Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư liên tịch 157/2010/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 157/2010/TTLT-BTC-BTP
Ngày ban hành 12/10/2010
Ngày có hiệu lực 26/11/2010
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính,Bộ Tư pháp
Người ký Trương Chí Trung,Đinh Trung Tụng
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH - BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 157/2010/TTLT-BTC-BTP

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2010

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VIỆC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC BẢO ĐẢM CHO CÔNG TÁC HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
Thực hiện Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014;
Để bảo đảm kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Liên tịch Bộ Tài chính – Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như sau:

Điều 1. Quy định chung

1. Thông tư liên tịch này hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các Bộ, ngành, địa phương và Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp.

2. Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp gồm:

- Ngân sách nhà nước cấp;

- Đóng góp của các doanh nghiệp;

- Viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước.

3. Kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và được bố trí trong dự toán chi ngân sách của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

4. Kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phải được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; tránh sự trùng lặp giữa các nguồn kinh phí cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Điều 2. Nội dung chi đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

1. Nội dung chi hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp:

1.1. Chi xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp:

Chi xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương ban hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các nội dung chi cụ thể để thực hiện việc xây dựng, duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp gồm: Phí đăng ký duy trì tên miền; phí thuê chỗ đặt trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; chi phí tích hợp với cơ sở dữ liệu hiện hành; tiền nhuận bút cho tác giả về các bài viết, dịch thuật, ảnh chụp, phim, âm thanh; chi phí biên tập thông tin; chi phí xử lý kỹ thuật số hóa bằng các phần mềm chuyên dụng; chi phí cập nhật thông tin; chi phí kiểm duyệt thông tin và chi phí quản lý khác.

1.2. Chi xây dựng, biên soạn tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp:

a) Chi biên soạn nội dung giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành dưới các hình thức: Tài liệu viết; dữ liệu điện tử; chương trình thu thanh; chương trình thu hình.

b) Chi họp, góp ý, thẩm định nội dung chương trình giới thiệu phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.

c) Chi in ấn, đóng, phát hành tài liệu.

d) Các khoản chi phí hợp lý khác có liên quan.

1.3. Chi tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp.

a) Đối với các lớp bồi dưỡng kiến thức cho doanh nghiệp, cán bộ pháp chế doanh nghiệp:

- Các khoản chi ngân sách nhà nước hỗ trợ:

+ Chi xây dựng kế hoạch, họp, góp ý, triển khai kế hoạch bồi dưỡng.

+ Chi tổ chức bồi dưỡng kiến thức: Kinh phí thuê hội trường, thuê máy móc trang thiết bị phục vụ giảng dạy, tài liệu bồi dưỡng, thù lao giảng viên, chi phí thuê phương tiện đi lại, thuê chỗ nghỉ cho giảng viên, báo cáo viên, nước uống và các chi phí liên quan khác đến việc tổ chức lớp học.

- Các khoản chi do doanh nghiệp, cá nhân tự chi trả: Bao gồm các khoản chi phí đi lại, tiền ăn, tiền ở, mua tài liệu tham khảo của học viên. Đối với các học viên ở gần địa điểm tổ chức lớp bồi dưỡng, không phát sinh chi phí thuê chỗ ở trong thời gian học thì tuỳ theo khả năng của doanh nghiệp có thể hỗ trợ cho người đi học chi phí đi lại, tiền ăn và mua tài liệu tham khảo cho học viên. Doanh nghiệp được hạch toán các khoản chi trên vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ. Mức chi phí hợp lý để tính thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo Thông tư của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

b) Đối với các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nội dung chi ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước.

[...]