Đơn vị thực hiện: Văn phòng
UBND tỉnh và các đơn vị liên quan
- Hoạt động 2: Nâng cấp
trang thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư
(webside:httt://xtdt.khdt.bgo.vn) và duy trì website của Sở Kế hoạch và Đầu tư
Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch
và Đầu tư và các đơn vị liên quan
- Hoạt động 3: Nâng cấp
và duy trì website của Ban Quản lý các Khu công nghiệp: Nâng cao chất lượng
thông tin về xúc tiến đầu tư, thông tin chi tiết bản đồ, vị trí, quy mô, lĩnh vực,
ngành nghề của các vị trí có đất thu hút đầu tư và các vị trí dự án đã triển
khai thực hiện trong các KCN do Ban Quản lý KCN tỉnh quản lý.
Đơn vị thực hiện: Ban Quản lý
các KCN tỉnh và các đơn vị liên quan.
- Hoạt động 4: Duy trì chuyên
mục "Ngoại giao kinh tế" và các chuyên mục phục vụ xúc tiến đầu tư
trên website song ngữ Việt - Anh của Sở Ngoại vụ
Đơn vị thực hiện: Sở Ngoại vụ
và các đơn vị liên quan.
2. Xây dựng
các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư (03
hoạt động).
- Hoạt động 1:
+ Xây dựng tài liệu về xúc tiến
đầu tư: tài liệu, ấn phẩm, bản đồ, video, catalog, USB... về xúc tiến đầu tư (bằng
nhiều ngôn ngữ như: Anh, Nhật, Hàn, Trung Quốc...);
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu thông
tin xúc tiến đầu tư dưới dạng điện tử (QR Code) để thuận tiện cho việc chia sẻ
thông tin đến các nhà đầu tư một cách chủ động và được cập nhật thường xuyên
trên các trang web. Xây dựng các bài trình bày dạng Powerpoint giới thiệu, quảng
bá về tỉnh Bắc Giang với các thứ tiếng Việt, Anh, Nhật, Hàn theo chủ đề chung,
chủ đề công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ... Tích hợp các thông tin
xúc tiến đầu tư của tỉnh vào USB bằng các thứ tiếng: Việt - Anh - Nhật - Hàn
cung cấp cho các nhà đầu tư khi đến khảo sát đầu tư tại tỉnh.
+ Xây dựng danh mục các dự án
kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở quy hoạch, định hướng phát triển
của tỉnh. Danh mục dự án sau khi rà soát sẽ được biên dịch, thiết kế, in ấn
thành bộ tài liệu phục vụ công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh đồng thời công khai
trên các kênh thông tin, website chính thức của tỉnh, đồng thời được công bố rộng
rãi tại các chương trình, hội nghị xúc tiến đầu tư.
Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch
và Đầu tư và các đơn vị liên quan.
- Hoạt động 2: Xây dựng
hệ thống tài liệu về xúc tiến đầu tư (Cẩm nang thông tin về tiềm năng, thế mạnh
bằng slide, tờ rơi) các KCN tỉnh Bắc Giang.
Đơn vị thực hiện: Ban Quản lý
KCN tỉnh và các đơn vị liên quan.
- Hoạt động 3: Tổ chức
tiếp đón và tặng quà của tỉnh khi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến làm việc
và khảo sát nhu cầu đầu tư tại tỉnh.
Đơn vị thực hiện: Văn phòng
UBND tỉnh và các đơn vị liên quan.
3. Xây dựng
hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm
năng, cơ hội và kết nối đầu tư (02 hoạt động).
- Hoạt động 1: Thực hiện
các chương trình, chuyên đề, chuyên mục tuyên truyền xúc tiến đầu tư trên các
phương tiện thông tin đại chúng: xây dựng chuyên đề về môi trường đầu tư, thu
hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm
đặc trưng... trên truyền hình địa phương và trung ương (VTV1, VTV3...)
Đơn vị thực hiện: Đài Phát
thanh và Truyền hình tỉnh và các đơn vị liên quan địa phương và trung ương.
- Hoạt động 2: Phối hợp
với các cơ quan thông tấn, Báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình tổ chức tuyên
truyền, toạ đàm .....các nội dung về xúc tiến đầu tư, môi trường đầu tư
Đơn vị thực hiện: Sở Kế
hoạch và Đầu tư, Báo Bắc Giang và các đơn vị liên quan
4. Hợp tác
trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư (02 hoạt động).
- Hoạt động 1: Tham mưu tổ
chức các hoạt động ngoại giao và các buổi làm việc, họp trực tuyến.... theo
chuyên đề với Đại sứ quán, Lãnh sự quán, các cơ quan đại diện ngoại giao của nước
ngoài, các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức hội doanh
nghiệp nước ngoài tại Việt Nam để tăng cương quan hệ, hợp tác và thúc đẩy thu
hút đầu tư vào tỉnh.
Đơn vị thực hiện: Sở Ngoại vụ
và các đơn vị liên quan
- Hoạt động 2: Thường
xuyên phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành: Kế hoạch Đầu tư, Công Thương, Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các đơn vị liên quan phối hợp tổ
chức các hoạt động xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức và quy mô khác nhau.
Tham dự các sự kiện xúc tiến đầu tư, hội nghị, hội thảo, tọa đàm trong nước do
các Bộ, ngành, Trung ương tổ chức; đón tiếp, gặp gỡ các doanh nghiệp, nhà đầu
tư, các cơ quan thông tấn, báo chí đến làm việc tại tỉnh.
Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Sở Ngoại vụ, Ban Quản lý KCN.
5. Hỗ trợ,
hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư (02 hoạt động).
- Hoạt động 1: Tổ chức
các hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư trong và ngoài nước theo vùng lãnh tổ, lĩnh
vực đầu tư. Đối với các nhà đầu tư ngoài nước thì gặp mặt các nhà đầu tư thuộc
các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản (thực hiện quý I/2022) ; Đối với nhà đầu
tư trong nước thì gặp mặt tháo gỡ khó khăn theo lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn đầu
tư (1 năm/1 lần).
Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch
và Đầu tư và các đơn vị liên quan.
- Hoạt động 2: Tổ chức
các hội nghị, hội thảo để triển khai, phổ biến đến doanh nghiệp, nhà đầu tư về
các văn bản, chính sách pháp luật của nhà nước liên quan đến hoạt động đầu tư,
kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch
và Đầu tư và các đơn vị liên quan.
6. Đào
tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư (01 hoạt động).
- Hoạt động: Tổ chức tập
huấn nâng cao nghiệp vụ, kiến thức, năng lực cho cán bộ làm công tác xúc tiến đầu
tư thông qua các buổi hội thảo; tập huấn và trao đổi học tập kinh nghiệm với
các địa phương có tính chất tương đồng với tỉnh
Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch
và Đầu tư và các đơn vị liên quan
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
- UBND tỉnh là cơ quan chỉ đạo
thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ
quan thường trực theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch,
tổng hợp báo cáo định kỳ; tham mưu, đề xuất giải quyết những vướng mắc trong
quá trình thực hiện. Chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng kinh phí được cấp,
kết quả thực hiện công tác xúc tiến đầu tư của các cơ quan, đơn vị bảo đảm thiết
thực, hiệu quả.
- Sở Tài chính chủ trì hướng dẫn
các đơn vị liên quan lập dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ trong Chương
trình và tham mưu xử lý nguồn kinh phí theo quy định (Kinh phí hoạt động xúc tiến
đầu tư được bố trí chung trong dự toán ngân sách địa phương hằng năm).
- Các sở, ban, ngành và UBND
các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Kế
hoạch và Đầu tư để triển khai các hoạt động sau khi Kế hoạch xúc tiến đầu tư
năm 2022 được phê duyệt; Báo cáo kết quả thực hiện về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước
ngày 31/12 hàng năm để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư./.
[1] Trong đó, Nhà đầu
tư từ Singapore (03 dự án), Hàn Quốc (08 dự án) và Trung Quốc 06 dự án đăng ký
thực hiện trên địa bàn huyện Việt Yên (11 dự án với số vốn đăng ký đạt 508,4
triệu USD), tại KCN Hoà Phú huyện Hiệp Hoà (03 dự án với số vốn đăng ký đạt
103,5 triệu USD) và 01 dự án tại CCN Hợp Thịnh; 02 dự án trên địa bàn thành phố
Bắc Giang.
[2] Riêng trong tháng
9, toàn tỉnh đã thu hút được 13,374 triệu USD vốn đầu tư quy đổi. Luỹ kế toàn tỉnh
đến nay có 1.335 dự án DDI với số vốn đăng ký đạt 93.842,6 tỷ đồng và 481 dự án
FDI còn hiệu lực với số vốn đăng ký đạt 6.828,55 triệu USD.
[3] Sau Long An, TP. Hồ
Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Hải Phòng, Hà Nội.
[4] Một số dự án lớn
như: “Dự án Công nghệ tế bào Quang điện JA Solar PV Việt Nam” vốn đăng ký 210
triệu USD, dự án “Nhà máy Fukang Technology” vốn đăng ký 293 triệu USD.
[5] Bao gồm 04 dự án
Nhà đầu tư tự chấm dứt hoạt động do dự án đầu tư không hiệu quả, 06 dự án chấm
dứt hoạt động do dự án dừng h oạt động và không liên lạc được với Nhà đầu tư và
01 dự án hết thời hạn hoạt động của dự án.
[6] Toàn tỉnh hiện có
11.675 DN đăng ký hoạt động, tổng vốn đăng ký là 103.516 tỷ đồng. Riêng DN FDI
có 479 DN, số vốn đăng ký là 3,891 tỷ USD. Thành phố Bắc Giang là địa phương có
nhiều DN nhất, chiếm 33,7 %, kế đến là Việt yên 15,8%; Lạng Giang 10,6%. Trong
khi đó Sơn Động và Yên Thế là 2 địa phương có số DN ít nhất, lần lượt chiếm
3,6% và 3%.