Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 3247/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Bình Dương đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 3247/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/12/2013
Ngày có hiệu lực 16/12/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Lê Thanh Cung
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3247/QĐ-UBND

Bình Dương, ngày 16 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008 ngày 11/01/2008 của Chính Phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 02/2012/TTLT-BGTVT-BKHĐT ngày 17/01/2012 của liên Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn nội dung trình tự lập quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh;

Căn cứ Nghị quyết số 21/2013/NQ-HĐND8 ngày 09 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương về Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 1392/TTr-GTVT ngày 01 tháng 11 năm 2013 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với các nội dung như sau:

I. Quan điểm:

1. Quy hoạch giao thông vận tải Theo hướng đô thị, hiện đại và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn.

2. Lấy quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông là khâu cơ bản, nhằm kết nối hệ thống giao thông tỉnh với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (vùng KTTĐPN).

3. Có tầm nhìn chiến lược lâu dài, xây dựng hệ thống giao thông liên hoàn kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với đường huyện... Coi trọng phát triển giao thông nông thôn.

4. Phối hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển giao thông và quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh, giao thông phải phục vụ kinh tế và phát triển đô thị.

5. Nghiên cứu bố trí và phát triển hợp lý các công trình giao thông đô thị quan trọng như các đường vành đai, đường xuyên tâm, các bến xe, bãi đậu xe, nhà ga, cảng sông, bến tàu khách, bến tàu du lịch ...

6. Chú trọng công tác quản lý, bảo trì để tận dụng tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có.

7. Về vận tải: Tổ chức phân luồng tuyến hợp lý đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và nhu cầu đi lại của người dân, kết nối giữa các tuyến liên tỉnh, tuyến nội tỉnh.

8. Đảm bảo môi sinh và môi trường bền vững.

9. Giao thông vận tải là ngành sản xuất đặc biệt vừa mang tính phục vụ vừa mang tính kinh doanh, không chỉ xét hiệu quả kinh tế, mà cần xét đến yếu tố phục vụ dân sinh.

10. Trên cơ sở phát huy nội lực, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển hệ thống giao thông vận tải.

II. Mục tiêu:

1. Về cơ sở hạ tầng giao thông vận tải:

a) Phát triển giao thông vận tải phải phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đô thị của tỉnh, do đó đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chủ yếu là đầu tư mới gắn với cải tạo Theo hướng đồng bộ, cân đối, hiện đại và an toàn.

b) Gắn kết mạng lưới giao thông của tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia, đảm bảo tính liên thông và chuyển tiếp liên tục giữa hệ thống giao thông đối nội (trong tỉnh) với hệ thống giao thông đối ngoại, tạo điều kiện để tỉnh Bình Dương tiếp cận nhanh và trực tiếp với thị trường trong vùng và quốc tế.

c) Xây dựng hoàn chỉnh các trục giao thông đối ngoại của tỉnh.

d) Xây dựng hệ thống giao thông đô thị văn minh, hiện đại, phấn đấu dành quỹ đất giao thông nội thị đến năm 2015 đạt 22%, năm 2020 đạt 24%. Đầu tư các tuyến đường chính đô thị kết nối giữa các tuyến đối ngoại với trung tâm đô thị, các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh.

[...]