Quyết định 1111/QĐ-UBND năm 2012 về Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2012 - 2015 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 1111/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/03/2012
Ngày có hiệu lực 05/03/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Minh Trí
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Dịch vụ pháp lý

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1111/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 3 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN NĂM 2012 - 2015

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010 - 2014;

Căn cứ Quyết định số 355/QĐ-BTP ngày 22 tháng 3 năm 2011 của Bộ Tư pháp phê duyệt Kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2011 Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010 - 2014;

Căn cứ Quyết định số 584/QĐ-BTP ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2011;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12 tháng 10 năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

Căn cứ Chỉ thị số 18/2008/CT-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Ủy ban nhân dân Thành phố về triển khai thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 386/TTr-STP ngày 19 tháng 01 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2012 - 2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Thủ trưởng các Sở - ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các đơn vị có liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Trí

 

CHƯƠNG TRÌNH

HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN NĂM 2012 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-UBND ngày 05 tháng 3 năm 2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố)

I. CƠ SỞ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Sự cần thiết xây dựng chương trình:

Trong thời gian qua, nhiều đạo luật quan trọng có liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp đã được ban hành như: Luật Doanh nghiệp (1999 và 2005); Luật Doanh nghiệp Nhà nước (1995 và 2003), Luật Đầu tư (2005), Luật Hợp tác xã (2003), Bộ luật Dân sự (2005), Luật Thương mại (2005), Luật Cạnh tranh (2004), Luật Sở hữu trí tuệ (2005), Luật Phá sản (2003) và nhiều văn bản pháp luật khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các Luật, Nghị định cùng với các quy định cụ thể của thành phố đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, chặt chẽ để các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thống kê, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2011, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 188.750 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó gồm 24.087 Doanh nghiệp tư nhân, 108.091 Công ty TNHH hai thành viên, 33.321 Công ty TNHH Một thành viên, 23.242 Công ty cổ phần và 9 Công ty hợp danh. Số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký kinh doanh đã liên tục tăng qua các năm, tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 1.460.504.740 triệu đồng. Do đó, nhu cầu về tiếp cận, tra cứu hệ thống pháp luật để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng phù hợp với quy định pháp luật, phòng ngừa các rủi ro trong kinh doanh là một nhu cầu khách quan cần được đáp ứng kịp thời.

Qua khảo sát tại một số doanh nghiệp của thành phố cho thấy công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được các cơ quan Trung ương và Sở ban, ngành thành phố triển khai thực hiện, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận hoặc hiểu không đầy đủ pháp luật về kinh doanh. Tình trạng này có nguyên nhân do doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư nguồn lực để tiếp cận thông tin pháp luật, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của việc nghiên cứu, áp dụng pháp luật vào hoạt động kinh doanh để hạn chế các rủi ro pháp lý trong kinh doanh, dẫn đến dễ bị thiệt hại khi gặp phải vướng mắc, tranh chấp trong hoạt động kinh doanh. Nhất là đối với lĩnh vực pháp luật thương mại quốc tế thì hầu như các doanh nghiệp ít quan tâm (trừ các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu), điều này dẫn đến nhiều rủi ro cho doanh nghiệp khi tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, việc xây dựng một “Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2012 -2015” là thực sự cần thiết, nhằm giải quyết các nhu cầu cơ bản về hỗ trợ pháp lý hiện nay trong cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm: nhu cầu tiếp cận các văn bản pháp luật; nhu cầu được bồi dưỡng kiến thức pháp luật; nhu cầu được giải đáp pháp luật; nhu cầu kiến nghị và được tiếp nhận kiến nghị. Theo đó, triển khai đồng bộ các hoạt động trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với mục tiêu hàng đầu là nâng cao nền tảng pháp lý cho doanh nghiệp, sự chủ động áp dụng pháp luật trong hoạt động quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; huy động sự chung sức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp là rất quan trọng.

2. Cơ sở pháp lý xây dựng Chương trình:

- Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

[...]