Quyết định 117/2009/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 117/2009/QĐ-TTg
Ngày ban hành 29/09/2009
Ngày có hiệu lực 15/11/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 117/2009/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 09 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG TRỰC THUỘC BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương là tổ chức sự nghiệp khoa học cấp quốc gia trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện chức năng nghiên cứu và đề xuất về cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, phát triển môi trường kinh doanh; cung ứng dịch vụ công trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế và thực hiện hoạt động tư vấn theo quy định của pháp luật.

2. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng và trụ sở tại thành phố Hà Nội; kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Nghiên cứu và đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định:

a) Dự thảo lộ trình, kế hoạch xây dựng, sửa đổi các cơ chế, chính sách quản lý kinh tế vĩ mô và cơ chế, chính sách quản lý kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ kế hoạch;

b) Đề án về đổi mới cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, phát triển môi trường kinh doanh và những vấn đề quản lý kinh tế liên ngành khác.

2. Tổng kết thực tiễn quản lý kinh tế trong nước, kinh nghiệm quốc tế; đề xuất việc thí điểm áp dụng cơ chế, chính sách, mô hình quản lý kinh tế mới.

3. Nghiên cứu lý luận và phương pháp luận về khoa học quản lý kinh tế và phát triển khoa học quản lý kinh tế ở Việt Nam.

4. Nghiên cứu, tham gia ý kiến về cơ chế, chính sách quản lý kinh tế do các cơ quan, tổ chức khác soạn thảo.

5. Xây dựng hệ thống thông tin về quản lý kinh tế và cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện cung ứng dịch vụ công:

a) Triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học về quản lý kinh tế, phát triển môi trường kinh doanh và lĩnh vực khoa học có liên quan khác theo quy định của pháp luật;

b) Đào tạo tiến sĩ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên ngành quản lý kinh tế theo quy định của pháp luật;

c) Thực hiện hoạt động tư vấn về quản lý kinh tế, phát triển môi trường kinh doanh;

d) Biên soạn và xuất bản các ấn phẩm, công trình nghiên cứu khoa học, tài liệu nghiên cứu về quản lý kinh tế, phát triển môi trường kinh doanh theo quy định của pháp luật;

đ) Hỗ trợ hoạt động của Câu lạc bộ doanh nghiệp nhà nước, hợp tác với các câu lạc bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.

7. Thực hiện hợp tác quốc tế trong quản lý kinh tế theo phân công của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

8. Quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

9. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao và theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Ban Thể chế kinh tế;

[...]