BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1125/QĐ-BNN-TCLN
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 5 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ NGUỒN KINH PHÍ DUY TU, BẢO DƯỠNG CÁC CÔNG
TRÌNH PHỤC VỤ QUẢN LÝ, BẢO VỆ PHÁT TRIỂN RỪNG VÀ BẢO TỒN THIÊN NHIÊN TRONG CÁC
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng
01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP
ngày 10/9/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định số
01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009
của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số
83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị
định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 12/2011/TT-BNNPTNT ngày
15/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn về quy trình, thủ tục đầu tư từ
nguồn sự nghiệp có tính chất đầu tư và mua sắm, xử lý tài sản nhà nước hàng năm
tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ và các
Ban quản lý dự án thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm
nghiệp, Vụ trưởng Vụ Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về quản
lý nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng các công trình phục vụ quản lý, bảo vệ phát
triển rừng và bảo tồn thiên nhiên trong các đơn vị trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tài chính, Tổng cục trưởng
Tổng cục Lâm nghiệp và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lưu VT, TCLN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Đăng Khoa
|
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ
QUẢN LÝ NGUỒN KINH PHÍ DUY TU, BẢO DƯỠNG CÔNG TRÌNH PHỤC VỤ QUẢN LÝ, BẢO VỆ
PHÁT TRIỂN RỪNG VÀ BẢO TỒN THIÊN NHIÊN TRONG CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC TỔNG CỤC LÂM
NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1125/QĐ-BNN-TCLN ngày 16 tháng 5 năm
2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp
dụng
1. Quy định này quy định về quản lý nguồn kinh phí
duy tu, bảo dưỡng các công trình phục vụ quản lý, bảo vệ phát triển rừng và bảo
tồn thiên nhiên trong các đơn vị trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp.
2. Đối tượng áp dụng: các đơn vị trực thuộc Tổng cục
Lâm nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan về quản lý, thẩm định, phê duyệt,
thực hiện công trình.
Điều 2. Nguyên tắc quản lý và
sử dụng
Quản lý và sử dụng nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng
các công trình phục vụ quản lý, bảo vệ phát triển rừng và bảo tồn thiên nhiên
trong các đơn vị trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp thực hiện đúng theo quy định tại
Thông tư số 12/2011/TT-BNNPTNT ngày 15/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn hướng dẫn về quy trình, thủ tục đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp có tính
chất đầu tư và mua sắm, xử lý tài sản cố định tại các cơ quan hành chính, đơn vị
sự nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ và các Ban quản lý dự án thuộc Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 3. Tiêu chí xác định các
công trình được cấp vốn duy tu, bảo dưỡng
Các công trình đưa vào duy tu, bảo dưỡng phải đảm bảo
các tiêu chí sau:
1. Tài sản thuộc trách nhiệm quản lý của các đơn vị
trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp đã được bàn giao đưa vào khai thác sử dụng ít nhất
là đã hết thời gian bảo hành (trừ các công trình bị hư hỏng do các thiên tai)
có yêu cầu phải duy tu bảo dưỡng để ngăn ngừa, khắc phục hoặc chống xuống cấp.
2. Công trình cấp thiết phục vụ cho quản lý, bảo vệ
phát triển rừng và bảo tồn thiên nhiên trong các đơn vị trực thuộc Tổng cục Lâm
nghiệp.
3. Công trình được Hội đồng đánh giá chất lượng,
tình trạng thực tế tài sản của đơn vị về sự cần thiết phải duy tu, bảo dưỡng do
Thủ trưởng đơn vị là chủ tịch Hội đồng (trong đó có ít nhất một thành viên có bằng
cấp về lĩnh vực chuyên ngành) đề xuất.
Điều 4. Nội dung duy tu, bảo dưỡng
1. Công trình và thời gian thực hiện duy tu bảo dưỡng:
a) Công trình phục vụ quản lý, bảo vệ phát triển rừng
và bảo tồn thiên nhiên trong các đơn vị trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, gồm:
Công trình đường bộ; Công trình bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng; Công
trình trạm biến áp, lưới điện, trạm khí tượng thủy văn, trạm theo dõi cháy rừng;
Công trình bảo tồn thiên nhiên; Hệ thống cấp nước sạch; Công trình cấp thiết
khác.
b) Thời gian thực hiện duy tu bảo dưỡng:
- Duy tu, bảo dưỡng thường xuyên: hàng năm các hạng
mục công trình cần phải sửa chữa có tính chất và quy mô nhỏ, không phức tạp,
không thay đổi kiến trúc, kết cấu và mục đích sử dụng của công trình.
- Duy tu, bảo dưỡng định kỳ: thực hiện 03 năm một lần
các hạng mục công trình hư hỏng nhiều có tính chất và quy mô phức tạp, có thể ảnh
hưởng đến kiến trúc hoặc kết cấu của công trình. Có thể bổ sung hoặc thay thế
những hạng mục nhỏ để phù hợp với thực tế tăng độ bền vững cho công trình.
2. Công trình đường bộ: đường lâm nghiệp trong các
khu rừng đặc dụng; đường giao thông, đường tuần tra bảo vệ rừng.
a) Bảo trì đối với công trình đường bộ thực hiện
theo hướng dẫn tại Thông tư số 10/2010/TT-BGTVT ngày 19 tháng 4 năm 2010 của Bộ
Giao thông vận tải.
b) Các công trình đường nội vùng không nằm trong
tiêu chí đường bộ, thực hiện theo thiết kế, dự toán được phê duyệt.
3. Công trình bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng,
gồm: hồ, đập và bể chứa nước phòng cháy chữa cháy rừng; cầu, cống; kênh, công
trình trên kênh và bờ bao các loại; hệ thống cấp nước sạch.
a) Hồ, đập và bể chứa nước phòng cháy chữa cháy rừng:
- Duy tu, bảo dưỡng thường xuyên: sửa chữa nhỏ, gia
cố hồ, đập và bể chứa nước phòng cháy chữa cháy rừng (các hạng mục sửa chữa như
chống thấm, gia cố mặt đập, mái đập và những chỗ bị hư hỏng nhỏ).
- Duy tu bảo dưỡng định kỳ: sửa chữa lớn, gia cố
nâng cấp hồ, đập và bể chứa nước phòng cháy chữa cháy rừng (các hạng mục sửa chữa
như nạo vét, chống thấm, chống mối, mở rộng diện tích, nâng cấp mặt đập, mái đập
và những chỗ bị hư hỏng lớn).
b) Cầu, cống:
- Duy tu bảo dưỡng thường xuyên: sửa chữa nhỏ, gia
cố cầu, cống (các hạng mục sửa chữa như gia cố mặt cầu, cống, chống mối mọt các
kết cấu gỗ và thép, làm lại biển báo, đường lên cầu và sửa chữa hệ thống chiếu
sáng, tứ nón bảo vệ cầu cống), ưu tiên những công trình bị hư hỏng do thiên tai
gây ra.
- Duy tu bảo dưỡng định kỳ: sửa chữa lớn, gia cố
nâng cấp cầu, cống (các hạng mục sửa chữa nâng cấp như mặt cầu, cống, thay thế
các kết cấu gỗ và thép, làm lại biển báo, đường lên cầu và các hạng mục khác
liên quan.
c) Kênh, công trình trên kênh và bờ bao các loại:
- Duy tu bảo dưỡng thường xuyên: sửa chữa nhỏ, gia
cố ta luy bảo vệ các kênh, mương dẫn nước khỏi xói lở, nạo vét lòng kênh,
mương, chống mối và xử lý kịp thời các ổ mối tại các thân đập, kênh mương, sửa
chữa các cầu máng, cống tiêu, van xả và hệ thống máy bơm.
- Duy tu bảo dưỡng theo định kỳ: sửa chữa lớn, nâng
cấp và gia cố mái kênh, mương, thay thế các van xả bị hư hỏng. Nối dài kênh và
mở rộng khu tưới, trồng có và xử lý kịp thời các hư hỏng lớn.
4. Công trình trạm biến áp, lưới điện, trạm khí tượng
thủy văn, trạm theo dõi cháy rừng.
a) Duy tu bảo dưỡng thường xuyên: thực hiện đúng
các quy tắc an toàn trong sử dụng điện, sửa chữa nhỏ, bảo dưỡng đường dây, cột
điện, trạm biến áp, lưới điện, trạm khí tượng thủy văn và hệ thống thiết bị đồng
bộ trước tác động do thiên nhiên và con người.
b) Duy tu, bảo dưỡng định kỳ: bảo dưỡng các trạm biến
áp, trạm khí tượng thủy văn theo quy định, sửa chữa lớn, thay thế, nâng cấp đường
dây, cột điện, trạm biến áp, trạm khí tượng thủy văn và hệ thống thiết bị đồng
bộ.
c) Bảo trì máy móc: tất cả các loại thiết bị bao gồm
máy tính, các thiết bị mạng, hệ thống cáp mạng và kết nối mạng; chảo, ăng ten
và các nội dung khác liên quan.
5. Công trình bảo tồn thiên nhiên.
a) Công trình bảo tồn thiên nhiên gồm: trung tâm cứu
hộ, công trình nghiên cứu khoa học trong các khu rừng đặc dụng.
b) Nội dung duy tu bảo dưỡng thực hiện theo từng loại
công trình.
6. Hệ thống cấp nước sạch.
a) Duy tu, bảo dưỡng thường xuyên: sửa chữa nhỏ, bảo
dưỡng hệ thống cấp nước bao gồm máy bơm, bể lọc, hệ thống ống cấp và dẫn nước,
các van xả và các phụ kiện đi kèm khác.
b) Duy tu bảo dưỡng định kỳ: sửa chữa lớn, thay thế,
nâng cấp hệ thống cấp nước bao gồm máy bơm, bể lọc, hệ thống ống cấp và dẫn nước,
các van xả và các phụ kiện đi kèm khác.
7. Công trình cấp thiết khác phục vụ quản lý, bảo vệ
phát triển rừng và bảo tồn thiên nhiên.
Chủ đầu tư quản lý, sử dụng phân chia theo hai mục
duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ, lập kế hoạch hàng năm và 3 năm gửi Tổng
cục Lâm nghiệp để tổng hợp chung.
Điều 5. Nguồn kinh phí
1. Nguồn ngân sách Trung ương và coi như ngân sách.
2. Nguồn viện trợ, tài trợ, biếu, tặng, cho và của
dự án đơn vị được tiếp nhận theo quy định của pháp luật.
3. Các nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp của đơn vị
được phép sử dụng và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Lập, phê duyệt kế hoạch
sử dụng kinh phí
1. Các đơn vị lập kế hoạch duy tu bảo dưỡng cho từng
năm và theo giai đoạn 3 năm, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và dự kiến kế hoạch thực
hiện theo từng năm gửi về Tổng cục Lâm nghiệp. Đối với kế hoạch 3 năm cần có ý
kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân tư vấn chuyên ngành về việc duy tu, bảo dưỡng.
2. Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp phê duyệt kế
hoạch sử dụng kinh phí cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục.
3. Kế hoạch - dự toán duy tu bảo dưỡng từng năm được
lập cùng với dự toán thu chi ngân sách hàng năm của đơn vị.
Điều 7. Phân bổ kinh phí hàng
năm
Căn cứ nguồn kinh phí được Bộ giao, kế hoạch duy tu
bảo dưỡng hàng năm và 3 năm của các đơn vị, Tổng cục phân bổ và giao kinh phí
cho từng đơn vị để triển khai thực hiện.
Điều 8. Phê duyệt chủ trương, dự
án đầu tư
Quy trình thủ tục phê duyệt chủ trương, dự án đầu
tư các công trình duy tu, bảo dưỡng sau đầu tư được quy định tại Thông tư
12/2011/TT-BNNPTNT ngày 15/3/2011, trong đó lưu ý một số điểm sau:
1. Căn cứ kế hoạch kinh phí được giao và các nguồn
kinh phí khác, các đơn vị lập hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư. Hồ sơ
gồm: tờ trình xin phê duyệt chủ trương đầu tư; bản thuyết minh và bản vẽ hiện
trạng nêu rõ sự cần thiết phải đầu tư; kế hoạch sử dụng kinh phí được cấp có thẩm
quyền phê duyệt.
2. Căn cứ tính hợp lệ, đầy đủ và cấp thiết của từng
công trình, Tổng cục trưởng phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết
định theo phân cấp, ủy quyền. Trong trường hợp cần thiết, Tổng cục sẽ thành lập
đoàn kiểm tra, đánh giá về mức độ cấp thiết, tính ưu tiên của các công trình
trước khi quyết định.
3. Căn cứ Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư từ
nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư, các đơn vị, tổ chức lập Báo cáo kinh tế
- kỹ thuật công trình và hồ sơ liên quan theo các quy định hiện hành của nhà nước
trình Tổng cục Lâm nghiệp.
4. Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp xem xét, phê
duyệt hoặc phân cấp, ủy quyền cho thủ trưởng các đơn vị phê duyệt Báo cáo kinh
tế - kỹ thuật công trình.
5. Nội dung, trình tự và thủ tục lập, thẩm định,
phê duyệt dự án được thực hiện theo quy định hiện hành đối với từng loại dự án.
Điều 9. Kiểm tra, giám sát việc
thực hiện dự án
Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị
liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch duy tu, bảo dưỡng các công
trình theo tiến độ từng dự án được phê duyệt theo quy định hiện hành.
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1. Tổng cục Lâm nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo, hướng
dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc Tổng cục tổ chức thực hiện Quy định này.
2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân
sách:
a) Chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục
Lâm nghiệp, Bộ trưởng và trước pháp luật về tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đơn vị
trong quản lý nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng theo đúng Quy định này và các văn
bản hướng dẫn có liên quan.
b) Tổ chức quản lý, sử dụng kinh phí tiết kiệm, có
hiệu quả.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát
sinh hoặc vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo, đề xuất về Tổng cục
Lâm nghiệp để tổng hợp, trình Bộ trưởng xem xét và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.